Xây dựng chế độ, chính sách tốt hơn cho người lao động

Là hoạt động trọng tâm của tổ chức Công đoàn, hàng năm “Tháng Công nhân” đã trở thành ngày hội lớn, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống công nhân, người lao động trên cả nước.

Đây cũng là dịp để lãnh đạo Công đoàn các cấp tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ công nhân lao động; phân tích những bất cập trong quan hệ lao động, để từ đó có những kiến nghị, đề xuất, nhằm xây dựng chế độ chính sách tốt hơn cho người lao động. 

Chăm lo tốt hơn quyền lợi của người lao động

Chú thích ảnh
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Kiên Giang trao tặng mái ấm Công đoàn cho ông Nguyễn Tuấn Hải - Công đoàn cơ sở xã Đông Thạnh, huyện An Minh (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN

Tháng Công nhân do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động, được tổ chức trên toàn quốc vào tháng 5 hàng năm, bắt đầu từ năm 2013 với mục tiêu từng bước chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp. Những nội dung như: Tuyên truyền về chính sách, pháp luật, tổ chức gặp gỡ, giao lưu, đối thoại, thăm hỏi công nhân lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tai nạn lao động... đã được người lao động trên cả nước nhiệt tình hưởng ứng...

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Văn Thuật cho biết: Sau 6 năm tổ chức Tháng Công nhân (2013-2018), công đoàn các cấp đã tổ chức tuyên truyền gần 200.000 cuộc cho hơn 10 triệu lượt đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động trên cả nước; trên 600.000 công nhân, viên chức lao động được thăm hỏi, tặng quà với hơn 149 tỷ đồng; có 5.983 “Mái ấm Công đoàn” được xây mới, sửa chữa cho công nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trị giá hơn 128 tỷ đồng. 

Sau 6 năm, đã có gần 20.200 doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn cam kết “Quyền lợi đảm bảo, phúc lợi tốt hơn” cho đoàn viên, người lao động; hơn 7.800 doanh nghiệp tổ chức nâng cao tay nghề với 260.000 người được nâng tay nghề, bậc thợ. Trong Tháng Công nhân, các cấp Công đoàn đã thực hiện kiểm tra, giám sát hơn 32.000 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; tiếp nhận và giải quyết hơn 2.000 đơn, thư của công nhân.

Hoạt động của Tháng Công nhân đã giúp người lao động và chủ doanh nghiệp đến gần với nhau hơn. Từ đó, người sử dụng lao động thông qua đối thoại đã nắm được nhu cầu, mong muốn cũng như điều kiện, hoàn cảnh của công nhân để đưa ra những chính sách, chế độ phù hợp hơn; người lao động cũng hiểu biết hơn về pháp luật, những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải để có sự cảm thông, gắn bó hơn trong công việc.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết: Qua tổ chức hàng năm, Tháng Công nhân đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong hầu hết đoàn viên công đoàn và người lao động Thủ đô nói riêng và trên cả nước nói chung. Đây chính là nền tảng để phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, tạo khí thế thi đua sôi nổi; thể hiện sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, người sử dụng lao động đối với người lao động, giúp cho tinh thần Tháng Công nhân ngày càng có ý nghĩa và đi sâu vào đời sống người lao động, cũng như các tầng lớp xã hội.

Chú thích ảnh
Sáng 24/5/2019, Liên đoàn Lao động tỉnh Sóc Trăng tổ chức lễ cưới tập thể cho 7 cặp vợ chồng đang làm việc ở các khu công nghiệp. Ảnh: Hồng Nhung/TTXVN

Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam Lê Thị Bích Ngọc, ý nghĩa thiết thực của Tháng Công nhân sẽ tạo hiệu ứng tốt đến tư tưởng, hành động của người lao động trong thi đua lao động sản xuất; đồng thời nhận được sự quan tâm từ lãnh đạo cũng như công đoàn tại cơ sở đối với tâm tư, nguyện vọng của mỗi đoàn viên công đoàn và người lao động. "Nếu nguyện vọng chính đáng của người lao động được đáp ứng kịp thời sẽ tạo sự hứng khởi trong công nhân, lao động, qua đó tăng cường mối quan hệ gắn bó hơn giữa công nhân với doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả, năng suất làm việc", bà Lê Thị Bích Ngọc chia sẻ. 

Cải thiện quan hệ lao động, bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của các bên

Bên cạnh những hoạt động chăm lo cho người lao động trong Tháng Công nhân, một trong những nhiệm vụ quan trọng và lâu dài của Công đoàn Việt Nam là thực hiện Chương trình: “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả thỏa ước lao động tập thể” nhằm đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi bên, quan hệ lao động được cải thiện rõ rệt, giảm tối đa việc phát sinh tranh chấp lao động tập thể, đình công. Hoạt động này đang được các cấp công đoàn nỗ lực phối hợp với doanh nghiệp và chính quyền địa phương tổ chức ngày càng nhiều hơn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Tuy nhiên,  trên thực tế, việc doanh nghiệp và người lao động cùng nhau đi đến thống nhất vẫn còn hạn chế; nhiều doanh nghiệp thương lượng, ký kết thỏa ước lao động theo kiểu đối phó, nội dung thỏa ước chủ yếu sao chép luật. 

Phó Cục trưởng Cục Quan hệ lao động - Tiền lương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Xuân Thành cho biết, các thỏa ước lao động tập thể giúp thu nhập của người lao động tăng từ 15%-20%, chưa kể chế độ phúc lợi như tiền ăn giữa ca, tiền thưởng, trợ cấp nuôi con nhỏ… được bảo đảm. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp thờ ơ với việc ký kết thỏa ước lao động tập thể.
Báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, trong giai đoạn 2013 - 2018, cả nước có khoảng 30.000 bản thỏa ước lao động tập thể được ký kết tại các doanh nghiệp, đạt 21% số doanh nghiệp sử dụng từ 10 lao động trở lên và chiếm 67% số doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn. Nội dung thương lượng tập thể và thỏa ước lao động tập thể chưa được các bên quan tâm đưa ra những vấn đề cốt lõi của quan hệ lao động để thương lượng như tiền lương, các khoản phụ cấp, tiêu chuẩn nâng lương, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, điều kiện làm việc, tiền thưởng… dẫn đến mặc dù doanh nghiệp có thỏa ước lao động tập thể, nhưng quyền và lợi ích của người lao động chưa bảo đảm.

Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh Kiều Ngọc Vũ, nhiều năm qua, tổ chức Công đoàn đã rất nỗ lực trong việc thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể, nhưng việc doanh nghiệp có hợp tác hay không ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thương lượng. Ông Kiều Ngọc Vũ cho rằng, để hoạt động này đạt hiệu quả, cần đánh giá thêm kết quả công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý việc thực hiện ký kết thỏa ước lao động tập thể của các cơ quan chức năng, vì vấn đề này cũng tác động rất lớn đến việc tuân thủ pháp luật của người sử dụng lao động.

"Để thực hiện có hiệu quả việc ký kết thỏa ước lao động tập thể tại các doanh nghiệp, cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả ba bên: Công đoàn, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước, chứ không phải chỉ riêng tổ chức Công đoàn", ông Vũ chia sẻ.

Phân tích những khó khăn mà công nhân lao động trên cả nước đang phải đối mặt, Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn Vũ Minh Tiến cho rằng, thu nhập và đời sống của người lao động còn bấp bênh. Khảo sát của Viện Công nhân Công đoàn năm 2018 cho thấy, chỉ có 51,3% lao động có thu nhập vừa đủ trang trải cuộc sống; vẫn còn 20,6% lao động cho biết phải chi tiêu tằn tiện; 12% không đủ chi tiêu, phải làm thêm để cải thiện cuộc sống. Các doanh nghiệp dù đã cải thiện chế độ tiền lương, nhưng vẫn có tới 46,0% công nhân lao động đang bức xúc vì thu nhập còn thấp so với công sức họ bỏ ra.

"Tiền lương thấp, thu nhập chưa đảm bảo, cùng với chính sách sử dụng lao động thiếu bền vững của nhiều doanh nghiệp, dẫn đến sự biến động lao động lớn, số lao động di chuyển, thất nghiệp, tìm kiếm việc làm mới, chấm dứt quan hệ lao động tăng cao", ông Vũ Minh Tiến nhấn mạnh. 

Để hoàn thành tốt hơn các mục tiêu bảo đảm việc làm, đời sống cho công nhân lao động, Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn cho rằng, Nhà nước cần sửa đổi các chính sách và quy định về chế độ bảo vệ tiền lương đủ sống, việc làm bền vững cho người lao động; giải quyết nhà ở, cơ sở giáo dục - đào tạo nghề, y tế, đời sống văn hóa tinh thần, giáo dục chính trị tư tưởng, an sinh xã hội… cho công nhân lao động, đặc biệt là bảo vệ lao động trung niên, lao động nữ.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động và những chế độ, chính sách về người lao động, đặc biệt là về lương tối thiểu, thang bảng lương, bảo hiểm xã hội… để đảm bảo việc làm, thu nhập và cuộc sống cho người lao động; sớm thực hiện điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng, tiến tới thực hiện chính sách tiền lương tối thiểu đủ sống cho người lao động...

Đỗ Bình (TTXVN)
Hoàn thành tốt hơn các mục tiêu bảo đảm việc làm, đời sống cho người lao động​
Hoàn thành tốt hơn các mục tiêu bảo đảm việc làm, đời sống cho người lao động​

Việc gia nhập các hiệp định thương mại giúp Việt Nam có thể tham gia vào những thị trường lớn trên thế giới, tạo thêm cơ hội việc làm, nhưng cũng nảy sinh nhiều khó khăn, thách thức cho người lao động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN