Giảm 669 ca nhiễm mới SARS-CoV-2 so với ngày 26/9
Tính từ 17 giờ ngày 26/9 đến 17 giờ ngày 27/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 9.362 ca nhiễm mới, trong đó 20 ca nhập cảnh và 9.342 ca ghi nhận trong nước (giảm 669 ca so với ngày trước đó) tại 36 tỉnh, thành phố (có 4.453 ca trong cộng đồng).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là: TP Hồ Chí Minh (giảm 987 ca), Đồng Nai (giảm 130 ca), Bình Phước (giảm 26 ca).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bình Dương (461), An Giang (50), Tây Ninh (43).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 10.035 ca/ngày.
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay); số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 761.527 ca, trong đó có 533.275 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Trong ngày 27/9, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 10.528 ca.Tổng số ca được điều trị khỏi là 538.454 ca. Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.135 ca.
Trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên hệ thống ghi nhận 174 ca tử vong tại: TP Hồ Chí Minh (122 ca), Bình Dương (32 ca), Tây Ninh (4 ca), An Giang (4 ca), Đồng Nai (4 ca), Cần Thơ (3 ca), Đồng Tháp (2 ca), Tiền Giang (1 ca), Bình Thuận (1 ca), Đà Nẵng (1 ca).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 208 ca.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 18.758 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,0%).
Từ ngày 28/9, Hà Nội cho phép tập thể dục ngoài trời, mở cửa trung tâm thương mại
Chiều 27/9, UBND thành phố Hà Nội ban hành công văn số 3242/UBND-KGVX để điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới trên địa bàn.
Theo đó, từ ngày 28/9, UBND thành phố cho phép người dân tập thể dục, thể thao ngoài trời nhưng không được tập trung quá 10 người; mở cửa trở lại các trung tâm thương mại, cửa hàng may mặc, thời trang, hóa mỹ phẩm; riêng các cửa hàng ăn uống vẫn chỉ được phép bán mang về; các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, người dân phải thực hiện nghiêm quy định 5K, bắt buộc quét mã QR tại các nơi có quy định và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch của Bộ Y tế và thành phố.
Ngày 27/9, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các cơ sở giáo dục trên địa bàn tiếp tục dạy và học trực tuyến. Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội yêu cầu các cơ sở giáo dục thường xuyên sử dụng kho học liệu điện tử nhằm đáp ứng mục tiêu “Tạm dừng đến trường, không dừng việc học”.
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, các cơ sở giáo dục đảm bảo 3 “không": Không tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại địa điểm công cộng và các cơ sở kinh doanh (trừ các hoạt động được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép); Không tham gia các hoạt động tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; Không tham gia tụ tập đông người (từ 10 người trở lên); thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm cộng cộng. Đồng thời, chấp hành nghiêm việc khai báo y tế bằng mã QR. Các cơ sở giáo dục tăng cường tuyên truyền đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh tiếp tục nâng cao ý thức phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm “5K”.
TP Hồ Chí Minh: Số ca nhập viện đã ít hơn số bệnh nhân xuất viện
Chiều 27/9, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian gần đây, số bệnh nhân nhập viện hàng ngày đã ít hơn số bệnh nhân xuất viện. Đây là tín hiệu rất lạc quan trong công tác phòng, chống dịch tại TP Hồ Chí Minh.
Đánh giá về tình hình dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh, ông Phạm Đức Hải cho rằng, công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã có những tín hiệu rất lạc quan khi số bệnh nhân tử vong giảm, số bệnh nhân chuyển nặng phải thở máy ngày càng giảm và số bệnh nhân nhập viện ít hơn số bệnh nhân ra viện.
Cụ thể, trong ngày 26/9, TP Hồ Chí Minh có 2.805 bệnh nhân nhập viện nhưng có 2.936 bệnh nhân xuất viện; ngày 25/9 có 1.918 bệnh nhân đang thở máy thì đến ngày 26/9 giảm xuống còn 1.856 bệnh nhân; số ca tử vong cũng giảm từ 131 xuống còn 122 ca.
Bên cạnh đó, số người được tiêm vaccine ngày càng tăng với tổng số mũi vaccine đã triển khai tiêm đến ngày 26/9 là 9.625.808 (tăng 183.993 mũi vaccine so với ngày 25/9), trong đó tổng số mũi 1 là 6.816.113 (tăng 1.426 mũi so với ngày 25/9), mũi 2 là 2.809.695 (tăng 182.567 mũi so với ngày 25/9), số người được tiêm trên 65 tuổi và người có bệnh nền là 1.116.257 người.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, mục tiêu của Thành phố trong thời gian tới là bên cạnh điều trị bệnh nhân COVID-19 phải điều trị cho bệnh nhân không phải COVID-19. Tùy theo số lượng bệnh nhân đang điều trị, Thành phố sẽ có lộ trình để thu gọn, đóng cửa bệnh viện dã chiến và tiếp quản những bệnh viện trên địa bàn do Trung ương phụ trách.
Nguyên tắc phục hồi công năng của các bệnh viện trên địa bàn Thành phố là dựa vào số ca mắc, bệnh nặng, số ca nhập viện... Thành phố sẽ ưu tiên phục hồi các bệnh viện quận, huyện để đảm bảo mỗi quận, huyện sẽ có bệnh viện đa khoa để tiếp nhận những bệnh nhân không phải COVID-19.
TP Hồ Chí Minh đề nghị cấp mã số cho người có kết quả test nhanh dương tính
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh vừa có công văn khẩn gửi Bộ Y tế về việc cấp mã số cho người có kết quả test nhanh kháng nguyên dương tính với SARS-CoV-2.
Theo thống kê, từ ngày 20/8 đến nay, TP Hồ Chí Minh có khoảng 150.000 trường hợp dương tính với SASR-CoV-2 qua test nhanh kháng nguyên; tuy nhiên theo hướng dẫn của Bộ Y tế, hiện nay chỉ những trường hợp xét nghiệm SARS-CoV-2 khẳng định mới được lấy mã số.
Theo lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, căn cứ vào chỉ đạo của Bộ Y tế "kết quả test nhanh dương tính được ghi nhận là F0 đối với trường hợp được chỉ định cách ly tại nhà", để có cơ sở chính thức báo cáo các trường hợp test nhanh dương tính, Sở Y tế đề nghị Bộ Y tế chấp thuận cho TP Hồ Chí Minh công bố chính thức số ca test nhanh kháng nguyên dương tính với SARS-CoV-2 như là ca khẳng định; đồng thời cấp mã số cho tất cả ca bệnh test nhanh kháng nguyên dương tính để được chính thức quản lý bằng mã số quốc gia.
Nhiều con hẻm, tuyến đường ở TP Hồ Chí Minh đã được tháo bỏ rào chắn
Theo ghi nhận của phóng viên báo Tin tức, sáng ngày 27/9, các giàn giáo, khung sắt, kẽm gai... rào chắn nhiều con hẻm, tuyến đường trên địa bàn các quận như Gò Vấp, Tân Bình, Quận 12, huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) đã được tháo dỡ, trả lại không gian thông thoáng cho các tuyến đường.
Tại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 trên các tuyến đường, lực lượng công an, quân đội vẫn túc trực kiểm tra người dân ra đường thông qua quét mã QR và giấy đi đường. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh cho phép thêm nhiều ngành nghề hoạt động nên một số chốt cũng đã xảy ra tình trạng dồn ứ giao thông.
Được biết, theo lộ trình khôi phục lại nền kinh tế, từ nay đến ngày 30/9, TP Hồ Chí Minh sẽ tháo dỡ hàng rào chắn trên nhiều tuyến đường; tuy nhiên vẫn duy trì các chốt, trạm kiểm soát ở các cửa ngõ ra, vào thành phố.