Tự hào với truyền thống quê hương Bác Tôn Đức Thắng, trong những năm qua Mỹ Hòa Hưng không ngừng phấn đấu, đoàn kết, lao động sản xuất để xây dựng xã ngày càng giàu đẹp.
Mỹ Hòa Hưng là xã cù lao, nằm giữa dòng sông Hậu, cách trung tâm thành phố Long Xuyên khoảng 3 km. Diện tích tự nhiên là 2.119 ha, với 9 ấp, 156 tổ tự quản, 5.424 hộ và 22.326 nhân khẩu. Xã có 884,9 ha đất nông nghiệp, trong đó đất trồng lúa trên 502 ha, đất trồng cây lâu năm trên 269 ha, đất nuôi trồng thủy sản gần 205 ha, chia ra thành 4 tiểu vùng sản xuất nông nghiệp. Kinh tế của xã chủ yếu dựa vào nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và các ngành nghề truyền thống với quy mô nhỏ như làm nhang, đan lát... Tháng 9/2017, xã Mỹ Hòa Hưng thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Mỹ Hòa Hưng, hoạt động trên 3 lĩnh vực trồng màu, cây ăn trái và dịch vụ du lịch. Hiện trên địa bàn xã có 13 tổ hợp tác sản xuất, câu lạc bộ trồng hoa kiểng.
Mỹ Hòa Hưng cũng là địa phương đi đầu trong việc thực hiện ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, nhân rộng vùng trồng rau an toàn tại ấp Mỹ An 2 với tổng diện tích 15 ha, hiện nay xã cung cấp nguồn rau sạch, an toàn cho các Công ty Phan Nam, Siêu thị Coop-mart, chợ Mỹ Bình, chợ Long Xuyên…, số lượng mỗi ngày từ 500 kg đến 700 kg rau các loại.
Xã Mỹ Hòa Hưng cũng đã đạt xã nông thôn mới, với 100% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, và 100% số hộ hộ dân trên toàn xã sử dụng nước máy. Năm 2017 xã Mỹ Hòa Hưng tổ chức thực hiện nâng chất lượng các tiêu chí, chỉ tiêu nông thôn mới để phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Bà Huỳnh Lê Thùy Dương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mỹ Hòa Hưng cho biết: Mỹ Hòa Hưng đang chuyển mình mạnh mẽ, nhất là sau khi xã đạt được chuẩn nông thôn mới năm 2015. Tất cả các tuyến giao thông toàn xã đã hoàn thiện láng nhựa. Các tuyến đường ra cánh đồng cũng được bà con góp tiền và ngày công làm cầu đường bê tông vững chắc. Xã cũng đã có nhiều mô hình kinh doanh mang lại nguồn thu nhập khá cao như Hợp tác xã rau an toàn công nghệ cao, làng du lịch cộng đồng (homestay), khu nhà vườn sinh thái... tất cả tạo nên một Mỹ Hòa Hưng trù phú, giàu đẹp và rất đỗi ân tình.
Sản xuất nông nghiệp của xã Mỹ Hòa Hưng đã đạt được những thành tựu mới, riêng vụ lúa Đông Xuân 2017-2018, xã đã sản xuất được 567 ha, với năng suất bình quân đạt mức cao là trên 7,5 tấn/ha. Các mô hình trồng rau sạch an toàn trong nhà lưới, trồng xoài giống mới Cát Chu, nuôi cá trong lồng bè, ao hầm, nuôi bò thịt, lợn, gà vịt... đã góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân. Năm 2017, tổng giá trị sản xuất bình quân 1ha đất nông nghiệp ở xã Mỹ Hòa Hưng đã đạt trên 147 triệu đồng, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn mức 1%.
Ông Nguyễn Văn Tri, ngụ ấp Mỹ Long I, đã gắn bó với quê hương Mỹ Hòa Hưng hơn 70 năm nay; trong đó, 12 năm ông làm cán bộ lãnh đạo xã Mỹ Hòa Hưng, 13 năm gắn bó với Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, 8 năm về hưu, nhưng vẫn bộn bề công việc thiện nguyện của của mình với tâm niệm xây dựng quê hương Mỹ Hòa Hưng ngày càng giàu đẹp.
Ông Tri cho biết, Bác Tôn là tấm gương không chỉ bản thân tôi mà tất cả chúng ta phải học tập, noi theo, nhất là đức tính “cần, kiệm, liêm, chính”. “Qua tìm hiểu về cuộc đời và nhân cách của Bác Tôn, tôi nhận thấy Bác có rất nhiều đức tính, việc làm hết sức cao cả, mang đậm “chất người Tôn Đức Thắng”. Không ai ngờ, một vị Chủ tịch nước lại mặc những chiếc áo sờn vai, sử dụng vali cũ kỹ, tự sắm đồ nghề sửa xe đạp…; trước khi trút hơi thở cuối cùng, Bác quyết định trả lại căn nhà số 35 Trần Phú (Hà Nội) cho Nhà nước, nên đến lúc mất, Bác là người… chẳng có nhà riêng”, ông Tri xúc động bày tỏ.
Để học tập theo đạo đức cách mạng của Bác Tôn, từ uy tín của mình, ông Tri tích cực vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài địa phương tham gia đóng góp tiền, của cải và công sức để thực hiện các công trình phúc lợi xã hội.
Riêng trong năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, ông đã vận động xây mới 5 cây cầu bê tông, làm mới một tuyến đường, dặm vá 107 mét đường bê tông, với tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng, do bà con đóng góp. Đó là những công trình mà ông Tri và bà con tự hào thực hiện, làm món quà dâng tặng dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Ông Tri tâm sự, chúng tôi rất tự hào vì được sống ở Mỹ Hòa Hưng - quê hương của Bác Tôn. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng bà con luôn đoàn kết một lòng, chung sức xây dựng quê hương Mỹ Hòa Hưng ngày thêm giàu đẹp, như ao ước hằng mong của Bác Tôn Đức Thắng.
Hướng đến kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng - người con ưu tú của Mỹ Hòa Hưng, mỗi nơi, mỗi người lại nhớ Bác Tôn theo cách của riêng mình. Riêng anh Trần Phước Nguyên, chủ cơ sở Trần Phước Nguyên Homestay ở xã Mỹ Hòa Hưng nhớ Bác Tôn bằng những hành động cụ thể, thiết thực. Anh đã đầu tư công sức chỉnh trang nhà cửa, cải tạo vười cây ăn trái, trồng hoa và cây cảnh để tạo cảnh quan thu hút khách du lịch tham quan, nghỉ lại tại nhà mình. Qua đó vừa góp phần giới thiệu, quảng bá vẻ đẹp của đất - người Mỹ Hòa Hưng đến với du khách gần xa, đồng thời vừa tăng thêm thu nhập cho gia đình và địa phương, tất cả hướng đến mục tiêu xây dựng Mỹ Hòa Hưng - quê hương của Bác Tôn Đức Thắng trở thành một miền quê đáng sống.