6 trong 7 vụ tai nạn giao thông (TNGT) thảm khốc trên các tuyến quốc lộ trong cả nước diễn ra từ đầu năm đến nay liên quan đến xe khách đã lấy đi tính mạng hàng trăm hành khách cùng lúc, chưa kể hàng chục vụ tai nạn xe khách khác.
Đáng lưu ý, tất cả vụ tai nạn này đều là xe tư nhân gây ra, do lái xe chạy quá tốc độ, lấn trái đường, đi sai làn đường, lạm dụng rượu bia... Tuy vậy, TNGT vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và đang gióng hồi chuông báo động tới các cơ quan hữu quan, nhất là trong việc cấp phép, quản lý lái xe...
Nhận diện “hung thần”
“Khủng khiếp và kinh hãi...”, là bộc bạch của không ít người đã từng đi xe khách chạy tuyến Hà Nội-Nghệ An, Hà Tĩnh và ngược lại. Có đi mới chứng kiến được vì sao những chiếc xe khách chạy tuyến này được mệnh danh là những chiếc “máy bay đất”, những “cỗ quan tài bay”, còn lái xe thì nổi tiếng “liều” và trở thành nỗi khiếp sợ cho biết bao hành khách.
Xe ô tô khách mang biển số 77L - 3797 chạy quá tốc độ cộng với đường trơn do mưa nên đã xảy ra vụ tai nạn làm 4 người chết và 15 người bị thương nặng. Ảnh: Công Thử - TTXVN |
Để mục sở thị những cảm giác bất an như hành khách kể lại, phóng viên chúng tôi đã “liều” một chuyến Hà Nội-Hà Tĩnh bằng xe khách. 8 giờ sáng xuất bến Giáp Bát, mặc dù là ngày thường nhưng lượng khách đi Nghệ An, Hà Tĩnh tại bến xe khá đông. Chọn một xe khách loại 45 chỗ chất lượng cao để đi, nhưng khi đã yên chỗ, những cảm giác bất an bắt đầu ám ảnh khi trên xe không có đủ các điều kiện đảm bảo an toàn như đai thắt, búa thoát hiểm, bình xịt cứu hỏa... Vì muốn mục sở thị những hiểm họa trên đường, chúng tôi chọn chỗ ngồi trên đầu xe, dẫu biết vị trí này chẳng an toàn chút nào. Vừa vào đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, chiếc xe đã tăng tốc, không nhường và liên tục vượt lên các xe phía trước, đồng hồ đo tốc độ chỉ 90 km/h, vượt quy định cho phép. Đến địa phận tỉnh Hà Nam, gặp xe container chở nặng đang ì ạch chạy, người lái xe liên tục bấm còi inh ỏi, bật đèn hiệu xin vượt, nhưng chiếc xe container không nhường, bất ngờ chiếc xe đảo sang vượt phải. Do gặp một chiếc xe con chạy cùng chiều, nên không thể vượt lên, người lái xe tiếp tục nhấn ga, đánh lái sang trái vượt. Mọi người trên xe được dịp chao đảo: “Đi kiểu gì thế?”. Không có ai trả lời... Chỉ đến khi gần tới địa phận tỉnh Hà Tĩnh, lái xe dường như mới chùn tay, khi thấp thoáng dọc hai bên đường là miếu thờ những nạn nhân xấu số chết vì TNGT trên cung đường “điểm đen TNGT” này. Xe về đến Bến xe Hà Tĩnh an toàn, người thở phào nhẹ nhõm, người thở dài lo lắng nghĩ tới những chuyến đi sắp tới...
Theo số liệu của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ, đường sắt (Bộ Công an), từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra trên 50 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, đều là xe tư nhân, làm 166 người chết, 185 người bị thương. TNGT xe khách vẫn đang diễn biến rất phức tạp, khi chưa đầy hai tuần đầu tháng 7/2011, liên tiếp xảy ra các vụ TNGT xe khách thảm khốc (Hà Tĩnh 3 vụ, Lâm Đồng 1 vụ).
Chỉ vì sự thiếu trách nhiệm của người lái xe, phóng nhanh, vượt ẩu, tranh giành khách, nóng vội về bến để kịp quay vòng chuyến khác, đã gây biết bao đau thương cho nhiều gia đình. Ám ảnh từ những chuyến đi, những vụ tai nạn chết người cũng đã khiến nhiều lái xe phải bỏ nghề, chuyển nghề, hoặc mang thương tật suốt đời. Điều này cho thấy vấn đề quản lý, sát hạch, đào tạo cấp phép, tuyển chọn lái xe lỏng lẻo của các doanh nghiệp tư nhân hiện nay và tiếp tục báo động tình trạng doanh nghiệp vì lợi nhuận, lái xe vì được “giao khoán”, nên đã không tuân thủ Luật Giao thông đường bộ (GTĐB). Trong các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, điều tra cho thấy nhiều trường hợp lái xe chạy liên tục quá 4 giờ hoặc trên 8 giờ/ngày, làm tăng nguy cơ xảy ra TNGT.
Một cảnh "rợn người" trên quốc lộ 6, đoạn qua huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình). Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Thực tế trên cũng cho thấy, các vụ TNGT thảm khốc xảy ra trên quốc lộ đều là xe khách đường dài, chất lượng tốt, có cả xe “giường nằm cao cấp”. Tuy nhiên, do không bị quản lý sát sao từ phía doanh nghiệp cũng như cơ quan chức năng, nên tay nghề, đạo đức của lái xe hiện nay bộc lộ nhiều bất cập đáng lo ngại. Bởi nhìn về hình thức, việc dạy và học tại các trung tâm có vẻ khách quan, nhưng quản lý đào tạo không chặt chẽ, đăng ký, nộp tiền là đi học và thời gian học cũng không đủ theo quy định. Trong suốt quá trình đào tạo lái xe hiện nay, người học và người dạy không tập trung về luật, học viên được dạy kỹ năng trả lời đúng đáp án như con vẹt nên không hiểu sâu sắc về luật.
Đạo đức lái xe phải đặt lên hàng đầuNhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông khẳng định, những vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra thời gian gần đây phần lớn là do các chủ xe khách tốc hành đường dài vì lợi nhuận, nên thiếu quản lý, giáo dục lái xe, thậm chí còn khuyến khích lái xe chở thêm khách, bất chấp các quy định về giao thông trên đường. Lái xe mặc sức chạy nhanh, lấn tuyến, giành đường, tranh khách và tranh thủ thời gian để bù lại các đoạn đường phải hạn chế tốc độ. Bên cạnh đó, có lái xe chở khách hiện nay không qua trường lớp, nhiều phụ xe tự học lái xe, rồi “chạy chọt” kiếm cho được bằng lái để thành lái xe chính. Thậm chí, có những lái xe tuổi còn rất trẻ, chưa đủ độ chín trong nghề, lại hiếu thắng, liều lĩnh, phóng nhanh vượt ẩu, gây ra TNGT là điều tất yếu. Vì vậy, để hạn chế TNGT, các cơ quan hữu quan cần sớm tổng kiểm tra lại các quy trình quản lý, đào tạo, cấp phép, bồi dưỡng đạo đức cho đội ngũ lái xe.
Báo cáo sơ kết 4 năm thực hiện Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP của Chính phủ do Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện cho thấy, từ năm 2007 đến nay, nguyên nhân của các vụ TNGT chủ yếu do người điều khiển phương tiện tham gia giao thông không chấp hành quy tắc giao thông đường bộ như: Đi sai phần đường chiếm 18,1% số vụ; tránh, vượt sai quy định 16,4% số vụ; vi phạm tốc độ 19,1% số vụ; chuyển hướng không quan sát 16,8% số vụ; phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật 11,5% số vụ; nguyên nhân khác 18,2% số vụ… Tuyến đường xảy ra TNGT nhiều nhất là quốc lộ 1A - tuyến giao thông huyết mạch của cả nước, có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn. Mặc dù tổng số vụ TNGT trên tuyến này đã giảm dần qua từng năm, tuy nhiên, tại một số địa phương có tuyến đi qua, TNGT do xe khách gây ra vẫn chiếm tỷ lệ lớn từ 35-40% và vẫn gia tăng ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Thanh Hóa, Phú Yên...
Thực tế trên cho thấy, việc giáo dục đạo đức đội ngũ lái xe cần phải được đặc biệt coi trọng.