Bị cáo Trịnh Xuân Thanh nói lời nói sau cùng trước phiên nghị án. Ảnh: TTXVN |
Phiên tòa này trong nhiều ngày qua đã
thu hút sự quan tâm đặc biệt của xã hội không chỉ bởi tính chất nghiêm
trọng của vụ án, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra mà còn bởi
nhiều bị cáo từng giữ vị trí chủ chốt trong những đơn vị kinh tế quan
trọng, trong đó có cả cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước. Theo dõi phiên
tòa đặc biệt này, nhiều cán bộ, đảng viên, nhân dân đều chung nhận định:
Phiên tòa xét xử công khai, thể hiện sự nghiêm minh, đúng quy định của
pháp luật, qua đó củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của
Đảng.
*Củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng
Nhận
xét về vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm, Phó Chủ tịch Trung ương Hội
Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Hòa Bình đánh giá đây là một vụ án lớn,
đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến lãnh đạo cấp cao nên được đông đảo
người cao tuổi rất quan tâm và theo dõi những diễn biến xung quanh quá
trình xét xử vụ án. Ông Nguyễn Hòa Bình cho rằng đây là phiên tòa xét xử
công khai, quá trình tranh tụng cũng thể hiện quyền của các bên rất rõ.
Hội Người cao tuổi Việt Nam hoan nghênh cuộc đấu tranh chống tham nhũng
rất quyết liệt, không có vùng cấm của Đảng và Nhà nước. Việc đưa ra xét
xử cả lãnh đạo cấp cao phạm tội đã thể hiện sự nghiêm minh, đúng quy
định của pháp luật, người dân hoàn toàn tin tưởng, từ đó củng cố niềm
tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, góp phần xây dựng xã hội ngày
càng tốt hơn.
Xung quanh việc hiện nay trên mạng xã hội
xuất hiện nhiều thông tin trái chiều bình luận về vụ án Trịnh Xuân
Thanh và đồng phạm, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi cho rằng, điều này
khó tránh khỏi trong thời buổi công nghệ thông tin đang bùng nổ. Theo
ông Nguyễn Hòa Bình, cơ quan chức năng cần phải có biện pháp tuyên tuyên
cho người dân hiểu rõ bản chất của vụ án, tránh tình trạng có những đối
tượng lợi dụng sự việc để thể hiện quan điểm phiến diện gây ảnh hưởng
đến uy tín của Đảng và Nhà nước. "Lãnh đạo nào khi đang công tác cũng
đều có công, thành tích nhất định, nhưng khi phạm tội vẫn phải chịu
trách nhiệm để đảm bảo tính thượng tôn của pháp luật. Những thành tích
của lãnh đạo khi còn làm việc chắc chắn sẽ được ghi nhận. Đó sẽ là cơ sở
để Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ mức án, chứ không thể vì có công mà
không bị luận tội", ông Nguyễn Hòa Bình phân tích.
Đồng
tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Phú Chúc, ở tổ 1, phường Tứ Liên, quận
Tây Hồ, Hà Nội cho hay, gia đình ông theo dõi thường xuyên những thông
tin xung quanh vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm kể từ khi khởi tố vụ
án. Theo ông Chúc, việc quyết liệt xử lý không còn là khẩu hiệu mà đã
được cụ thể hóa thành hành động, thể hiện quyết tâm rất cao của Đảng,
Nhà nước đối với vấn nạn tham nhũng. Dù Trịnh Xuân Thanh đã trốn ra nước
ngoài rồi vẫn phải ra đầu thú cho thấy tính nghiêm minh của pháp luật.
"Ngày càng có nhiều vụ tham nhũng bị phát hiện, số tiền thất thoát không
chỉ một vài tỷ mà đã lên tới cả trăm nghìn tỷ đồng. Xử lý kịp thời vấn
nạn tham nhũng sẽ củng cố được niềm tin của người dân vào chế độ, vào sự
lãnh đạo của Đảng", ông Chúc nêu quan điểm.
Trung tướng
Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 cho rằng, việc công khai
xét xử bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm đã củng cố niềm tin của nhân
dân vào Đảng, vào quyết tâm của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về
phòng, chống tham nhũng. Theo đó, bất kể ai kể cả cán bộ cao cấp, nếu
sai phạm vẫn bị xử lý kỷ luật theo quy định. “Đảng viên mắc kỷ luật thì
phải xử lý đúng theo kỷ luật của Đảng. Sai phạm đến đâu sẽ phải xử lý
đến đó. Làm như vậy tăng sức mạnh của Đảng, tăng niềm tin của nhân dân”,
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước chỉ rõ.
*
Hồi chuông cảnh tỉnh đối với cán bộ, đảng viên chưa thực hiện đúng chức trách
Qua
theo dõi phiên tòa xét xử bị cáo Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm, ông
Lê Danh Chính, sĩ quan công an nghỉ hưu (trú tại đường Hào Nam, quận
Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, phiên tòa đã được tiến hành chặt chẽ, công
khai, minh bạch theo đúng luật định. Việc đưa ra xét xử một vụ án tính
chất phức tạp và có tới 22 bị cáo, trong đó có cán bộ cấp cao của Đảng,
nhiều người từng giữ vị trí chủ chốt trong các đơn vị kinh tế quan trọng
đã góp phần thể hiện mạnh mẽ tinh thần hành động kiên quyết của toàn
Đảng, toàn hệ thống chính trị trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng,
tiêu cực. Với mỗi bị cáo, hành vi sai phạm đã được làm rõ và sẽ phải
chịu khung hình phạt tương ứng theo mức độ nghiêm trọng của tội danh,
đúng quy định của pháp luật. “Đây là hồi chuông cảnh tỉnh đối với những
cán bộ, đảng viên chưa làm đúng, làm tròn chức trách, kể cả những người
trong hàng ngũ lãnh đạo ở cấp cao.” - ông Chính khẳng định. Trong sáng
17/1, các bị cáo đã được nói những lời sau cùng tại phiên tòa. Bày tỏ sự
tin tưởng vào tính nghiêm minh của pháp luật, ông Chính cho rằng Hội
đồng xét xử sẽ tuyên những bản án công bằng, đồng thời cũng thể hiện
tính nhân văn của luật pháp Việt Nam.
Nhận xét về mức án
mà Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị Hội đồng xét xử xử
phạt bị cáo Trịnh Xuân Thanh hình phạt chung thân cho cả hai tội "Cố ý
làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm
trọng”, “Tham ô tài sản” và mức án từ 14 đến 15 năm tù đối với bị cáo
Đinh La Thăng về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý
kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", ông Đào Xuân Hội, Tiến sỹ Luật, khoa
Luật, Trường Đại học Lao Động Xã hội cho rằng: Đó là mức án nghiêm khắc.
Mức án này cũng là sự cảnh tỉnh nghiêm khắc đối với những cán bộ thoái
hóa, biến chất trong đội ngũ.
"Sáng 22/1 tới, Hội đồng
xét xử sẽ tuyên án. Tôi tin rằng, đó sẽ là một bản án công tâm, nghiêm
minh, đủ sức răn đe và giáo dục cho người phạm tội, đồng thời, phản ánh
và thể hiện đúng tinh thần nhân đạo của một nền công lý tiến bộ. Bản án
đó cũng sẽ là bài học có ý nghĩa giáo dục cán bộ, đảng viên đương chức
ngày nay phải tự suy ngẫm, điều chỉnh lại nhận thức, hành động của mình
để không chỉ làm tốt chức trách nhiệm vụ được giao mà còn phải trở thành
tấm gương cho các cán bộ, đảng viên khác noi theo", Tiến sỹ Đào Xuân
Hội bày tỏ.
Nêu quan điểm cá nhân về phiên tòa này, Tiến
sỹ Quách Thị Ngọc An, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật
Trung ương cho biết, bà theo dõi khá kỹ phiên tòa và biết rằng, phiên
tòa này được xét xử trên tinh thần đổi mới, dân chủ, công khai, khách
quan, đảm bảo quyền con người tốt hơn nữa cho các bị cáo cũng như đảm
bảo tối đa nguyên tắc suy đoán vô tội với bị can, bị cáo. Đây là phiên
tòa theo đúng tinh thần của Hiến pháp năm 2013, theo tinh thần cải cách
tư pháp.
Bà Quách Thị Ngọc An chia sẻ, qua dư luận và
báo chí, người dân được biết hàng nghìn tỷ tiền ngân sách bị "thả trôi".
Sự việc này có liên quan đến trách nhiệm của các bị cáo như Đinh La
Thăng, Trịnh Xuân Thanh và các bị cáo khác. Điều đó khiến bà và nhiều
cán bộ, đảng viên cảm thấy buồn vì những khuyết điểm, sai phạm của những
người từng giữ trọng trách lớn trong bộ máy Nhà nước đã diễn ra trong
thời gian dài.
Tuy nhiên, Tiến sỹ Quách Thị Ngọc An
khẳng định niềm tin của mình được củng cố khi những khuyết điểm, tiêu
cực đã, đang được Đảng, Nhà nước ngăn chặn, chấn chỉnh, quyết liệt xử
lý. “Có công thì thưởng, có tội thì phạt".Tiến sỹ Quách Thị Ngọc An tin
rằng, Tòa sẽ có bản án nghiêm minh cho các bị cáo trong vụ án Trịnh Xuân
Thanh và đồng phạm. Bản án đó cũng là bài học cho những cán bộ đảng
viên trong hệ thống công quyền của Nhà nước, nhất là cán bộ đảng viên
giữ vị trí quan trọng đang có những ý định thiếu trong sáng. Họ sẽ buộc
phải tự soi vào để thấy rằng, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp
luật, ai sai phạm, sai phạm đến đâu cũng đều sẽ bị xử lý, không có vùng
cấm, không có ngoại lệ.
Điểm đáng chú ý trong phiên tòa
xét xử sơ thẩm bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm là phiên tòa có bục
khai báo thay cho vành móng ngựa. Theo Luật sư Cao Bá Trung (Đoàn Luật
sư thành phố Hà Nội), phiên tòa không có vành móng ngựa không phải đặc
quyền cho bị cáo Thăng hay bị cáo Thanh. Bắt đầu từ ngày 1/1/2018, theo
quy định của Thông tư 01/2017/TT-TANDTC, bục khai báo sẽ thay thế cho
vành móng ngựa trong các phiên tòa. Đây một bước tiến bộ trong tổ chức
hình thức của một phiên tòa xét xử các vụ án hình sự. Việc bỏ vành móng
ngựa trong tất cả các phòng xử án cho thấy nguyên tắc "suy đoán vô tội"
được tôn trọng. Tức là bất kỳ người bị buộc tội nào đều có quyền suy
đoán là không phạm tội, cho đến khi hành vi phạm tội của người đó được
tòa tuyên bố. Việc bỏ vành móng ngựa cũng mang đến hình ảnh của phiên
tòa đảm bảo tính khách quan, bình đẳng, tôn trọng quyền con người.