Bộ Công an đã chính thức triển khai việc cấp chứng minh nhân dân (CMND) theo công nghệ mới tại ba quận, huyện của thành phố Hà Nội là Tây Hồ, Hoàng Mai, Từ Liêm và Phòng PC64 Công an thành phố Hà Nội.
Ngày 11/5/2004, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt dự án sản xuất, cấp và quản lý CMND với tổng vốn đầu tư là 467 tỷ 836 triệu đồng. Mục tiêu của dự án là xây dựng một hệ thống thu nhận và quản lý dữ liệu đăng ký CMND trên mạng máy tính toàn quốc, sản xuất và cấp các thẻ CMND mới, trên hệ thống dây chuyền công nghệ hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế phục vụ nhu cầu căn cước của công dân và phục vụ bảo vệ an ninh, an toàn xã hội.
Trong giai đoạn một, tập trung đầu tư xây dựng hệ thống máy móc, trang thiết bị để sản xuất, cấp 24 triệu thẻ CMND trong 5 năm. Giai đoạn tiếp theo sử dụng toàn bộ số lệ phí thu được để đầu tư triển khai thực hiện dự án.
Triển khai điểm ở Hà Nội
Theo Thông tư 27/2012/TT-BCA của Bộ Công an quy định về mẫu CMND mới có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2012, CMND mẫu mới có kích thước 85,6mm x 53,98 mm theo chuẩn quốc tế, vật liệu sản xuất CMND có độ bền cao, hạn chế việc gẫy, bong, tróc, hình thức đẹp… đảm bảo thời hạn của CMND là 15 năm.
Ngoài việc nhận biết bằng mắt thường qua ảnh chân dung, thông tin nhân thân công dân như họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, dân tộc, quê quán, nơi thường trú, CMND có mã vạch hai chiều và khi dùng thiết bị đọc sẽ hiện một số thông tin qua đó có thể xác định được CMND đó là thật hay giả.
Qua thiết bị xác minh tự động (thiết bị này dùng SIM của các mạng viễn thông di động) cho phép lấy vân tay trực tiếp của đối tượng và gửi về Trung tâm trung ương để đối sánh vân tay đó với cơ sở dữ liệu vân tay.
Cán bộ Phòng PC64 (Công an thành phố Hà Nội) làm thủ tục cấp CMND theo mẫu mới cho công dân. |
Theo Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an thì việc cấp CMND mới là chủ trương của Nhà nước, đây là một bước cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân. Sử dụng thẻ CMND mới rất thuận lợi trong việc đi lại, đồng thời cũng thuận lợi cho ngành công an làm tốt công tác quản lý về nhân khẩu, hộ khẩu.
“Quá trình chuẩn bị và tổ chức thực hiện có thời gian dài, công phu. Đây là dự án trọng điểm của quốc gia với công nghệ mới, phù hợp với xu thế của thời đại và của các nước tiên tiến. Việc bỏ chứng minh thủ công để sử dụng chứng minh mới là cả một vấn đề quan trọng mà Bộ Công an đã chỉ đạo sâu sát trong công tác chuẩn bị. Tính khả thi của dự án này rất tốt trong việc phục vụ nhân dân, quyền lợi chính đáng của nhân dân, sau đó là phục vụ cho công việc của ngành công an” - Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định.
Bộ Công an cho biết, CMND công nghệ mới có dãy số tự nhiên là 12 số và CMND mẫu cũ 9 số mà công dân đang sử dụng đều có giá trị như nhau. Công dân đang sử dụng CMND cũ nếu còn thời hạn vẫn sử dụng như bình thường. CMND mới sẽ tránh được việc làm giả, tránh việc trùng số CMND bởi qua hệ thống phân loại vân tay tự động sẽ ngăn được việc một người dùng nhiều số CMND hoặc mượn tên, họ để làm tráo người, hay các đối tượng mượn CMND để thay tên đổi họ sử dụng mục đích xấu hoặc trốn lệnh truy nã.
Theo Thông tư mới của Bộ Tài chính lệ phí cấp CMND theo mẫu mới là 30.000 đồng, cấp đổi là 50.000 đồng và cấp lại là 70.000 đồng. Công an các đơn vị sẽ tiếp nhận hồ sơ, nhập dữ liệu và chuyển theo hệ thống về Trung tâm CMND quốc gia – nơi vận hành hệ thống sản xuất, cấp và quản lý, sau đó công dân sẽ được hẹn trả tại đơn vị, địa phương nơi đến đăng ký.
Thông tin tên cha, mẹ vẫn ghi trên CMND
Thông tin tên cha, tên mẹ của mỗi công dân cũng được hiển thị trên CMND mẫu mới. Mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này, tuy nhiên Bộ Công an cho rằng các thông tin trên CMND mẫu mới đều thực sự cần thiết và phục vụ nhu cầu chính đáng của công dân.
Gần đây các cơ quan báo chí cũng đăng tải các ý kiến của người dân đồng tình cũng như chưa đồng thuận về việc đưa thông tin tên cha, tên mẹ trên CMND mẫu mới. Lý giải về điều này, Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội, cho biết: Trong quá trình triển khai từ năm 2004 theo Nghị định của Chính phủ thì Bộ Công an đã lấy ý kiến từ các bộ, ban, ngành và đã có 25/28 bộ, ban, ngành đồng ý, Bộ Tư pháp cũng đã trình Chính phủ về vấn đề này và đã ban hành Thông tư.
Ảnh chân dung người được cấp CMND sẽ được lưu vào cơ sở dữ liệu và được quét trên thẻ CMND mẫu mới. |
“Quá trình triển khai cấp CMND mẫu mới đảm bảo đúng qui trình của pháp luật. Việc cấp chứng minh thư phục vụ 3 việc: Một là quản lý nhà nước, hai là đảm bảo quyền lợi chính đáng của công dân, ba là đảm bảo nghiệp vụ không những của ngành công an mà còn của các ngành quản lý nhà nước khác. Chúng tôi đã rà soát lại và xét thấy không cần thiết phải bỏ tên cha, tên mẹ của người làm CMND vì có tên cha, tên mẹ trên CMND cũng rất tiện ích trong việc giao dịch thông thường. Ngay cả trong lý lịch tư pháp, khi làm giấy khai sinh cũng phải ghi tên cha, tên mẹ, nhưng không may do thiên tai, hỏa hoạn công dân mất giấy khai sinh thì không có một giấy tờ gì khác hơn ngoài CMND.
Một số ý kiến cho rằng việc đưa tên cha, tên mẹ vào CMND là vi phạm nhân quyền và công ước quốc tế về quyền trẻ em thì chúng tôi đã xem lại Điều 18 của Luật Nhân quyền và công ước về quyền trẻ em thì không có điều gì vi phạm. Đối với lực lượng công an, khi có một vụ án xảy ra, ở hiện trường hay ở đâu đó cần tra cứu nhanh về nhân thân con người thì qua tra cứu nhanh về hệ thống vân tay, qua mã vạch 2 chiều trong CMND mẫu mới, Bộ Công an có thể trả lời ngay thông tin cho đơn vị yêu cầu” - Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội khẳng định.
Theo Tổng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an), quy định cấp CMND mẫu mới không bắt buộc. Những người đang dùng CMND theo mẫu cũ nhưng chưa hết thời hạn 15 năm vẫn tiếp tục sử dụng chứ không phải đổi. Việc thí điểm cấp mới CMND triển khai đến khu vực nào thì người làm thủ tục cấp CMND lần đầu sẽ được làm theo mẫu mới. Chỉ trừ trường hợp CMND bị hỏng mất hoặc chuyển hộ khẩu thường trú, cần cấp lại thì mới theo mẫu mới. Trình tự thủ tục cấp CMND vẫn thực hiện theo quy định cũ trước đây. Tuy nhiên người xin cấp CMND sẽ không phải lăn tay trên mực, nộp ảnh như trước đây mà việc này sẽ thực hiện bằng máy và nhập các thông tin vào hệ thống. |
Có mặt tại Phòng PC64 – nơi cấp CMND của Công an thành phố Hà Nội trong những ngày triển khai cấp CMND theo mẫu mới, người dân đến cấp đổi hoặc làm mới CMND rất đông nhưng việc kê khai thông tin thuận lợi và đơn giản hơn trước kia.
Bà Nguyễn Thị Bằng, phường Phương Mai, quận Đống Đa (Hà Nội) cho rằng: “Việc đưa thông tin cha, mẹ lên CMND giúp tôi mỗi lần cầm đến CMND lại có điều kiện xem tên cha, mẹ mình, qua đó một lần nữa nhắc nhở tôi nhớ tới người sinh thành dưỡng dục nuôi mình khôn lớn, trưởng thành”.
Với thay đổi về cấu tạo bằng nhựa dẻo, có bọc lớp chống trầy xước ở 2 mặt như thẻ tín dụng hoặc thẻ ATM, người sử dụng sẽ tiện lợi hơn trong việc bảo quản, tránh được tình trạng CMND bị quăn, gãy, mờ thông tin ghi trên CMND như trước đây. Mẫu CMND mới rất đẹp, hiện đại, phù hợp với xu thế.
Đồng tình với quan điểm này, ông Đào Đức Toàn, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng cho biết: “Tôi thấy việc quản lý của ngành công an là cần thiết. Tuy nhiên khi quản lý thì cần làm thế nào để thuận tiện cho người dân và cả ngành công an theo tiêu chí vẹn cả đôi đường. Mà điều đó thì lại rất đơn giản. Cụ thể như việc ghi tên cha, mẹ trên CMND, theo tôi thì không cần in trên thẻ nhưng vẫn ghi vào cơ sở dữ liệu”.
Ở góc độ khác, ông Toàn cũng chỉ ra rằng: “Ngành công an công khai danh tính cha, mẹ người được làm CMND nhằm giúp phân biệt một cách chính xác về nhân thân của người đó trong trường hợp cần truy tìm, phân loại. Thực tế điều này không thuyết phục, bởi ngoài những nguyên nhân mà mọi người đã đề cập rất nhiều thì về mặt kỹ thuật tôi nhận thấy lại càng vô lý. Vì CMND mới quản lý bằng mã vạch, vậy thì cứ lưu trữ mọi thông tin cá nhân, nhân thân của người đó trên máy, còn trên CMND thì không in. Khi cần phân loại, truy tìm thì chỉ việc quét mã vạch là ra ngay”.
Nhiều ý kiến cũng góp ý rằng trên CMND nên chăng cần thêm một thông tin hữu ích rất nhiều, đó là nhóm máu.
Vẫn còn những điều băn khoăn
Nhiều người bày tỏ quan điểm rằng: Trước đây họ dùng CMND có 9 số thực hiện mở tài khoản tại các ngân hàng, hay giao dịch ký kết hợp đồng với đối tác. Nay sử dụng CMND mẫu mới 12 số, liệu có thực hiện được các giao dịch như rút tiền, chuyển tiền, chuyển khoản hay thanh lý hợp đồng không?
Nhiều ngân hàng cũng đang băn khoăn về vấn đề này và mong sớm nhận được câu trả lời của ngành chức năng.
Giải đáp những vấn đề trên, Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội cho biết, từ ngày 21/9, Bộ Công an đã có văn bản gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng thông báo việc tồn tại hai loại giấy CMND và cùng có hiệu lực như nhau.
Trong từng lĩnh vực cụ thể, các ngành sẽ có những hướng dẫn chỉ đạo riêng. “Chúng tôi cho rằng, CMND mới sẽ không ảnh hưởng nhiều đến các giao dịch trước đây của người dân” - Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội khẳng định.
Trong dự án Luật Hộ tịch đang soạn thảo và dự kiến được Quốc hội thông qua vào thời gian tới có đưa ra ý tưởng loại bỏ các giấy tờ gắn liền với nhân thân của mỗi người như giấy khai sinh, đăng ký kết hôn, khai tử, giám hộ, nhận cha mẹ nuôi, xác định lại dân tộc, giới tính... và việc cấp một mã số định danh cho mỗi người (căn cứ vào con số này có thể biết tất cả các sự kiện trong đời của họ).
Theo đó, Nhà nước sẽ chỉ thiết lập một loại sổ gọi là sổ hộ tịch tại cơ quan đăng ký hộ tịch - nơi công dân đăng ký khai sinh (do UBND cấp xã, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trực tiếp quản lý).
Ngoài ra để tạo thuận tiện cho người dân (không cư trú tại nơi đăng ký khai sinh), dự luật quy định các sự kiện hộ tịch phát sinh sau khi đăng ký khai sinh (như kết hôn, ly hôn...) không bắt buộc phải đăng ký tại nơi quản lý sổ hộ tịch, mà người dân có thể yêu cầu đăng ký tại nơi cư trú của mình.
Bài và ảnh: Chí Bình