Trung bộ và Tây Nguyên: Ruộng đồng khô khát, sâu bệnh hoành hành

Trong vụ đông xuân này, Trung bộ, đặc biệt là khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên ít mưa, hạn hán xảy ra trên diện rộng. Thiếu nước cộng với tiết trời nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh trên cây trồng xuất hiện và lây lan nhanh. Ngoài việc lo chống hạn hán, ngành nông nghiệp các tỉnh này còn phải đối phó với các loại sâu bệnh hại cây trồng, đặc biệt là trên lúa và một số cây công nghiệp chủ lực như cà phê, tiêu, điều…

 

Hạn từ vụ đông xuân đến vụ hè thu


Theo Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương, lượng mưa các tháng đầu mùa khô năm nay (từ tháng 3 - 5) tại khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên ít hơn trung bình nhiều năm. Theo đó, tần suất xuất hiện các cơn mưa trái mùa ít hơn, lượng mưa cũng không nhiều như mọi năm.


Nhiều cánh đồng ở xã A Xing bị bỏ hoang do không có nước để gieo cấy. Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN

Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, vụ đông xuân 2012 - 2013, các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên gieo cấy trên 300.000 ha lúa, giảm gần 2.500 ha so với vụ đông xuân trước. Nguyên nhân là hạn hán xảy ra trên diện rộng buộc các tỉnh phải cắt giảm, chuyển 4,5 nghìn ha đất trồng lúa sang trồng các loại cây cạn sử dụng ít nước tưới hơn như ngô, đậu, mía… Theo đó, Đà Nẵng đã chuyển gần 200 ha, Bình Định 2.300 ha, Đắk Lắk 2.000 ha. Theo dự báo, phải đến cuối tháng 4, đầu tháng 5, tình trạng khô hạn tại Tây Nguyên mới được cải thiện nhờ mùa mưa đến sớm; còn các tỉnh miền Trung dự kiến còn khát đến tận tháng 8.


Dựa trên thông tin dự báo này, các chuyên gia nông nghiệp lo ngại, hạn hán không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến diện tích cây trồng trong vụ đông xuân mà còn tiếp tục tác động đến cả vụ hè thu tới. Vụ lúa hè thu là vụ chính của cùng Duyên hải Nam trung bộ, kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9. Đây là khoảng thời gian diễn ra nắng nóng liên tục nên nguy cơ thiếu nước trên diện rộng để làm đất, gieo sạ cho vụ này ở nhiều địa phương đang hiển hiện. Riêng tại tỉnh Bình Định, tình hình hạn hán được dự báo là rất khốc liệt. Theo tính toán của ngành thủy lợi địa phương, lượng nước trữ dự tại các hồ đập trên toàn tỉnh chỉ có thể đủ tưới cho trên 31.000/49.000 ha, đạt 65% diện tích cây trồng cần tưới. Nhiều khả năng, các tỉnh thuộc khu vực này phải giảm đến 4.000 ha lúa vụ hè thu vì không tìm đâu ra nguồn nước để làm đất và tưới dưỡng cho lúa.

 

Sâu bệnh hoành hành


Thời tiết nóng ẩm, khô hạn đã ảnh hưởng xấu đến quá trình sinh trưởng và phát triển của các loại cây trồng. Đây chính là cơ hội để sâu bệnh xuất hiện và lây lan nhanh. Theo Cục Trồng trọt, các giống lúa gieo trồng phổ biến hiện nay ở hai khu vực này như KD18, Ải 32, NX 30, Nhị ưu 838, IR64… đều đang bị nhiễm rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh đạo ôn, bạc lá từ mức trung bình đến nặng. Theo đó, tổng diện tích lúa bị nhiễm sâu bệnh là khoảng 13.000 ha, trong đó có trên 650 ha bị nhiễm nặng. Đáng chú ý, trong số diện tích lúa bị nhiễm sâu bệnh có đến trên 3.000 ha bị bệnh đạo ôn, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Gia Lai.


Trong tuần qua, mực nước tại một số sông ở Trung bộ và khu vực Tây Nguyên như sông Cái Nha Trang tại Đồng Trăng, sông ĐăkBla tại Kon Tum, sông Srêpôk tại Bản Đôn... ở mức thấp nhất trong chuỗi quan trắc cùng kỳ nhiều năm. Hiện phần lớn các hồ chứa thủy lợi ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Đắk Nông, Đắk Lắk... rơi vào tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, từ nay tới 31/3, mực nước các sông ở Trung bộ và Tây Nguyên biến đổi chậm. Lượng dòng chảy trung bình trên phần lớn các sông thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 5 - 70%.

Theo số liệu của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), diện tích lúa tại hai khu vực này bị chuột phá hoại còn lên đến gần 7.000 ha, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, trong đó có gần 400 ha bị phá hoại nặng. Chuột phân bố ở hầu hết các tỉnh trong vùng, song tập trung nhiều nhất tại các địa bàn không phải chịu lũ lớn hồi cuối tháng 12/2012 như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế…


Không chỉ có lúa, mà các loại cây công nghiệp như cà phê, điều, tiêu cũng bị sâu bệnh tấn công. Riêng Tây Nguyên hiện đã có tới trên 21.000 ha cà phê bị bệnh gỉ sắt, bệnh khô cành, rệp sáp, rệp vảy xanh, vảy nâu. Trên cây tiêu cũng đã xuất hiện các loại sâu, bệnh như: Tuyến trùng hại dễ (gần 2.000 ha), đốm đen dưới mặt lá (gần 600 ha), vàng lá thối rễ tơ (gần 1.500 ha). Bên cạnh đó, bọ xít muỗi, sâu đục nõn, sâu đục thân, sâu hại quả cũng đã tàn phá trên 5.600 ha điều của các tỉnh Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắk.


Trước diễn biến sâu bệnh hại cây trồng đang lây lan nhanh tại các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên, Bộ NN&PTNT đã có chỉ thị về việc tăng cường phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ mùa màng. Theo đó, các địa phương tiếp tục duy trì phong trào diệt chuột và có chính sách hỗ trợ nông dân diệt chuột; tập huấn cho nông dân thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng.


Huyền Tím

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN