Phật thủ không chỉ là một loại quả đặc biệt về vẻ bề
ngoài, với cái tên gọi khá độc đáo “Quả tay phật” nó còn mang ý nghĩa tâm linh,
là biểu tượng của sự may mắn vì vậy rất được ưa chuộng trên thị trường. Đặc biệt
những vườn phật thủ tại xã Đắc Sở, Hoài Đức, Hà Nội đã sẵn sàng để cung cấp ra
thị trường trong dịp tết nguyên đán sắp tới.
Anh Dũng đang chăm sóc cây phật thủ cảnh trong vườn nhà mình. |
Xã Đắc Sở có gần 200ha trồng phật thủ đang chờ được
tiêu thụ trong dịp gần tết. So với những năm trước, số lượng cây cũng như diện
tích trồng đều tăng nhiều hơn và đạt chất lượng cao hơn. Chị Hường, Chủ tịch
UBND xã cho biết: “Vì thấy trồng cây phật thủ đạt năng suất, chất lượng cao hơn
so với việc trồng lúa, ngô, nên người dân trong xã đã dần dần chuyển diện tích
trồng lúa và các loại hoa màu khác sang trồng cây phật thủ. Tính đến nay trong
xã có tới 60-70% số hộ dân tham gia trồng cây phật thủ, tăng 20% so với năm 2013”.
Với tổng diện tích gần 200ha phật thủ được trồng để
cung ứng cho thị trường tết nguyên đán năm nay, tính cả số lượng quả cũng như số
lượng cây được cung cấp ra thị trường sẽ tăng 30% so với sản lượng của năm
ngoái, chị Hường cho biết.
Theo đánh giá của người dân tại địa phương, số lượng
khách năm nay đến đặt mua phật thủ tăng, chủ yếu là khách đã mua từ những năm
trước, thêm vào đó cũng có rất nhiều khách mới “chân ướt chân ráo” bước vào
kinh doanh phật thủ. Anh Toàn, chủ vườn phật thủ rộng gần một mẫu cho biết: “Còn
gần tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, nhưng đã có rất nhiều khách hàng có nhu cầu
đến đặt mua phật thủ tại vườn, khách đến rất nhiều, có người muốn đặt cả vườn,
nhưng cũng có người muốn đặt những quả đẹp, được tuyển chọn kỹ lưỡng. Khách quen
từ những năm trước hầu hết họ đều quay lại để mua hàng, và cũng có nhiều khách
mới bắt đầu bước vào kinh doanh phật thủ đến để tìm hiểu và đặt hàng”.
Với hình dáng và ý nghĩa đặc biệt của mình, nên rất
được người tiêu dùng quan tâm, giá của mỗi quả phật thủ trên thị trường trong
những ngày bình thường dao động từ 50 đến 70.000 đồng/quả, nhưng càng vào gần tết
thứ quả này lại càng được ưa chuộng nhiều hơn, do vậy giá của loại quả này sẽ
ngày càng tăng. Có những trái to, đẹp có trị giá đến 10 triệu đồng.
Phật thủ là loại cây không phải ai cũng có thể trồng
và chăm sóc tốt được, nó đòi hỏi phải có kỹ thuật chăm sóc đúng cách thì mới có
thể sinh trưởng tốt và cho lợi nhuận cao đối với người trồng. Anh Dũng, chủ vườn
phật thủ Dũng Mến, có tổng diện tích lên tới 2 mẫu đất với gần 300 cây phật thủ,
cho biết: “Trồng phật thủ cũng giống như đánh một canh bạc vậy, nếu biết cách
trồng và chăm sóc tốt thì cây phật thủ sẽ cho lợi nhuận rất cao, một năm có thể
thu từ 400 đến 800 triệu đồng/mẫu đất, nhưng nếu không biết cách chăm sóc thì
có thể dẫn đến tình trạng phải bán nhà để trả nợ bởi vì số tiền đầu tư ban đầu
cho cây phật thủ không phải là con số nhỏ”.
Để cung ứng cho thị trường tết sắp tới, không chỉ dừng
lại ở vệc trồng lấy quả mà người dân xã Đắc Sở còn trồng phật thủ để lấy cây
làm cảnh thay đào và quýt cho những hộ gia đình có nhu cầu. Trên mảnh vườn của
gia đình anh Dũng hiện tại đang có 240 gốc phật thủ bán quả và có tới 40 gốc phật
thủ bán cây nhằm cung cấp cho thị trường tết nguyên đán năm nay. Giá cho mỗi
cây phật thủ có thể dao động từ 8 triệu
đồng/cây trở lên, tùy thuộc vào số lượng quả trên cây cũng như kiểu dáng và
kích thước của cây.
Với việc trồng cây phật thủ trong những năm gần đây
đã khiến cho người dân xã Đắc Sở vượt qua cảnh nghèo khó bủa vây đi lên làm
giàu bằng chính mảnh đất quê hương. Mặc dù không phải hộ gia đình nào đầu tư
làm ăn cũng có lãi ngay từ đầu, nhưng những người dân trong xã vẫn luôn nuôi ước
vọng làm làm giàu bằng cây phật thủ.
Để khuyến khích cho người dân trong xã đi lên làm
giàu, chính quyền xã sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân trong xã phát
triển kinh tế, đặc biệt là trồng cây phật thủ. Chị Hường, chủ tịch UBND xã cho
biết: “Chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện để người dân thuận lợi hơn trong việc
phát triển kinh tế như: Khuyến khích dồn điền đổi thửa, quy hoạch hệ thống giao
thông, giúp bà con được vay vốn ngân hàng chính sách xã hội. Bên cạnh đó, chúng
tôi còn hỗ trợ cho bà con mua phân bón trả chậm, phối hợp tổ chức các lớp tập
huấn kỹ thuật về trồng và chăm sóc cây phật thủ”.
Chị Hường cũng bày tỏ mong muốn sẽ cùng với người
dân trong xã tạo cho quả phật thủ có một thương hiệu riêng, có chỗ đứng trên thị
trường trước mắt là trong dịp tết nguyên đán sắp tới và sẽ là nguôn thu chính
cho người dân trong xã.
Bài, ảnh: Lê Xuân