Trao giải Cuộc thi viết về 'Thuế với thương mại điện tử'

Theo ông Cao Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cuộc thi viết về 'Thuế với thương mại điện tử' càng có ý nghĩa khi nằm trong chuỗi nhiều hoạt động thiết thực của ngành Thuế để kỷ niệm 77 năm xây dựng và phát triển. 

Chú thích ảnh
Cuộc thi còn là cơ hội để ngành Thuế khảo sát thực trạng hiểu biết về chính sách thuế đối với TMĐT trong cộng đồng. 

Theo Ban tổ chức, ngay sau khi phát động (ngày 9/9/2021), cuộc thi đã tạo được sự lan tỏa rộng khắp, với sự tham gia đông đảo từ các phóng viên, nhà báo, các học giả, chuyên gia, nhà nghiên cứu kinh tế, các hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp và người dân... trên cả nước. 

Sau một năm phát động và triển khai cuộc thi, tính đến hết thời gian tiếp nhận bài dự thi (ngày 30/6/2022), Ban tổ chức đã nhận được 1.313 tác phẩm từ đông đảo các tác giả ở khắp mọi miền đất nước gửi về. Trong đó, số lượng tác phẩm dự thi từ các cơ quan báo chí chiếm tỷ lệ lớn nhất, 73%. Các cơ quan báo chí có nhiều bài dự thi gồm: Thời báo Tài chính Việt Nam, VOV, Thông tấn xã Việt Nam, báo Nhân Dân, Cổng thông tin điện tử CP, báo Công thương... Nhiều cục thuế cũng tham gia dự thi với số lượng lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Yên Bái, Nam Định… Ngoài ra, trong khối các trường/viện có Học viện Tài chính, Đại học Thương mại, Đại học Kinh tế TP  Hồ Chí Minh là các đơn vị có nhiều bài dự thi. 

“Các đề cử của giải thưởng đã bao quát được rộng khắp các dạng thức hoạt động của TMĐT; phản ánh sâu sát hoạt động của lĩnh vực này nhằm làm rõ các phương thức giao dịch, phương tiện thanh toán; quy mô hoạt động của các ngành, lĩnh vực có hoạt động TMĐT. Các bài dự thi đã đề xuất, hiến kế được nhiều giải pháp cả về cơ chế chính sách và công tác quản lý thuế, giúp ngành thuế hoàn thiện công tác quản lý thuế đối với lĩnh vực đang trở thành xu thế tất yếu của thời đại công nghệ số này”, Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn nhấn mạnh. 

Thể loại các tác phẩm dự thi cũng rất phong phú (bao gồm ghi chép, phản ánh, phóng sự, điều tra, phân tích, bình luận...). Trong đó, các tác phẩm được trao giải đều đã đáp ứng được các tiêu chí, mục tiêu chính mà cuộc thi đề ra. Với cách tiếp cận chủ đề đa dạng, nhìn chung, mỗi tác phẩm dự thi đều đã thể hiện được các góc nhìn khác nhau về hoạt động TMĐT tại Việt Nam. Đồng thời nêu ra quan điểm cá nhân để hiến kế giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý thuế. Đây cũng chính là mục tiêu cao nhất mà cuộc thi đề ra.

Sau hơn 2 tháng làm việc nghiêm túc từ các vòng tuyển chọn cơ sở, vòng sơ khảo, vòng chung khảo, Hội đồng chung khảo đã thống nhất lựa chọn ra 38 tác phẩm dự thi để trao giải, gồm: 3 giải A; 5 giải B; 10 giải C; 20 giải khuyến khích (không có giải đặc biệt). 

Các tác phẩm đạt giải A là chùm bài: Quản lý thuế đối với TMĐT của Báo điện tử Chính phủ; Quyết liệt chống thất thu thuế đối với kinh doanh TMĐT của đơn vị Thời báo Tài chính Việt Nam; Quản lý thuế đối với TMĐT: Góc nhìn từ lý thuyêt và bài học kinh nghiệm quốc tế (Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh)...

Cuộc thi là cơ hội để ngành Thuế khảo sát thực trạng hiểu biết về chính sách thuế đối với TMĐT trong cộng đồng, giúp ngành Thuế có định hướng giải pháp về công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức chấp hành của người nộp thuế trong hoạt động kinh doanh TMĐT. 

Tin, ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức
Ra mắt Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022
Ra mắt Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022

Để có góc nhìn toàn diện về tình hình ứng dụng thương mại điện tử Việt Nam dưới tác động của dịch COVID-19 trong bức tranh chung thương mại điện tử toàn cầu cùng với các quy định pháp luật mới có hiệu lực, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) vừa ra mắt ấn phẩm Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN