Theo Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, hiện nay thành phố đã ngừng những chuyến xe liên tỉnh đến TP Hồ Chí Minh từ các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải.
Tuy nhiên, đối với tỉnh Gia Lai, thành phố mới chỉ tạm dừng các chuyến xe chạy đến huyện đang có dịch, còn những tuyến còn lại vẫn hoạt động bình thường và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Theo thống kê, trung bình mỗi ngày có 40 - 50 chuyến xe từ Gia Lai đến TP Hồ Chí Minh.
Đánh giá về nguy cơ xâm nhập dịch bệnh từ Gia Lai - nơi đang ghi nhận 12 trường hợp mắc COVID-19 vào TP Hồ Chí Minh, Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Trần Lưu Quang cho rằng: “Không thực hiện ngăn sông, cấm chợ nhưng cần phải có giải pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với những chuyến xe từ tỉnh Gia Lai xuống. Nếu chúng ta cấm những chuyến xe từ Gia Lai đến TP Hồ Chí Minh, có khả năng họ đi vòng qua Đăk Lăk và các tỉnh thành khác xuống thành phố, nguy hiểm và khó kiểm soát dịch hơn”.
Theo đó, ông Trần Lưu Quang cũng cho rằng, để kiểm soát được dịch bệnh thì thành phố cần phải quyết liệt trong từng giải pháp. Với tình hình hiện nay, thành phố cần chia làm hai giai đoạn phòng, chống dịch gồm giai đoạn trước Tết và giai đoạn sau Tết. Giai đoạn sau Tết, nguy cơ dịch xâm nhập cao hơn bởi công nhân và người dân từ các tỉnh quay trở lại thành phố làm việc.
Tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cũng cho rằng, diễn biến dịch bệnh tại một số tỉnh, thành trong cả nước đang phức tạp, vì vậy thành phố cần quán triệt tinh thần chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương; điều chỉnh các hoạt động lễ hội để phù hợp với tình hình của dịch bệnh, yếu tố đảm bảo an toàn cho nhân dân phải được cân nhắc trên hết.
“Tiếp tục thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo cho người dân vui Xuân đón Tết đầm ấm, tươi vui và mạnh khỏe. Chủ trương của Thành ủy là không ngăn sông cấm chợ, đảm bảo các hoạt động diễn ra theo kế hoạch đã được phê duyệt trong điều kiện bình thường mới”, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên cho biết thêm.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, phòng chống dịch hiệu quả nhất phải xuất phát từ ý thức mỗi cá nhân, tổ chức. Các cơ quan, lực lượng chức năng và người dân trên địa bàn thành phố cần cảnh giác cao độ với dịch bệnh nhưng không nên hoảng hốt, phòng chống dịch theo hướng: theo dõi sát - phát hiện sớm - điều tra, truy vết triệt để - khoanh vùng, dập dịch.