Giao dịch tại bộ phận “một cửa” của BHXH thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN |
Bộ Lao động Thương bình Xã hội (LĐTBXH) lấy ý kiến góp ý cho dự thảo lần hai của Luật Lao động sửa đổi.
Điểm đáng lưu ý là tại điều 148 về Tuổi nghỉ hưu đưa ra hai phương án: Phương án 1 giữ nguyên như hiện hành là tuổi nghỉ hưu của người lao động bình thường làm việc trong điều kiện lao động bình thường là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.
Còn phương án 2 sẽ tăng tuổi nghỉ hưu kể từ 1/1/2021 và theo lộ trình. Cụ thể tuổi nghỉ hưu của người lao động bình thường làm việc trong điều kiện lao động bình thường là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. Từ 1/1/2021 cứ mỗi năm tăng thêm 6 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc, nghề nghiệp đặc thù có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định trên. Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 năm.
Nguyên nhân chính đề xuất tăng tuổi hưu là liên quan đến các quy định hiện nay về mức đóng - mức hưởng, thời gian đóng - thời gian hưởng lương hưu. Nếu duy trì như hiện nay thì quỹ hưu trí và tử tuất sẽ mất cân đối từ năm 2021.
Điểm đáng lưu ý trong dự thảo lần 2 của Bộ Luật Lao động sửa đổi là vẫn giữ nguyên quy định lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút. Trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ được nghỉ mỗi ngày 60 phút. Thời gian nghỉ lao động nữ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động. |
Ngoài ra, dân số Việt Nam đang chuyển từ thời kỳ dân số vàng sang giai đoạn già hóa dân số. Việc đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu cũng là chuẩn bị cho tương lai sau này của lực lượng lao động…
Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, hiện là thành viên tổ soạn thảo Luật Lao động cho rằng: Hiện Việt Nam đang vào giai đoạn già hóa dân số nên cũng phải tính đến việc tăng tuổi hưu. Tuy nhiên tăng thời điểm nào thì phải có nghiên cứu cụ thể, đánh giá tới từng nhóm đối tượng cụ thể. Hiện nay đánh giá tác động vẫn chung chung và sẽ khó thuyết phục.
Còn ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam cho biết: “Quan điểm của Tổng LĐLĐ Việt Nam là riêng khu vực sản xuất trực tiếp không được điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu. Còn khu vực hành chính sự nghiệp phải tùy từng ngành, nghề để điều chỉnh cho phù hợp, như điều dưỡng, hộ lý, đặc biệt là giáo viên tiểu học, mầm non... Lao động của một số ngành dệt may, da giày, chế biến thủy hải sản... 30 hoặc 35 tuổi bị cho nghỉ rồi thì làm sao kéo dài được đến tuổi nghỉ hưu".