Nhiều bước tiến mới trong việc đào tạo thương mại điện tử tại các trường đại học

Ngày 24/8, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) và Trường Đại học Thương mại (TMU) phối hợp tổ chức Họp báo Công bố báo cáo “Đào tạo thương mại điện tử tại các trường đại học 2022”.

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi họp báo. 

Phát biểu tại họp báo, ông Bùi Trung Kiên, Phó Chủ tịch VECOM khẳng định, việc nắm bắt chính xác hiện trạng đào tạo thương mại điện tử (TMĐT) tại các cơ sở đào tạo, đặc biệt là các trường Đại học, có ý nghĩa quan trọng khi triển khai hoạt động đào tạo nguồn nhân lực.

Do đó, từ tháng 3 - 5/2022, VECOM đã tiến hành khảo sát 132 trường Đại học trên cả nước nhằm thu thập thông tin toàn diện hoạt động đào tạo TMĐT tại các trường.

Thông tin về kết quả khảo sát tiến hành trong nửa đầu năm 2022, đại diện VECOM cho biết, trong số 132 trường Đại học tham gia đã có 36 trường đào tạo TMĐT trình độ đại học. Đồng thời có 36 trường đào tạo chuyên ngành TMĐT và trên 50 trường đào tạo học phần TMĐT. Tính chung đã có trên 110 trường giảng dạy TMĐT từ mức học phần tới ngành đào tạo. Đội ngũ giảng viên TMĐT của các trường đông đảo và chất lượng cao hơn nhiều so với một thập kỷ trước.

Đáng ghi nhận, việc tuyển sinh thuận lợi do ngành mới này hấp dẫn, thu hút được sinh viên đầu vào chất lượng khá với điểm chuẩn tuyển sinh tương đối cao. Nhiều sinh viên tìm được việc làm khi chưa tốt nghiệp và phần lớn sinh viên làm việc đúng ngành đào tạo sau khi ra trường.

Phần lớn các trường được khảo sát đã giảng dạy các học phần liên quan trực tiếp tới TMĐT như tiếp thị số, công nghệ tài chính, logistics và quản lý chuỗi cung ứng...

Cùng với đó, chương trình đào tạo TMĐT càng ngày càng có xu hướng ưu tiên hơn đối với kinh doanh dựa trên công nghệ thông tin và truyền thông. Điều này dẫn tới càng ngày càng nhiều trường giao cho các khoa kinh tế - thương mại giảng dạy ngành này.

Tuy có những bước tiến lớn, nhưng thực tế các trường đại học còn đối mặt nhiều thách thức cần vượt qua để có thể đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực rất cao của lĩnh vực thương mại điện tử giai đoạn đến năm 2025 và xa hơn nữa.

Những thách thức có kể đến như đội ngũ giảng viên TMĐT chưa đáp ứng nhu cầu đào tạo cả về số lượng và chất lượng. Trong khi số trường đại học mở ngành TMĐT hay chuyên ngành TMĐT tăng nhanh, số lượng giảng viên chỉ đáp ứng quy định ở mức tối thiểu. Ngoài ra, giảng viên TMĐT phải liên tục cập nhật sự thay đổi mau lẹ của công nghệ thông tin và truyền thông cũng như các mô hình, giải pháp kinh doanh trực tuyến mới.

Cùng với đó, học liệu phục vụ đào tạo thương mại điện tử chưa đáp ứng đòi hỏi giảng dạy và học tập. Với lĩnh vực thay đổi nhanh và liên tục như TMĐT, bên cạnh các giáo trình và tài liệu tham khảo dạng in cần có các phiên bản điện tử để có thể cập nhật kịp thời sự tiến bộ về công nghệ cũng như thực tiễn kinh doanh. Việc hợp tác trong đào tạo TMĐT còn mờ nhạt ở mọi hình thức.

Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực rất cao của lĩnh vực TMĐT giai đoạn đến năm 2025 và xa hơn nữa, VECOM kiến nghị cần khảo sát định kỳ tình hình đào tạo TMĐT tại các cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp và xây dựng mạng lưới các cơ sở đào tạo TMĐT. Đặc biệt, cần bồi dưỡng giảng viên TMĐT; đào tạo và cấp chứng nhận một số học phần TMĐT. Cùng với đó, cần đẩy mạnh hoạt động định hướng nghề nghiệp, phổ biến tuyên truyền về ngành TMĐT; chú trọng hơn tới kiểm định chất lượng chương trình đào tạo ngành TMĐT...

Thu Trang/Báo Tin tức
Mua sắm trực tuyến thúc đẩy thị trường logistics thương mại điện tử
Mua sắm trực tuyến thúc đẩy thị trường logistics thương mại điện tử

Lượng người mua sắm trực tuyến (online) khổng lồ, cùng số lượng người dùng internet và điện thoại thông minh ngày càng tăng đang góp phần vào sự tăng trưởng của thị trường châu Á - Thái Bình Dương; trong đó có Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN