Tăng giờ làm thêm là nhu cầu của nhiều doanh nghiệp, người lao động

Về đề xuất của Chính phủ mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm, nhiều đại biểu Quốc hội đã tán thành và khẳng định đây cũng là nhu cầu của nhiều doanh nghiệp, người lao động.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình).

Trao đổi bên lề Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) cho rằng: "Có nhiều ý kiến cho rằng việc tăng giờ làm thêm là không phù hợp với xu hướng tiến bộ "tăng lương, giảm giờ làm và nếu không quan tâm tới người lao động có thể dẫn tới những hệ lụy xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh của đất nước còn ở mức thu nhập trung bình và điều kiện nhiều người lao động có nhu cầu làm thêm do cuộc sống còn khó khăn thì việc mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm là cần thiết. Bên cạnh đó, cần giám sát chặt hơn việc thực hiện an toàn lao động, môi trường làm việc đảm bảo cho người lao động.

Đồng tình mở rộng khung làm thêm giờ, đại biểu Phan Thái Bình, đoàn Quảng Nam đề xuất: "Cần tính tiền lương làm thêm giờ theo phương án: Với ngày thường trả ít nhất 150% cho 2 giờ làm thêm đầu tiên, 200% cho giờ thứ 3, 250 % cho giờ thứ 4... Còn ngày nghỉ hàng tuần, trả ít nhất 200% cho 2 giờ đầu tiên, 250% cho giờ thứ 3, 300% cho giờ thứ 4... Ngày nghỉ lễ Tết là 300% cho 2 giờ làm thêm đầu tiên, 350% cho 2 giờ tiếp theo, 400% cho giờ thứ 4. Quy định cụ thể như thế này đảm bảo giờ làm thêm càng nhiều thì thu nhập của người lao động càng cao lên, tái sản xuất sức lao động tốt do có thu nhập cao, nâng cao chất lượng ăn ở, sinh hoạt.

Theo đó, nếu quy định bằng nhau giữa giờ đầu và những giờ sau sẽ không đảm bảo vấn đề tái sản xuất sức lao động vì trong ca làm thêm, càng những giờ sau năng lượng tiêu hao càng nhiều hơn, tốn sức lao động nhiều hơn.

Chú thích ảnh
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Hòa Bình) trao đổi tại họp tổ.

Làm thêm giờ là nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp, nếu không có quy định cụ thể thì nhiều nơi cũng tổ chức theo cách khác, thậm chí còn ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động nhiều hơn. Tuy nhiên, việc nới khung giờ làm thêm cũng cần thận trọng đối với từng ngành nghề. Ví dụ như trong Luật Giao thông đường bộ quy định lái xe không được quá 10 giờ/ngày và không được lái liên tục 4 tiếng/lần. Với lĩnh vực này, nếu nới quá thì họ sẽ vượt mức giới hạn cho phép, rất nguy hiểm. Vì vậy, có những ngành nghề không thể nới quá, nếu muốn tăng tổng số giờ phải có phương án chia ra cho hợp lý và có quy định hạn mức phù hợp, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải (đoàn Hòa Bình) góp ý.

Tin, ảnh: Tạ Nguyên
Đại biểu Quốc hội nêu vấn đề tăng giá xăng, giá điện là đúng tâm tư của cử tri
Đại biểu Quốc hội nêu vấn đề tăng giá xăng, giá điện là đúng tâm tư của cử tri

Cử tri nhiều địa phương đánh giá cao không khí sôi nổi tại phiên thảo luận tại hội trường của Quốc hội sáng 30/5, cho rằng việc tường thuật trực tiếp phiên thảo luận đã giúp các cử tri kịp thời theo dõi, nắm bắt được các thông tin về tình hình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN