Tình hình COVID-19 ngày 21/3: Số ca nhiễm mới tiếp tục giảm, các địa phương xúc tiến du lịch và học tập

Ngày 21/3, những thông tin đáng chú ý về tình hình COVID-19 là: Số ca nhiễm SARS-CoV-2 mới của cả nước và 2 thành phố lớn giảm đáng kể; Các địa phương xúc tiến các hoạt động phục hồi kinh tế - xã hội; Hội Thầy thuốc trẻ triển khai chương trình hỗ trợ hậu COVID-19…

Giảm 9.440 ca mắc mới trong ngày

Tính từ 16 giờ ngày 20/3 đến 16 giờ ngày 21/3, cả nước ghi nhận 131.713 ca nhiễm mới SARS-CoV-2. Trong số các ca nhiễm mới, có 4 ca nhập cảnh và 131.709 ca ghi nhận trong nước (giảm 9.440 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 87.895 ca trong cộng đồng).

Chú thích ảnh

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là: Nghệ An (giảm 3.930 ca), Hà Nội (giảm 1.149 ca), Đắk Lắk (giảm 1.003 ca). Tại TP Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, trong những ngày qua, số ca mắc COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh liên tục giảm. Qua giám sát tại các bệnh viện, số ca nhập viện có diễn biến nặng không nhiều và đa số là người có bệnh nền, nguy cơ cao.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 8.089.761 ca nhiễm. Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 8.082.091 ca, trong đó có 4.279.851 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 179.640 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi là 4.282.668 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.169 ca.

Từ 17 giờ 30 ngày 20/3 đến 17 giờ 30 ngày 21/3, cả nước ghi nhận 69 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 67 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 41.949 ca, chiếm tỷ lệ 0,5% so với tổng số ca nhiễm.

Các địa phương xúc tiến hoạt động du lịch và giáo dục

Chú thích ảnh
Đoàn công tác UBND tỉnh Lai Châu khảo sát, trải nghiệm đỉnh Pu Ta Leng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN

Sau khoảng một tuần, thị trường du lịch Thành phố Hồ Chí Minh chính thức mở cửa đón khách quốc tế, nhiều doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành, cơ sở lưu trú... trên địa bàn đã tích cực xúc tiến thị trường du lịch trong và ngoài nước. Các đơn vị này cho rằng, nếu du lịch nội địa là giải pháp tiên phong và bền vững, du lịch quốc tế sẽ là động lực giúp ngành lấy lại "phong độ" trong thời gian tới.

Tại Lai Châu, sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, những tháng đầu năm 2022, lượng khách du lịch tới Lai Châu và doanh thu từ dịch vụ du lịch tăng dần.

Theo ông Trần Quang Kháng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu, trong gần 3 tháng đầu năm 2022, lượng khách du lịch đến tỉnh gần 153.000 lượt, (đạt hơn 31% so với kế hoạch năm 2022), trong đó, chủ yếu khách là khách nội địa. Du khách tập trung đến một số điểm du lịch như cầu kính Rồng mây, cọn nước bản Nà Khương và Phiêng Tiên, bản Sì Thâu Chải, bản Lao Chải 1, bản Thẳm, huyện Tam Đường; bản Sin Suối Hồ, bản Vàng Pheo, huyện Phong Thổ... Tổng doanh thu du lịch và dịch vụ du lịch ước 3 tháng đạt 136 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với năm 2021.

Đây là tín hiệu vui của ngành Du lịch Lai Châu sau khi tỉnh triển khai nhiều hoạt động kích cầu, xúc tiến, quảng bá, thực hiện các đoàn Famtrip đưa các doanh nghiệp lữ hành miền Nam đến khảo sát, kết nối, liên kết với các doanh nghiệp lữ hành của tỉnh để xây dựng các tour trao đổi nguồn khách du lịch.

Tại Hà Nội, sáng 21/3/2022, các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai tổ chức dạy học trực tiếp của các khối lớp 7, 8, 9, 10, 11 và 12 trong tình hình mới trên địa bàn thành phố theo chỉ đạo và hướng dẫn của ngành.

Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam triển khai chương trình 'Chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19'

Theo Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, hiện nay, nhiều bệnh nhân sau khi mắc COVID-19 đã gặp các triệu chứng tồn tại dai dẳng, thậm chí phải quay trở lại bệnh viện để điều trị. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, có 33% -76% người bệnh có thể gặp triệu chứng hậu COVID-19 kéo dài ít nhất 6 tháng sau khi mắc bệnh, 20% người bệnh phải tái nhập viện; 80% người bệnh phải theo dõi tại cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu trong vòng 2 tháng sau xuất viện.

Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 113-KH/TWH của Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam về triển khai Chương trình Chăm sóc sức khỏe hậu COVID năm 2022.

Cụ thể, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam phối hợp với Công Ty Cổ Phần Viễn Thông Asim (Asim Telecom) triển khai chương trình Tư vấn hỗ trợ bệnh nhân COVID-19 cả nước qua tổng đài và ứng dụng myLocal.vn, hỗ trợ điều trị bệnh nhân F0 tại nhà và tư vấn sức khỏe hậu COVID, hướng dẫn điều trị các triệu chứng hậu COVID; phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn DKSH Pharma Việt Nam xây dựng, triển khai, hoàn chỉnh, phát triển và hỗ trợ thực hiện chương trình "Nâng cao sức khỏe cộng đồng, giáo dục, khám, sàng lọc và chữa bệnh cho người dân, phòng, chống các bệnh mạn tính, không lây nhiễm, chăm sóc hậu COVID-19" giai đoạn 2022-2025, bao gồm tuyên truyền giúp nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng trong phòng ngừa, kiểm soát các bệnh mạn tính, không lây nhiễm và hỗ trợ người dân được tư vấn, tầm soát, khám bệnh, chữa bệnh về các bệnh mạn tính, không lây nhiễm, chăm sóc hậu COVID-19.

Bên cạnh đó, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Tập đoàn tài chính Green+ tiếp tục triển khai Chương trình khám, sàng lọc và chữa bệnh cho 5 triệu người dân "Vì một Việt Nam khỏe mạnh" năm 2022 với các hoạt động khám bệnh, sàng lọc và tư vấn sức khỏe hậu COVID.

Ngoài ra, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam sẽ tổ chức các chương trình khám sức khỏe tổng quát, sàng lọc triệu chứng và tư vấn, hỗ trợ điều trị hậu COVID cho 20.000 người dân có hoàn cảnh khó khăn từ tháng 4 đến tháng 11/2022, dự kiến chương trình sẽ diễn ra tại 15 tỉnh với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Chương trình sẽ sử dụng các hệ thống khám bệnh lưu động do Hội phát triển, hỗ trợ các tỉnh trong đợt bùng dịch thứ 4.

Theo Thạc sĩ, dược sĩ Nguyễn Hữu Tú, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, bên cạnh việc tiếp tục hỗ trợ y tế tuyến đầu trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch, các hoạt động của Hội trong thời gian tới sẽ tập trung nhiều hơn vào công tác chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19, đặc biệt liên quan tới khối đối tượng nguy cơ cao, có bệnh lý nền. Hội sẽ tiếp tục tổ chức các hội thảo với các chuyên đề hậu COVID và bệnh ung thư, đái tháo đường, tim mạch và sức khỏe tâm thần; đồng thời sẽ sớm ra mắt Sổ tay chăm sóc sức khỏe hậu COVID cũng như tổ chức nhiều chương trình khám bệnh miễn phí, chăm sóc sức khỏe hậu COVID cho nhân dân trong năm 2022.

PV/Báo Tin tức
Một triệu chứng kéo dài bao lâu thì được xem là di chứng hậu COVID-19?
Một triệu chứng kéo dài bao lâu thì được xem là di chứng hậu COVID-19?

Nhiều người sau khi khỏi bệnh COVID-19 thì xuất hiện các triệu chứng như ho kéo dài, tình trạng nặng thở, mệt mỏi, nhức mỏi toàn thân, nhức đầu và thậm chí là tâm trạng bị xuống dốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN