Sáng tạo và nhạy bén trong khoa học công nghệ, nhiều thanh niên đã nâng tầm giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp. Phát huy sức trẻ, năng động sáng tạo khai thác những tiềm năng lợi thế của địa phương, nhiều thanh niên Quảng Ngãi đang mạnh mẽ vượt qua những khó khăn để khởi nghiệp, làm giàu cho gia đình và quê hương đất nước.
Khởi nghiệp với gạo lứt
Anh Bạch Thanh Phú (sinh năm 1990 tại xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) từng học ngành Quản trị kinh doanh (Đại học Quy Nhơn, tỉnh Bình Định). Sau khi ra trường, anh làm việc tại nhiều đơn vị. Không muốn tiếp tục lập nghiệp xa nhà, năm 2020, anh Thanh Phú quyết tâm về quê lập nghiệp với ý tưởng kinh doanh những sản phẩm "healthy - tốt cho sức khỏe".
Để khởi nghiệp, anh Phú đã chọn "Mô hình trồng lúa thảo dược tuần hoàn, chế biến nâng tầm giá trị nông sản". Anh Phú nhận thấy để sản phẩm phát triển bền vững cần phải có nguồn nguyên liệu đầu vào đảm bảo, tạo niềm tin lâu dài cho người tiêu dùng. Do đó, anh đã đầu tư vùng trồng nguyên liệu gạo lứt, đậu đen, bạc hà với số vốn ban đầu là 50 triệu đồng. Với một số nguyên liệu khác không thể trồng được, anh Phú đã liên kết thu mua tại một số vùng trồng uy tín.
Nhằm tránh điệp khúc "được mùa mất giá, được giá mất mùa", Thanh Phú đã chủ động chế biến gạo lứt thành các sản phẩm tốt cho sức khỏe người tiêu dùng và được thị trường ưa chuộng như trà gạo lứt, thanh gạo lứt dinh dưỡng, cơm sấy gạo lứt, bột gạo lứt... Thanh Phú chia sẻ: Tôi chọn lúa gạo lứt mà không phải các giống lúa gạo trắng vì gạo lứt không chỉ được đánh giá là giàu dinh dưỡng mà còn giúp ngăn ngừa nhiều bệnh như tiểu đường, béo phì, ung thư… Mục tiêu của tôi là sản xuất các sản phẩm sạch, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng; Mang lại thu nhập cao cho những người làm nông nghiệp, góp phần nâng tầm được sản phẩm địa phương.
Năm 2021, dự án trồng lúa thảo dược chế biến nâng tầm giá trị cây lúa của anh Phú đoạt giải thưởng dự án tiềm năng trong Cuộc thi dự án Khởi nghiệp thanh niên nông thôn do Trung ương Đoàn phối hợp tổ chức.
Đến năm 2022, anh Phú đã liên kết với một số hộ nông dân thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn OLYSA Việt Nam, sản xuất các sản phẩm từ gạo lứt kết hợp với rong biển, trong đó có 2 sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Ngãi là Gạo lứt Oly và Thanh rong biển Oly. Đến nay, công ty đưa ra thị trường 10 sản phẩm là thanh gạo lứt, thanh rong biển, trà gạo lứt. Công ty đã tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động địa phương. Chị Nguyễn Thị Thọ, xã Tịnh Đông, huyện Sơn Tịnh, cho biết: Trước đây tôi nông, ngoài ra ai thuê gì làm đó nên thu nhập không ổn định. Từ ngày được anh Phú thuê làm việc, tôi đã có lương hàng tháng và công việc cũng phù hợp với bản thân.
Theo anh Bạch Thanh Phú, sản phẩm từ gạo lứt do công ty sản xuất được khách hàng đánh giá tốt về chất lượng, nhưng vẫn chưa được nhiều người biết đến. Chặng đường đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường của công ty còn nhiều khó khăn. Thời gian tới, anh sẽ tập trung đầu tư máy móc để tạo dây chuyền sản xuất hiện đại, thay đổi mẫu mã bao bì đẹp hơn. Đồng thời, kết nối với các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch và đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.
Nông trại sạch gắn với trải nghiệm
Anh Trịnh Duy Phương (29 tuổi), ở thôn Tân Phước, xã Tịnh Đông (Sơn Tịnh) lại chọn khởi nghiệp nông nghiệp sạch theo hướng xây dựng nông trại trải nghiệm. Năm 2020, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Phương trở về quê và bắt đầu khởi nghiệp. Thời gian đầu, anh vấp phải sự phản đối của gia đình, bởi cha mẹ muốn anh tìm một việc làm ổn định ở doanh nghiệp, cơ quan nhà nước vì anh đã có bằng Đại học. Tuy nhiên, với ý chí và niềm đam mê, chàng trai này vẫn từng ngày cần mẫn cải tạo đất, gieo trồng đa dạng các loại cây, hoa để xây dựng khu vườn nông sản sạch.
Khác với cách làm truyền thống, anh Phương chọn các loại cây trồng mới và lạ với người dân Quảng Ngãi như: Ớt Peru, đu đủ đực, bí xanh thơm Bắc Kạn. Đặc biệt, các loại cây trồng này được chăm sóc theo hướng an toàn và thuận tự nhiên. Duy Phương đã tận dụng những phụ phẩm nông nghiệp để ủ bón cho cây trồng. Hiện nay, với gần 2ha đất vườn, Duy Phương đã trồng nhiều loại cây trồng khác nhau, trong đó có nhiều loại đang cho thu hoạch tốt. "Tôi đã tìm tòi, học hỏi những giống cây đã được nông dân trông thành công tại nhiều địa phương. Sau hơn 3 năm trải nghiệm, tôi thấy các loại cây này không khó trồng, chăm sóc. Nhưng để an toàn, khi chưa tìm được đầu ra ổn định thì không nên trồng với diện tích lớn. Quan trọng nhất là các sản phẩm phải đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay là sạch và ngon", anh Phương chia sẻ.
Bên cạnh việc trồng các loại cây nông sản sạch, anh Phương còn trồng nhiều loại hoa để tạo cảnh quan, xây dựng khu vườn thành nông trại trải nghiệm để khách hàng có thể trực tiếp hái rau, chụp ảnh, cắm trại vui chơi. Theo anh Phương, khởi nghiệp với nông nghiệp đã khó, với nông nghiệp sạch lại càng khó hơn. Do đó, để cạnh tranh với thị trường, đòi hỏi anh phải không ngừng đổi mới, sáng tạo; liên tục thay đổi không gian khu vườn cũng như thay đổi tư duy để kịp thời nắm bắt thị hiếu của du khách.
Hàng trăm thanh niên Quảng Ngãi đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, tìm hiểu, học tập các mô hình hiệu quả ở các địa phương khác để khởi nghiệp tại địa phương. Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi coi việc hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động đoàn nhằm tập hợp, đoàn kết thanh niên địa phương. Qua phong trào này, Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong người trẻ.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi Lê Văn Vin cho biết: Thời gian tới, để giúp các bạn trẻ định hình tốt hơn, cụ thể hơn về khởi nghiệp nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nền tảng cho thanh niên khởi nghiệp; hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tiếp cận các nguồn vốn; Đồng thời, Tỉnh Đoàn sẽ chú trọng tạo lập và kết nối các kênh phân phối và tiêu thụ sản phẩm cho đoàn viên, thanh niên.