Mặc dù tỉnh Kon Tum mới bước vào mùa khô nhưng những gì mà người dân xã Hà Mòn, huyện Đắk Hà đang gánh chịu đã báo hiệu một mùa khô khốc liệt. Hàng trăm ha cà phê đang kinh doanh ở xã ngày ngày hứng chịu cái nắng gay gắt mà chẳng có dấu hiệu dừng. “Theo quy luật hàng chục năm qua thì cứ đến 26/3, trên địa bàn xã sẽ có mưa trên diện rộng. Không biết tới lúc đó cà phê có còn chịu nổi không ?”, anh Võ Xuân Quang chủ vườn cà phê 3 ha đang kinh doanh ở thôn Thống Nhất buồn rầu nói. Theo anh Quang thì năm nay những ai không về quê ăn tết còn may mắn tận dụng được ít nước mà tranh thủ tưới cà lần 2.
Đập tràn hồ Đắk Uy. Ảnh: dantri.com.vn |
Để chuẩn bị cho vụ tưới lần 2 này, anh Quang và các bạn hàng xóm đã dựng một căn lều nhỏ ở ngay trên hồ Thống Nhất. Căn lều chỉ rộng chừng 4 mét vuông được thưng lại thành 3 vách cùng một cái chăn nhỏ nhưng cũng chẳng ai vào ngủ đêm. Vì hạn gay gắt nên ngay trong những ngày xuân anh Quang đã ra bơm nước tưới. Tuy nhiên tất cả chỉ tranh thủ là chính vì hồ cơ bản đã thành hồ…. chết. Nhìn hồ nước này chẳng ai có thể nghĩ nó là nguồn sống cho cả trăm ha nơi này. Nước cơ bản đã cạn, mặt hồ trơ đáy, cá chết theo trắng cả mặt hồ.
Theo những người trồng cà phê nơi đây, bình thường khi bước vào lần tưới thứ 2 mỗi lần chỉ cần 4 ngày là tưới đủ nước nhưng năm nay mọi người đã trắng đêm 10 ngày rồi nhưng vẫn chưa đủ nước tưới. “Chúng tôi tưới cầm chừng, chia ca mỗi người một ít mà bơm. Mấy ngày nay mọi người trắng đêm chờ hồ sinh thuỷ nhưng chẳng thấy đâu. Đây là lần đầu tiên sau khoảng 25 năm hồ Thống Nhất này cạn đáy,” anh Quang cho biết thêm.
Không chỉ trắng đêm chờ sinh thuỷ mà người bơm còn canh nước nữa vì nếu máy hút nước toàn bùn thì…. trái đâu mà đậu. Vì cà phê đã kinh doanh nên nước phải tưới trên cao để mát toàn thân cho cây nhưng vì không có nước, nước lại pha bùn nên đành tưới dưới gốc đủ ẩm cho cây là chính.
Ông Nguyễn Kế Trường, Chủ tịch UBND xã Hà Mòn cho biết hồ Thống Nhất có năng lực tưới cho khoảng 150ha cà phê nhưng năm nay lần đầu tiên hồ cạn đáy. Trên địa bàn còn 4 hồ, đập khác nhau cũng cơ bản hết nước như đập Cà Sâm, hồ đội 4, 3, 2. Hiện giờ mọi người tranh thủ bơm nước tưới cà phê nhưng nếu nước bùn thì sẽ hư hoa, hại quả, ảnh hưởng đến năng suất của cây.
Năm nay đến thời điểm này, dù cách đợt tưới lần 1 hơn cả tháng trời nhưng nhiều hộ dân Hà Mòn vẫn chưa thể tưới lần 2 vì thiếu nước, trong khi theo quy trình thì lần tưới 1 cách lần 2 từ 20-25 ngày là tối đa nên chắc chắn năng suất cà phê sẽ bị ảnh hưởng nhiều.
Hạn là vậy, người dân Hà Mòn giờ chỉ biết ngóng về nguồn nước từ con đập Đắk Uy, con đập lớn nhất trên địa bàn Kon Tum, có năng lực tưới cho khoảng 2.000 ha cây trồng trên địa bàn huyện. Tuy nhiên những ngày qua nước về cũng chẳng bao nhiêu. Chưa kể các hộ ở trên lại tranh thủ bơm nước từ đầu nguồn khiến hạ lưu thêm khát.
Một trong những nguyên nhân chính là do nắp ở cống xả chính bị sập, chặn dòng chảy. Cùng đó tình trạng bồi lấp lâu ngày ở cửa chính nên nước càng về ít khiến người dân hoang mang cho niên vụ cà tới này. Trong khi người dân vẫn đang ngóng từng ngày nguồn nước từ đập Đắk Uy nhưng những ngày qua chủ công trình này là Ban quản lý các công trình thuỷ lợi Kon Tum vẫn cứ… từ từ xử lý.
Đây không phải là lần đầu tiên người dân Hà Mòn ý kiến về việc điều tiết nước từ công trình này. “Chúng tôi đã kiến nghị nhiều năm qua, cử tri kiến nghị nhiều rồi nhưng chẳng thấy hiệu quả gì. Năm nay lượng nước về còn ít hơn trước nhiều, trong khi hạn như vậy ai mà không nóng,” ông Trường nói.
Theo ông Nguyễn Hoài Vũ, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đắk Hà, năm nay lượng nước từ hồ Đắk Uy về ít vì sập nắp cống ở cổng dẫn nước kênh N10. Sự cố trên làm lượng nước về kênh chỉ bằng 60% so bình thường. Trước bức xúc của dân, huyện Đắk Hà cũng đã tổ chức các cuộc họp nhằm tháo gỡ giúp dân và thống nhất cải tạo, sửa chữa lại sự cố từ con đập trên.
Mọi việc bắt đầu thi công từ ngày 19/2. Tuy nhiên đến ngày 21/2 khi phóng viên đến hiện trường thì chẳng thấy bóng dáng công nhân hay máy móc nào. Đến khi phóng viên tác nghiệp thì mới thấy một người từ Ban quản lý các công trình thủy lợi Kon Tum tới. Khoảng 1 tiếng sau khi bóng đã xế chiều mới thấy một máy đào tới hiện trường “tác nghiệp”.
Với cái nắng gay gắt, cách làm việc từ từ của những người có trách nhiệm thì không biết bao giờ hàng trăm ha cà phê ở Hà Mòn mới được “tiếp sức” để trổ bông, kết trái, đem mùa bội thu cho dân?
Hoàng Cao Nguyên