Nhu cầu bồi bổ hậu COVID-19
Chị Thu Thuỷ, ngụ tại đường Đội Cấn (Hà Nội) cho biết, nhờ có người quen nuôi yến nhà ở Nha Trang nên chị hay đặt mua. Để không mất thời gian nhặt lông, chị Thuỷ thường chọn loại yến tinh chế và mua luôn 1kg/lần chứ không mua lẻ để cả gia đình có thể bồi bổ sức khoẻ trong thời gian dịch COVID-19. Theo chị Thuỷ, do thời điểm đặt mua yến khi Hà Nội chưa là đỉnh dịch nên yến tinh chế lúc đó chỉ có khoảng 2,5 triệu đến 2,7 triệu đồng/lạng.
Không có nhiều tiền như những nhà khác, chị Trúc Diễm, ngụ tại phường Phước Long A (thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) lại chọn mua yến lọ. Chị Diễm cho biết: “Yến lọ cũng phải chọn đúng công ty có thương hiệu lâu đời chứ không dám mua những công ty khác vì chất lượng không bằng. Mặc dù yến lọ ít yến hơn so với ăn yến tổ nhưng là có yến, ngày nào cũng uống thì tôi tin sức khoẻ cũng sẽ mau chóng hồi phục sau khi cả nhà tôi bị F0”.
Còn chị Hải Phương, ngụ tại Chương Mỹ (Hà Nội) cho hay, gia đình sau khi bị F0 và khỏi bệnh, cả nhà lo hậu COVID-19 nên tìm mua yến. Tuy nhiên, thời điểm chị Phương mua yến giá đã tăng cao, từ 2,7 triệu đồng/lạng trong tháng 2 đã tăng lên 3,7 triệu đồng/lạng trong thời điểm hiện tại nhưng không có để mua.
“Tôi đã tham khảo giá nhiều nơi bán nhưng vì lo sợ mua không phải yến tốt và chất lượng, tiền mất mà tật mang thêm nên tôi quyết định chọn công ty uy tín để mua, chấp nhận giá cao gấp đôi so với thị trường là 4,6 triệu đồng/lạng”, chị Hải Phương cho biết.
Chị Hoàng Ngọc, chuyên cung cấp yến sào An Phú (ngụ tại Nha Trang, Khánh Hoà) thừa nhận, giá yến đã rục rịch tăng từ trong tháng 2 do nhu cầu người mua tăng cao, trong khi đó lượng yến nhà thu hoạch được có hạn. Vì thế, trong tháng 3 này, chị Ngọc buộc phải tăng giá yến. Theo thông báo tăng giá của chị Ngọc, từ ngày 12/3, giá yến đẹp là 4,7 triệu đồng/lạng, yến tinh chế rút lông là 3,9 triệu đồng/lạng, yến tinh chế sợi là 3,7 triệu đồng/lạng, chân yến tinh chế là 3,5 triệu đồng/lạng, yến vụn tinh chế là 3,3 triệu đồng/lạng, yến tươi là 3,6 triệu đồng/10 gói 70 gram (tương đương 700 gram), yến thô là 3 - 3,3 triệu đồng/lạng…
Anh Nguyễn Tú (ngụ tại Nha Trang), đại diện Công ty yến sào TF cũng cho biết, với loại yến nguyên chất, không trộn, không pha khi tinh chế giá sẽ tăng cao như trên. Nhưng với những yến trộn, yến pha thì giá sẽ mềm hơn, dao động từ vài trăm ngàn đồng đến gần 3 triệu đồng/lạng. “Người mua nếu ham rẻ chắc chắn sẽ bị mua nhầm”, anh Tú khẳng định.
Cách phân biệt yến đúng và yến pha
Chị Trúc Diễm cũng cho hay, ban đầu chị cũng rất phân vân khi mua yến vì trước đó rất lâu, chị được một đối tác tặng yến lọ nhưng uống vào rất nhám lưỡi, lợn cợn và không thơm ngon, ngọt gắt nên từ đó chị ấn tượng không tốt về yến. Rất may, một người bạn làm bên ngành yến giới thiệu thương hiệu uy tín và mời chị dùng thử, nhờ đó chị mới biết nếu đúng yến thật mùi vị sẽ khác và thơm ngon hơn.
Không may mắn được tặng yến như chị Diễm, chị Như Lan (ngụ tại quận Bình Thạnh) cho hay, đợt du lịch Thái Lan, chị được giới thiệu vào nơi bán yến, ở đó bán yến huyết rẻ hơn yến trắng và chỉ 7 triệu đồng/lạng. Ham rẻ và cũng tò mò liệu có phải đúng yến hay không, chị đã mua về dùng thử và phát hiện đó là yến giả được trộn với mũ trôm và phẩm màu, khi chưng lên không có mùi vị, ăn lợn cợn rất khó chịu.
Theo những người trong ngành yến, việc mua lầm yến giả, yến trộn, yến pha… rất nhiều. Tuy nhiên, những người nào chưa từng ăn yến thật sẽ khó phân biệt đâu là yến đúng và chất lượng, đâu là yến giả hoặc yến pha. Trong khi đó, giá yến thì đa dạng, mẫu mã cũng phong phú, người mua thì dựa vào tâm lý tổ đẹp, đầy, dầy là sẽ chọn mua. Thế nhưng, hãy cẩn trọng với những tổ yến đẹp.
Để phân biệt được yến thật và yến giả, yến pha, cách thông dụng và dễ dàng nhất để kiểm tra chính là bằng cách nếm thử. Chỉ cần lấy 1 sợi yến nhỏ rồi nếm thử, nếu thấy không quá ngọt, đồng thời cảm giác có vị tựa như lòng trắng trứng thì đó chính là yến thật.
Nếu yến có vị ngọt, đây là dấu hiệu cho thấy yến kém chất lượng vì yến này đã được trộn và ngâm đường để tăng độ nặng cũng như sự kết dính của tổ yến, làm cho tổ yến đẹp hơn và trắng hơn. Nhưng về lâu dài, tổ yến có thể bị nấm mốc sinh sôi, gây ảnh hưởng không tốt tới cơ thể nếu sử dụng trong thời gian dài.
Đối với yến thật, cho dù người dùng có để lâu ở ngoài không khí thì cũng không làm mất độ giòn của yến. Khi cầm lên sẽ cảm thấy yến rất dễ vỡ, không có độ dẻo. Chính vì vậy, yến thật khi tinh chế không pha, không ngâm đường khi sấy khô dễ vỡ vụn. Vì vậy, người bán thường ép nguyên một khối hoặc chia ra từng miếng và gói vào nilông để định hình dễ hơn. Ngoài ra, màu sắc của yến này cũng không trong, không trắng như yến trộn khác.
Còn với yến giả, do đã được trộn lẫn các phụ gia nên khi để lâu ngoài không khí sẽ thấy yến có độ dẻo, đồng thời rất khó bể và trông khá cứng, thậm chí còn có độ đàn hồi.
Một cách dễ dàng khác để kiểm tra tổ yến vẫn thường được mọi người sử dụng đó là ngâm tổ yến với nước sạch khoảng 30 phút. Nếu yến thật, những sợi yến sau khi nở vẫn giữ được màu sắc như ban đầu, không hề bị đổi màu, đặc biệt ngửi thấy mùi tanh đặc trưng của yến như lòng trắng trứng và hơi mốc nhẹ. Khi chưng yến, sợi yến cũng không tan ra và ăn có độ dai dai mềm mềm của sợi yến.
Với yến giả hoặc trộn, sau khi ngâm 30 phút, yến bị hòa tan cùng nước, đồng thời chuyển sang những màu lạ thường khác và tỏa ra mùi hôi lạ từ các chất phụ gia. Ngoài ra, chỉ cần 2 - 3 phút sau khi chưng, yến có thể bị tan hết hoặc sợi yến có thể bị nhão nếu làm từ tinh bột.
Ngoài ra, người dùng có thể dùng dung dịch iot để xác định tổ yến thật hay giả bằng cách đun sôi 1 ít tổ yến, sau đó nhỏ vào 1 vài giọt dung dịch iot. Nếu yến thật sẽ không có bất kì hiện tượng hay phản ứng nào xảy ra. Trái lại, nếu thấy hỗn hợp ngả sang màu xanh thì chính là yến kém chất lượng.
Hiện nay, tổ yến có rất nhiều màu sắc khác nhau, thế nhưng trên thị trường thì lại chủ yếu bày bán rộng rãi 3 loại. Yến huyết: mang màu đỏ đặc trưng, vì rất hiếm cho nên nó cũng có giá cao nhất trong 3 loại. Yến hồng: cũng thuộc 1 trong các loại tổ yến hiếm, đúng như tên gọi thì nó có màu hồng nhạt, đặc biệt còn có thể chuyển sang vàng hoặc cam tùy theo loại. Yến trắng: đây là loại yến thông dụng nhất và có màu trắng đục, có thể dễ dàng quan sát thấy các sợi yến đan xen với nhau.
Tuy nhiên, yến huyết và yến hồng thường chỉ có yến đảo mới có. Loại yến đảo thường được nhà nước quản lý nên dĩ nhiên, cũng chủ yếu được xuất khẩu hoặc bán tại Công ty Yến sào Khánh Hoà với giá vài chục triệu đồng/lạng.
Theo số liệu nghiên cứu của Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ Quốc gia, yến sào có 18 loại acid amin có hàm lượng cao như: Aspartic acid, Serine, Tyrosine, Phenylalanine, Valine, Arginine, Leucine. Một số loại acid amin không thể thay thế có hàm lượng rất cao như Threonine, Phenylalanine, Leucine, Valine, Isoleucine, Arginine, Methionine…. Đây là acid amin thiết yếu mà cơ thể người không tổng hợp được.
Thành phần đặc biệt trong yến sào là acid sialic chiếm đến 9%. Acid sialic liên kết với các gốc carbohydrate và acid amin tạo nên tính chất chức năng đặc biệt của yến sào, có tác dụng phục hồi nhanh khi cơ thể bị nhiễm xạ hay tổn thương, kích thích sinh trưởng hồng cầu. Ngoài ra, trong yến sào còn có các nguyên tố đa lượng, vi lượng rất phong phú, là các khoáng chất có ích và rất cần thiết cho hệ thần kinh, trí nhớ, hệ tiêu hóa giúp tăng cường miễn dịch cho cơ thể.