Xóa hơn 4.000 đường ngang trái phép cách nào?

Cả nước hiện có trên 5.700 đường giao cắt với đường sắt, trong đó chỉ có trên 1.500 đường giao cắt được kiểm soát bằng gác chắn và biển báo, còn lại hơn 4.200 lối đi tự mở bất hợp pháp luôn tiềm ẩn tai nạn giao thông (TNGT).

Tai nạn trực chờ

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) thống kê, từ ngày 16/9/2017 đến hết tháng 5/2018, cả nước xảy ra hơn 200 vụ TNGT đường sắt, làm chết 96 người, bị thương 130 người. Tuy giảm cả ba tiêu chí về số vụ, người chết, người bị thương, nhưng số vụ tai nạn, người chết vẫn còn cao, để lại những hậu quả nặng nề cho nhiều gia đình và xã hội. Các vụ TNGT đường sắt chủ yếu xảy ra tại các lối đi tự mở dọc trên đường sắt (chiếm 80% số vụ tai nạn).

Đường sắt Bắc Nam qua Nam Định có 20 chuyến tàu/ngày, nhưng nhiều đường ngang tự mở trên tuyến có cảnh báo sơ sài. Ảnh: Công Luật/TTXVN

Tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) toàn quốc ngày 5/7, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình nêu rõ, số lượng lớn đường ngang bất hợp pháp cộng với ý thức của người tham gia giao thông hạn chế là nguyên nhân chính gây ra các vụ tai nạn đường sắt.

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết thêm, hiện nay, nhiều địa phương vẫn chưa tổ chức cảnh giới tại các lối đi tự mở có nguy cơ cao xảy ra tai nạn đường sắt. Bên cạnh đó, lỗi do người điều khiển phương tiện, người đi bộ qua đường ngang chiếm tới gần 42%; cộng với các hành vi không chấp hành hệ thống tín hiệu qua đường sắt chiếm tới 20%... khiến TNGT đường sắt luôn trực chờ tại các vị trí đường ngang.

Còn theo Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, hệ thống đường sắt hiện có 5 tuyến chính đi qua 166 quận, huyện, gần 800 xã, phường. TNGT đường sắt có thể giảm thiểu được nếu ý thức, trách nhiệm được tăng cường. TNGT đường sắt có nguyên nhân chủ yếu không phải do phía đường sắt, mà do người tham gia giao thông. Bên cạnh đó, trách nhiệm của chính quyền địa phương và ngành Đường sắt cần truy xét rõ trong các vụ tai nạn.

Truy trách nhiệm lãnh đạo địa phương

Bộ GTVT đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đường sắt 2017 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2018. Theo dự thảo này, đến năm 2025, toàn bộ đường ngang dân sinh, lối đi tự mở qua đường sắt sẽ bị xóa sổ.

Việc xóa sổ các đường ngang như thế này là cấp bách

Theo đó, các doanh nghiệp cổ phần kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng hiện nay phải thống kê danh mục, theo dõi, cập nhật biến động liên quan đến đường ngang dân sinh qua đường sắt trên lý trình tuyến đường sắt quản lý; đồng thời phối hợp với UBND các địa phương thực hiện các biện pháp giám sát để không phát sinh, tiến tới xóa bỏ toàn bộ đường ngang dân sinh.

Cụ thể, đến năm 2020, các đơn vị quản lý đường sắt phải hoàn thành hồ sơ quản lý đối với các đường ngang dân sinh tự mở; đảm bảo an toàn giao thông tại các vị trí này; rà soát đường ngang dân sinh liên quan đến an toàn giao thông đường sắt, đường bộ để điều chỉnh, lập kế hoạch thực hiện thu hẹp, giảm, xóa bỏ. Đến năm 2025 hoàn thành xóa bỏ toàn bộ các đường ngang dân sinh.

Luật Đường sắt 2017 quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng. Nhiều đại biểu tại kỳ họp Quốc hội vừa qua đặc biệt quan tâm tới việc “xóa sổ” hơn 4.000 đường ngang, lối đi dân sinh trái phép và cho rằng Luật Đường sắt gắn với trách nhiệm, không chỉ của Bộ GTVT hay ngành Đường sắt, mà còn gắn trách nhiệm của địa phương nơi có đường sắt đi qua. Mở đường dân sinh trái phép, để xảy ra tai nạn tuỳ mức độ phải xử lý nghiêm, thậm chí phải cho “mất chức” lãnh đạo địa phương.

Để đảm bảo kế hoạch “xóa sổ” đường ngang trái phép được thực thi, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo Bộ GTVT và các địa phương không chỉ sử dụng nguồn Quỹ Bảo trì đường bộ để xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT trên đường bộ, mà trong năn 2019 phải ưu tiên cho địa phương để xử lý điểm đen và hộ lan trên đường sắt.

“Vấn đề này đã từng được đề cập nhiều lần, nhiều năm, nhưng chưa chuyển biến. Dứt khoát phải xóa sổ những đường ngang này”, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương vào cuộc ngay.

Được biết, VNR đã có quy chế phối hợp với UBND các tỉnh có đường sắt đi qua, yêu cầu kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT an toàn giao thông đường sắt; đồng thời gắn kết quả thực hiện với trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương, nhằm đảm bảo lộ trình xóa bỏ đường ngang từ nay đến năm 2020, 2025.

Đăng Sơn/Báo Tin tức
Nhớ đi qua đường ngang theo cách này để đảm bảo an toàn
Nhớ đi qua đường ngang theo cách này để đảm bảo an toàn

Sau hàng loạt vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt xảy ra thời gian qua, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 25/BGTVT/2018 quy định về đường ngang và cấp giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt để đảm bảo an toàn giao thông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN