Nói về vấn đề làm sạch sông Tô Lịch đang được người dân hết sức quan tâm những ngày gần đây, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cho rằng: “Việc Việt Nam đang được Nhật Bản hỗ trợ thiết bị công nghệ Nano- Bioreactor thí điểm xử lý ô nhiễm một đoạn sông Tô Lịch và một góc hồ Tây là rất tốt. Tuy nhiên công nghệ này là do chúng ta được tài trợ miễn phí chứ thực chất chưa có kinh phí để làm. Trong bối cảnh nhiều con sông ô nhiễm nặng, trong đó có sông Tô Lịch, khi chưa có giải pháp xử lý tổng thể thì tất cả những giải pháp nào có lợi đều phải chấp nhận; đặc biệt công nghệ của Nhật Bản tốt, chúng ta nên ủng hộ”.
Theo đó, bên cạnh giải pháp áp dụng công nghệ của Nhật Bản, Hà Nội cũng đã đưa ra giải pháp nữa, đó là Công ty thoát nước Hà Nội lấy nguồn nước sông Hồng đổ vào Hồ Tây rồi từ hồ Tây chuyển ra sông Tô Lịch để làm sạch. Nhưng kể cả cách này cũng chỉ là giải pháp tình thế chứ không phải mấu chốt để giải quyết tình trạng ô nhiễm. Bởi hiện nay mực nước sông thấp và không có dòng chảy lưu thông, lại chỉ có nước thải đổ ra, nhất là chất thải từ các nhà máy dệt nhuộm vẫn cứ đổ xuống thì việc làm sạch là không khả thi. Nếu thau rửa song song với việc vẫn đổ nước thải xuống thì chỉ một thời gian ngắn, ô nhiễm lại hoàn ô nhiễm.
“Hiện nay công tác quản lý vẫn còn những khó khăn như: Chưa biết đổ nguồn thải đi đâu, không có kinh phí để xây dựng xử lý thải tập trung… nhưng vấn đề này cần phải được báo cáo, tìm hướng xử lý chứ không thể để kéo dài mãi. Trong nhiệm kỳ này, bản thân tôi cũng đã cố gắng đấu tranh để cứu lấy các con sông nhưng đến giờ vẫn chưa đâu vào đâu”, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh thừa nhận.
Cũng theo đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, giải pháp quan trọng nhất vẫn là xử lý nước thải từ nguồn, không cho nước thải tiếp tục đổ vào sông đi cùng với xử lý nước bằng các công nghệ mới giải quyết được tận gốc. Cần phải tập trung đầu tư cho hệ thống thu gom, xử lý nước thải thì mới cải thiện được một cách căn cơ vấn đề ô nhiễm các con sông.