Thêm 3.639 ca nhiễm mới
Tính từ 17 giờ ngày 24/10 đến 17 giờ ngày 25/10, Việt Nam ghi nhận 3.639 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, tại 53 tỉnh, thành phố; các tỉnh Hậu Giang, Tiền Giang, Tây Ninh có số mắc tăng so với ngày trước đó.
Trong số các ca nhiễm mới, có 19 ca nhập cảnh và 3.620 ca ghi nhận trong nước (giảm 408 ca so với ngày trước đó) tại 53 tỉnh, thành phố (có 1.573 ca trong cộng đồng).
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 892.579 ca nhiễm. Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay); số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 887.797 ca, trong đó có 804.484 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Trong ngày 25/10, cả nước ghi nhận 65 ca tử vong tại: TP Hồ Chí Minh (40), Bình Dương (11), Đồng Nai (7), Tây Ninh (3), Bạc Liêu (2), An Giang (1), Tiền Giang (1).
Hà Nội phát hiện 15 ca F0 trong cộng đồng
Theo Sở Y tế Hà Nội, từ 18 giờ ngày 24/10 đến 18 giờ ngày 25/10, Hà Nội ghi nhận 18 ca nhiễm mới SARS-CoV-2; trong đó có 15 ca cộng đồng và 3 ca trong khu cách ly.
Các ca nhiễm mới phân bố tại các quận, huyện: Thanh Oai (6 ca), Quốc Oai (5 ca), Long Biên (3 ca), Hà Đông (2 ca), Đống Đa (1 ca), Hoàng Mai (1 ca).
Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021) là 4.185 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.631 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.554 ca.
Liên quan đến chùm ca bệnh tại Tòa án Nhân dân huyện Quốc Oai (Hà Nội), lực lượng y tế địa phương đã truy vết được 269 F1, 760 F2 liên quan và đang khẩn trương tìm người từng đến nơi đây.
Số ca mắc COVID-19 mới vẫn ở mức nguy cơ cao, TP Hồ Chí Minh không cho phép quán ăn bán tại chỗ
Chiều 26/10, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, nếu dựa vào số ca mắc COVID-19 mới trên 100.000 dân/tuần thì TP Hồ Chí Minh vẫn đang ở cấp độ 3.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Vĩnh Châu, mặc dù TP Hồ Chí Minh đã công bố cấp độ dịch tương ứng cấp độ 2 nhưng số ca mắc vẫn còn ở mức độ 3 nên kế hoạch ứng phó của Thành phố với dịch bệnh vẫn đang đặt ở mức độ 3. Vì vậy, TP Hồ Chí Minh phải thận trọng trong thời điểm này dù số ca mắc mới giảm liên tục, số ca tử vong và chuyển nặng cũng giảm.
Theo ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, việc mở lại hàng quán ăn, uống phục vụ tại chỗ vẫn đang trong quá trình xem xét, đánh giá nên Thành phố vẫn chưa cho phép mở lại.
Tuy nhiên, tại TP Hồ Chí Minh một số hàng quán vẫn "lén" cho khách ngồi, nhất là những hàng quán khuất bên trong.
4 kịch bản thu dung điều trị tại TP Hồ Chí Minh
Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, căn cứ số lượng bệnh nhân cần chăm sóc và điều trị tương ứng từng mức độ dịch, Sở Y tế đã xây dựng 4 kịch bản ứng phó của hệ thống điều trị tương ứng với các tình huống dịch bệnh.
Cụ thể, tình huống 1: Nếu tình hình dịch COVID-19 tại Thành phố được kiểm soát tốt, số ca mắc mới tương ứng mức độ 1. Các trường hợp F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ sẽ được điều trị tại nhà, do các trạm y tế phường, xã, thị trấn chăm sóc và quản lý. Các trường hợp cần nhập viện điều trị sẽ được tiếp nhận bởi Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 ba tầng số 16, khoa COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Bệnh viện Từ Dũ để điều trị người mắc COVID-19 với quy mô 2.000 giường, trong đó có 1.040 giường oxy và 360 giường ICU, 120 giường cho trẻ em và 60 giường cho phụ nữ mang thai
Tình huống 2: Tình hình dịch COVID-19 tại thành phố được kiểm soát, số ca mắc mới tương ứng mức độ dịch 2. Những F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ sẽ được điều trị tại nhà, do các trạm y tế phường, xã, thị trấn chăm sóc và quản lý. Các trường hợp F0 cần nhập viện điều trị sẽ được tiếp nhận tùy theo mức độ nặng bởi 2 bệnh viện dã chiến cấp thành phố gồm Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 ba tầng số 13 và số 16.
Ngoài ra, các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 quận, huyện; khoa COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, 2 bệnh viện chuyên khoa nhi gồm Nhi đồng Thành phố và Nhi đồng 2; 2 bệnh viện chuyên khoa sản Từ Dũ và Hùng Vương. Ở tình huống này, ngành y tế dự trù 11.623 giường, trong đó có 3.815 giường oxy và 803 giường ICU; 180 giường cho trẻ em và 120 giường cho phụ nữ mang thai.
Tình huống 3: Tình hình dịch COVID-19 tại Thành phố cơ bản được kiểm soát, số ca mắc mới tương ứng mức độ 3. Đối với F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ sẽ được điều trị tại nhà, do các trạm y tế lưu động chăm sóc và quản lý. Mỗi trạm y tế lưu động quản lý 50-100 F0, do đó cần thành lập thêm 135 trạm y tế lưu động trên địa bàn thành phố.
Công tác thu dung điều trị do 3 bệnh viện dã chiến thành phố gồm Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 ba tầng số 13, số 14, số 16 cùng các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 quận, huyện; 3 bệnh viện hồi sức COVID-19 Chợ Rẫy, Quân y 175 và Bệnh nhiệt đới; 3 bệnh viện chuyên khoa nhi gồm Nhi đồng Thành phố, Nhi đồng 2, Nhi đồng 1 và 2 bệnh viện chuyên khoa sản Từ Dũ, Hùng Vương. Tổng số giường ở tình huống này là 11.623 giường, trong đó có 3.815 giường oxy và 803 giường ICU, 180 giường cho trẻ em và 120 giường cho phụ nữ mang thai.
Tình huống 4: Tình hình dịch COVID-19 tại Thành phố bùng phát trở lại, số ca mắc mới tương ứng mức độ 4. Đối với F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ sẽ được điều trị tại nhà, do các trạm y tế lưu động chăm sóc và quản lý. Căn cứ vào số F0 cách ly tại nhà mà các phường, xã, thị trấn thành lập thêm các tổ chăm sóc người mắc COVID-19 tại cộng đồng để hỗ trợ trạm y tế và trạm y tế lưu động chăm sóc và quản lý F0, mỗi tổ phụ trách 20-50 trường hợp F0.
Đối với F0 có bệnh lý nền không ổn định sẽ chăm sóc tại bệnh viện dã chiến thành phố và quận, huyện. Ngoài các bệnh viện dã chiến thành phố và quận, huyện sẵn có, mỗi quận, huyện phải đảm bảo có một bệnh viện dã chiến 300-500 giường.
Đối với F0 nặng, nguy kịch sẽ được chăm sóc và điều trị tại 3 bệnh viện dã chiến thành phố, khoa/đơn vị COVID-19 của các bệnh viện và 3 bệnh viện hồi sức COVID-19. Ước tính có khoảng 16.000 – 19.000 giường điều trị COVID-19, bao gồm 6.500 giường oxy và 2.000 giường ICU.