Cần quy định ‘cứng’ để bảo vệ quyền lợi cho người lao động khi đi huấn luyện quân sự

Đó là ý kiến đề xuất của nhiều đại biểu Quốc hội về Dự án Luật Lực lượng dự bị động viên bên lề kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội Lê Ngọc Hải (đoàn Quảng Nam).

Đại biểu Quốc hội Lê Ngọc Hải (đoàn Quảng Nam) cho rằng: Phần trách nhiệm của cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trong việc xây dựng lực lượng quân nhân dự bị, là nội dung hết sức quan trọng và thiết thực, bởi điều đáng lo ngại hiện nay là sẽ có nhiều chủ doanh nghiệp, người sử dụng lao động không cho người lao động đi thực hiện nghĩa vụ quân sự vì sợ ảnh hưởng đến việc sản xuất, giảm năng suất lao động...

Theo đó, thời gian huấn luyện là 18 ngày, cộng thêm phần diễn tập hết tổng cộng 23 ngày, việc phải nghỉ làm trong thời gian dài khiến chính người lao động cũng lo sợ bị sa thải, không muốn tham gia, dẫn đến quá trình triệu tập gặp rất nhiều khó khăn.

Đại biểu Lê Ngọc Hải cũng đề xuất: Cần phải có quy định cứng để bảo đảm quyền lợi của quân nhân dự bị sau mỗi đợt tham gia huấn luyện. Với các doanh nghiệp có người lao động là quân nhân dự bị cũng phải chấp hành nghiêm, tiếp nhận lại người lao động để họ có công ăn việc làm ổn định, yên tâm tham gia huấn luyện và sẵn sàng tinh thần chiến đấu.

Chú thích ảnh
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương trao đổi bên lề Quốc hội.

Cũng lo ngại vấn đề chế độ của người lao động khi tham gia lực lượng quân nhân dự bị, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) khẳng định: Việc xây dựng lực lượng dự bị động viên là hết sức quan trọng tạo để tạo nên sức mạnh quân sự, luôn luôn có đội ngũ sẵn sàng chiến đấu bất cứ lúc nào. Để làm được như vậy cần có những chính sách, chế độ cụ thể để hỗ trợ đối với những người là quân nhân dự bị trong thời gian tập luyện.

Đơn cử, cần phải làm rõ các chính sách như: Những người chưa tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn... thì được nhà nước đảm bảo trong quá trình tham gia huấn luyện.

Luật cũng cần quy định việc các địa phương phải phân loại thành phần, đối tượng tham gia lực lượng dự bị động viên như thế nào cho hiệu quả. Riêng với quân nhân dự bị làm việc tại các doanh nghiệp cần hình thành nội dung huấn luyện riêng cho phù hợp. Ví dụ, thời gian huấn luyện quy định là đủ 18 ngày nhưng có thể không tổ chức thành 1 lần mà chia thành nhiều đợt, tận dụng những ngày nghỉ hoặc thứ 7, Chủ nhật hàng tuần... Bởi nếu yêu cầu chặt quá với các doanh nghiệp e rằng sẽ khó khả thi, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương chia sẻ.

 

Tin, ảnh: Tạ Nguyên
Đại biểu Quốc hội: 'Không chồng chéo khi vừa thanh tra, vừa kiểm toán giá điện'
Đại biểu Quốc hội: 'Không chồng chéo khi vừa thanh tra, vừa kiểm toán giá điện'

Đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước cùng vào cuộc làm rõ cơ sở tăng giá điện là tốt, không hề có sự chồng chéo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN