Việc trợ giá mũ bảo hiểm trên thị trường đang diễn ra rất sôi động. Chương trình này do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và một số doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm phối hợp thực hiện. Tuy nhiên, nhiều cửa hàng kinh doanh mũ bảo hiểm trên địa bàn thành phố Hà Nội lại tự ý treo biển bán MBH có trợ giá và đưa ra các mức giá khác nhau khiến cho mặt hàng này trở nên loạn giá.
Các cửa hàng đưa ra các mức giảm giá khác nhau khiến người tiêu dùng băn khoăn về chất lượng của các loại mũ được trợ giá. |
Qua khảo sát trên nhiều tuyến phố bán mũ bảo hiểm như Cầu Giấy, Chùa Bộc, Xã Đàn, Nguyễn Trãi, có thể thấy, với cùng một loại mũ nhưng mỗi nơi lại đưa ra một giá bán khác nhau. Nếu như tại phố Cầu Giấy, một số cửa hàng giảm giá 10% - 30% tùy theo loại mũ thì nhiều cửa hàng tại phố Chùa Bộc lại áp dụng mức giảm giá 50.000 đồng/chiếc cho tất cả các MBH.
Hiện nay, tùy theo chất lượng mà giá MBH khác nhau. Giá mũ bảo hiểm loại rẻ từ 130.000 - 150.000 đồng/chiếc, loại trung bình khoảng hơn 200.000 đồng/chiếc, loại đắt có khi lên tới cả triệu đồng/chiếc.
Theo quy định của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, đơn vị nào muốn tham gia chương trình thì sản phẩm của đơn vị đó phải được các cơ quan nhà nước cấp giấy chứng nhận chất lượng đạt chuẩn. Đồng thời, các đơn vị phải cam kết mức giảm cụ thể là bao nhiêu, 30.000, 50.000 hay 70.000 đồng/chiếc. |
Anh Nguyễn Tuấn Hùng ở Đê La Thành, một người mua mũ cho biết: “Tôi có chiếc MBH cũ không đúng tiêu chuẩn nên muốn mua một chiếc mũ tốt hơn. Tuy nhiên, khi tham khảo giá để tìm mua một chiếc mũ mới, tôi thấy với cùng một loại mũ mà mỗi nơi lại có giá bán khác nhau nên rất phân vân”.
Chị Trần Thu Trang ở Nguyễn Chí Thanh nói: “Cách đây vài tháng, tôi mua cho người nhà một chiếc mũ Honda có giá khoảng 400.000 đồng, nay quay lại cửa hàng ấy thì giá đã tăng lên 500.000 đồng. Chủ cửa hàng nói, cửa hàng đang có chương trình trợ giá cho khách hàng nên giá giảm 50.000 đồng/chiếc. Tôi thấy nhiều cửa hàng khác cũng tự ý nâng giá bán mũ bảo hiểm, sau đó lại thông báo có trợ giá rồi giảm giá cho khách hàng. Thật ra, đây cũng chỉ là một trong những "chiêu" thu hút khách hàng. Khi hỏi vì sao giá tăng thì các cửa hàng giải thích, nguyên nhân là do các nhà sản xuất mũ tăng giá bán sản phẩm”. Rõ ràng là việc hỗ trợ giá theo kiểu này thì người tiêu dùng không hề được lợi, thậm chí họ còn bị mua đắt vì các chủ cửa hàng, nâng giá bán lên rất cao sau đó giảm giá rất ít.
Tại nhiều cửa hàng, bảng giá niêm yết một số loại mũ bị gạch đi và được ghi lại với giá mới cao hơn giá cũ. Một số cửa hàng ngoài bán mũ bảo hiểm theo tiêu chuẩn vẫn bán chui những chiếc mũ bảo hiểm sai quy định với lý do là để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Ngoài ra, vấn đề đáng lo ngại nữa là nhiều loại mũ bảo hiểm đang được bày bán trên thị trường không rõ nguồn gốc xuất xứ. Hầu hết các chủ cửa hàng kinh doanh mũ bảo hiểm đều khẳng định, tất cả những chiếc mũ được bầy bán tại cửa hàng của họ đều là hàng chính hãng, có tem CR và đều được đăng ký chất lượng với cơ quan chức năng. Tuy nhiên, trên thực tế, có những mũ bảo hiểm được dán tem CR nhưng lại là tem do chính doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm dán vào, chứ không phải tem của cơ quan kiểm định chất lượng cấp.
Ông Khương Kim Tạo, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho biết: “Hiện nay để đánh giá chất lượng mũ bảo hiểm thì cơ quan chức năng vẫn sử dụng quy chuẩn Việt Nam 02 - 2008 về mũ bảo hiểm cho mô tô - xe gắn máy. Giá mũ bảo hiểm phải được người bán đưa ra công khai và phải được đăng ký với cơ quan chức năng. Với những trường hợp người bán tự ý tăng giá bán mũ ban đầu rồi lại treo biển bán trợ giá thì cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm. Việc thu mũ bảo hiểm không đảm bảo tiêu chuẩn và giảm giá bán mũ đảm bảo chất lượng cho người dân không chỉ để thu hồi những mũ bảo hiểm sai quy định, nâng cao nhận thức cho nhân dân mà còn giúp người dân phân biệt được mũ đúng tiêu chuẩn với những mũ giống mũ bảo hiểm”.
Bài và ảnh: Tuấn Anh