Trang bị kỹ năng phòng tránh dông, sét

Trong 22 loại hình thiên tai, sét là một trong những loại hình thiên tai nguy hiểm xảy ra thường xuyên tại Việt Nam.

Chú thích ảnh
Sét trong cơn giông trên bầu trời đêm Hà Nội (ảnh chụp lúc 0g33 phút ngày 20/8). Ảnh: Phạm Tuấn Anh/TTXVN

Tuy nhiên nhiều người dân tỏ ra rất “mơ hồ”, kém hiểu biết hiểu biết về dông sét. Bên cạnh đó, mức độ, tần suất của dông, sét càng ngày càng tăng gây nhiều thiệt hại về người. Do vậy, việc trang bị kiến thức phòng tránh dông, sét  để giảm thiệt hại về người, tài sản là hết sức quan trọng, đặc biệt là trong mùa mưa bão năm 2024.

Dông sét xảy ra với cường độ lớn, nhiều người tử vong

Theo thông tin từ Tổng cục phòng chống thiên tai (nay là Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và phóng viên TTXVN tại các địa phương, từ năm 2017 đến nay có hàng trăm người tử vong do sét đánh. Chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm 2024 đã có hàng chục người tử vong do bị sét đánh.

Điển hình là một số vụ đã được phóng viên TTXVN đưa tin. Cụ thể, tại tỉnh Yên Bái, đêm 30/4, rạng sáng 1/5/2024, trên địa bàn thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn, ông Mè Văn Th (sinh năm 1979, thường trú tại tổ dân phố Suối Khoáng, thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn), khi chạy ra ngoài đồng buộc lại trâu đã bị sét đánh tử vong tại chỗ. Khoảng 16 giờ ngày 19/5, trong lúc làm đồng tại thôn Trực Nho (xã Minh Quang, huyện Vũ Thư) ông P.V.K, sinh năm 1964, trú tại thôn Trực Nho bị sét đánh tử vong. Ngày 21/5, trên địa bàn xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ, Long An, ông T.Q.T (sinh năm 1978, ngụ xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, Long An) đang đi bắt ếch đồng tại địa bàn xã Quê Mỹ Thạnh khi trời mưa dông thì bị sét đánh trúng, ngã gục và tử vong tại chỗ.

Mới đây nhất, ngày 24/8, bốn em ở xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội đang đá bóng gặp mưa lớn kèm sấm sét. 3 em đã bị sét đánh ngất; em Đ.Đ.N. (13 tuổi) ở thôn 2, xã Tiến Xuân bị sét đánh tử vong tại chỗ.

Theo các chuyên gia phòng, chống thiên tai, nhiều người bị sét đánh gây tử vong phần lớn là do nguyên nhân chủ quan. Mặt khác, nhiều người dân còn thiếu kiến thức về cách nhận biết, phòng tránh sét. Thậm chí khi có mưa dông là thời điểm khả năng xảy ra sét đánh rất cao nhưng vẫn có nhiều người dân hoạt động ngoài trời, dưới trời dông, sét….

Mỗi năm, Việt Nam hứng chịu tới 2 triệu cú sét. Tần suất sét lớn hơn ở vùng núi, vùng trung du phía Bắc và đồng bằng Nam Bộ... Những ngày qua, đã có những lượt dông sét với tần suất đặc biệt lớn xảy ra. Theo số liệu quan trắc sét từ Mạng lưới định vị sét quốc gia, sáng 5/6/2024, mưa lớn tại khu vực Hà Nội đã kèm theo hơn 7.000 lượt sét đánh xuống mặt đất. Sấm sét xuất hiện ở nhiều quận, huyện; trong đó, khu vực các huyện Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Oai, Ứng Hòa xuất hiện sấm sét dày đặc. Ngày 22/8/2024, thông tin từ Mạng lưới Khí tượng thủy văn Quốc gia,, miền Bắc (gồm các tỉnh: Lạng Sơn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hòa Bình) ghi nhận hơn 1.000 cú sét trong một giờ đồng hồ.

Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho biết, với nền nhiệt cao hơn trung bình nhiều năm, năm 2024, hiện tượng dông, sét xảy ra với cường độ lớn hơn so với trung bình nhiều năm. Qua các thiết bị theo dõi như dùng ảnh mây vệ tinh, ảnh radar, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia có thể thông tin các hiện tượng dông, sét trước khoảng 1 giờ đồng hồ. Hiện trong các bản tin dự báo thời tiết hàng ngày, dự báo mùa, khí hậu hàng tháng, 6 tháng, 1 năm… đều kèm theo các cảnh báo thời tiết nguy hiểm trong đó có dông, sét.

Trang bị kiến thức phòng tránh dông, sét

Chú thích ảnh
Đường tỉnh 159 địa phận thôn Pắc Kẹ, xã Bản Liền, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai bị sạt lở do mưa lớn. Ảnh: TTXVN phát

Việt Nam nằm ở tâm dông châu Á - một trong ba tâm dông trên thế giới, có hoạt động dông sét mạnh. Mùa dông ở Việt Nam tương đối dài, số ngày dông trung bình 100 ngày mỗi năm và số giờ dông trung bình là 250 giờ/năm. Sét có thể xuất hiện trước, trong và sau cơn mưa, thậm chí là trong cơn dông khan không có mưa, trong các không gian trống trải như cánh đồng, nương rẫy, các khu vực gần ao hồ…

Theo các chuyên gia khí tượng thủy văn, tần suất các cơn dông, kèm theo sét sẽ còn xuất hiện liên tục từ nay đến những tháng cuối năm 2024. Vì vậy, việc cung cấp các kỹ năng phòng, tránh dông, sét cho người dân là hết sức quan trọng.

Bà Nguyễn Thanh Bình, dự báo viên, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho hay, để phòng, tránh dông, sét, người dân cần chủ động quan sát mọi diễn biến thời tiết, chẳng hạn như khi bầu trời có mây đen kéo đến, gió thổi mạnh, cảm giác hơi lạnh và ẩm thì nhiều khả năng cơn dông xuất hiện kèm sét. Do vậy, để đảm bảo an toàn, giảm thiệt hại, người dân cần tìm ngay chỗ tránh trú kiên cố, an toàn.

Ông Nguyễn Đức Phương, Trưởng phòng Radar thời tiết, Trung tâm Mạng lưới khí tượng thủy văn Quốc gia chia sẻ, Tổng cục Khí tượng thủy văn có trang web tại địa chỉ: hymetnet.gov.vn, trang web này hiển thị liên tục 10 phút/lần phản hồi số liệu về mây, mưa, số liệu định vị sét… Người dân có thể truy cập vào trang web để theo dõi, từ đó chủ động phòng, tránh dông sét.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh, Viện Vật lý địa Cầu, Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam lưu ý, khi trời sắp xảy ra dông, sét, biện pháp tránh sét tốt nhất là nên về nhà. Chỗ an toàn để tránh sét là tòa nhà hay công sở có lắp đặt hệ thống chống sét (đơn giản nhất là cột thu lôi Franklin). Tuy nhiên, không có vị trí an toàn tuyệt đối để tránh sét; việc chủ động đề phòng, tránh sét tìm nơi an toàn hơn có thể làm giảm đáng kể khả năng bị sét đánh. Hiện nay, công nghệ quan trắc sét đã có nhiều tiến bộ, giúp theo dõi sét với thời gian thực. Các mô hình cảnh báo sét sớm có thể sử dụng để thông báo cho người dân trước từ 30 phút đến 1 giờ thông qua tin nhắn, các ứng dụng di động, qua mạng để người dân có kế hoạch phòng, tránh.

Các chuyên gia khuyến cáo dông, sét là hiện tượng phóng điện giữa đám mây dông tích điện xuống mặt đất. Để phòng tránh dông, sét, người dân cần tránh xa các đồ dùng điện, các chỗ ẩm ướt như buồng tắm, bể nước, vòi nước, không nên dùng điện thoại trừ trường hợp rất cần thiết; rút phích cắm các thiết bị điện trước lúc có dông.

Người dân khi ở ngoài trời, nếu không tìm được chỗ trú ẩn, phải tránh xa các cây cao, không đứng ở đỉnh đồi, ở các vùng đất trống trải, không đứng, ngồi cạnh cột điện hoặc đường dây tải điện, đồng thời vứt bỏ các vật dụng kim loại trong người.

Trong trường hợp người dân đang ở vùng đất trống nên chụm hai chân, cúi người sát mặt đất (nhưng không chạm hay nằm xuống đất) với hai tay bịt tai... Nếu ở trong rừng, người dân cần tìm những nơi cây thấp hơn và thưa để tránh; không đứng thành nhóm người gần nhau...

Thắng Trung (TTXVN)
Thời tiết ngày 1/9: Tây Nguyên và Nam Bộ mưa to và dông
Thời tiết ngày 1/9: Tây Nguyên và Nam Bộ mưa to và dông

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 1/9, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 40-80 mm, cục bộ có nơi trên 120 mm (thời gian mưa tập trung vào chiều và tối).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN