Tiến sĩ Nguyễn Phước Quý Phong, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Hàng hải II cho biết, cùng với nhiều ngành nghề khác, ngành hàng hải đã góp phần tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội, đưa thương hiệu Việt Nam đi khắp thế giới. Để những con tàu ấy có thể ngày đêm vững vàng rẽ sóng, không thể không kể đến sự nỗ lực của các thuyền viên. Vì vậy, chương trình "Tôn vinh người đi biển" nhằm cảm ơn những thuyền viên, những người thầm lặng bám tàu, bám biển, mang những chuyến hàng đi khắp nơi trên thế giới. Tham gia sự kiện có hơn 300 thuyền viên cùng các vị tiền bối, sinh viên các ngành đi biển của cả nước.
“Mặc dù các con tàu hiện nay được trang bị hiện đại hơn trước, tuy nhiên những khó khăn, nhọc nhằn của những người đi biển vẫn còn đó bởi những đặc tính cố hữu của nghề này. Thế nhưng, những thuyền viên vẫn vượt qua mọi khó khăn, vẫn yêu nghề, bám biển để làm cầu nối giao thương khắp mọi miền trên thế giới”, ông Nguyễn Phước Quý Phong cho biết thêm.
Dịp này, ban tổ chức còn ra mắt cuốn sách "Đời thủy thủ bước chân trên sóng cả". Nội dung cuốn sách chia sẻ những kinh nghiệm đi biển, những khó khăn, vất vả của thuyền viên đã trải qua trong quá trình làm việc trên tàu, ngoài biển, giúp thế hệ sau tiếp thu, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn trong quá trình phát triển nghề nghiệp của mình.
Thuyền viên là những con người đặc biệt với những tính chất đặc thù trong công việc. Để ghi nhận những công sức và cống hiến của những người thủy thủ, vào năm 2010 tại Manila, Tổ chức Hàng hải Thế giới (IMO) đã lấy ngày 25/6 năm là ngày tôn vinh những đóng góp thầm lặng và vĩ đại dành cho người thủy thủ, gọi là Seafarers Day.