“Triển vọng toàn cầu của cây trồng biến đổi gen năm 2013”.

Nhằm phổ biến thành tựu khoa học và công nghệ sinh học mới nhất và các kết quả ứng dụng nổi bật của công nghệ sinh học trong nông nghiệp vào sản xuất và đời sống thuộc “Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh họctrong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020”, ngày 20/2, tại Hà Nội, Cơ quan dịch vụ quốc tế về khuyến khích ứng dụng công nghệ sinh học nông nghiệp (ISAAA) phối hợp với Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, đã tổ chức hội nghị “Triển vọng toàn cầu của cây trồng biến đổi gen năm 2013”.


Hội nghị “Triển vọng toàn cầu của cây trồng biến đổi gen năm 2013”.


Theo công bố mới nhất của Tổ chức quốc tế về tiếp thu các ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) trong nông nghiệp (ISAAA), năm 2013 đã có trên 18 triệu nông dân ở 27 nước trồng cây công nghệ sinh học, tăng 5 triệu ha, tương đương 3% diện tích canh tác cây trồng CNSH toàn cầu. Năm 2013 cũng đánh dấu việc đưa vào canh tác đại trà lần đầu tiên đối với ngô chịu hạn tại Mỹ.


Diện tích canh tác cây trồng CNSH trên toàn cầu đã tăng từ 1,7 triệu ha năm 1996 lên hơn 175 triệu ha trong năm 2013. Trong thời gian 18 năm này, theo báo cáo, diện tích canh tác cây trồng CNSH đã tăng hơn 100 lần. Mỹ tiếp tục là nước đứng đầu về diện tích canh tác cây trồng CNSH với 70,2 triệu ha, chiếm 40% diện tích canh tác cây trồng CNSH trên toàn cầu. 


Tiến sỹ Clive James, tác giả của báo cáo, người sáng lập và chủ tịch danh dự của ISAAA, phát biểu tại Hội nghị.


"Tổng diện tích lũy kế cây trồng CNSH trên toàn thế giới tới nay là 1,6 tỷ ha", Tiến sỹ Clive James, tác giả của báo cáo, người sáng lập và chủ tịch danh dự của ISAAA cho biết. "Mỗi một nước trong số 10 quốc gia canh tác hàng đầu về cây trồng CNSH trong năm 2013 đều có diện tích trồng trên 1 triệu ha, tạo một nền tảng để phát triển mạnh hơn trong tương lai."


Theo báo cáo, hơn 90% nông dân trồng cây CNSH tương đương 16,5 triệu người là nông dân có quy mô nhỏ và nghèo tài nguyên. Trong số các nước canh tác cây trồng CNSH có 8 nước công nghiệp và 19 nước đang phát triển. Đây là năm thứ 2 diện tích canh tác cây trồng CNSH của các nước đang phát triển nhiều hơn so với các nước công nghiệp, cho thấy sự tự tin và sự tin tưởng của hàng triệu nông dân trên toàn thế giới, những người có xu hướng không thích rủi ro trong đầu tư, đã hưởng lợi từ cây trồng này. Báo cáo cho biết gần 100% nông dân thử trồng cây CNSH tiếp tục trồng chúng hàng năm.  





Khả năng chịu hạn được đánh giá là một phát triển quan trọng của cây trồng biến đổi gen. Tại Mỹ, khoảng 2.000 nông dân ở vùng trồng ngô Corn Belt thường bị hạn hán đã trồng khoảng 50.000 ha ngô CNSH chịu hạn đầu tiên. Ngoài ra, Indonesia, nước đông dân thứ tư trên thế giới, đã phát triển và cho phép trồng mía chịu hạn đầu tiên của thế giới (mía CNSH đầu tiên được phê duyệt trên toàn cầu) và có kế hoạch đưa ra canh tác đại trà vào năm 2014.


"Cây trồng CNSH đang minh chứng giá trị toàn cầu như một công cụ cho những nông dân nghèo nguồn lực, những người phải đối mặt với nguồn cung cấp nước giảm và áp lực gia tăng về cỏ dại và sâu bệnh - cùng với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu sẽ chỉ tiếp tục góp phần thúc đẩy sự cần thiết của công nghệ này", Tiến sỹ James cho biết.


Công nghệ ngô chịu hạn CNSH đã được tặng cho châu Phi thông qua Dự án ngô sử dụng nước hiệu quả cho châu Phi (WEMA), một dự án hợp tác công tư của Monsanto và BASF, được tài trợ bởi Quỹ Gates và Buffet và thực hiện thông qua Trung tâm cải tiến lúa mỳ và ngô quốc tế (CIMMYT) ở Mexico và Quỹ công nghệ nông nghiệp châu Phi đóng tại Kenya (AATF). Dự kiến việc trồng ngô chịu hạn công nghệ sinh học ở châu Phi sẽ được thực hiện vào năm 2017.


MX
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN