Các phương án tiếp cận mục tiêu được lựa chọn là đi theo tuyến đường 71 với phương tiện là xe cơ giới chở lực lượng công binh với mục tiêu mở đường vào vị trí cứu hộ; còn trên tuyến đường thủy thì đi từ Nhà máy thủy điện Hương Điền với 2 xuồng cao tốc. Phương án sử dụng thêm máy bay trực thăng để khảo sát và cứu hộ cũng đang được nghiên cứu.
Lực lượng chức năng đã huy động 7 xe đào múc, 2 xe ủi, 3 xe cứu thương cùng hàng trăm cán bộ chiến sĩ tham gia cứu hộ. Ban Chỉ đạo Sở chỉ huy tiền phương kiến nghị Chính phủ, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn hỗ trợ địa phương 1 xe cứu hộ đa năng, 1 xuồng cao tốc công suất 4.500 CV, máy phát có đèn pha 10 chiếc, 30 phao bè, 10 máy cắt thủy lực, 20 máy cưa cầm tay.
Dự kiến, chiều 13/10, Đoàn công tác của Trung ương do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng dẫn đầu, sẽ vào địa phương để chỉ đạo trực tiếp tại hiện trường.
Trước đó, khoảng 12 giờ ngày 12/10, người dân thông tin với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế về sự cố sạt lở đất tại khu vực Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, có khả năng ảnh hưởng đến các công nhân đang thi công; đề nghị tỉnh có biện pháp hỗ trợ. Do mưa lũ làm hỏng hệ thống liên lạc nên thông tin về vụ lở đất không được cập nhật liên tục. Ngay sau khi nhận được thông tin, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã điều động lực lượng, phương tiện hỗ trợ.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã chỉ đạo trực tiếp Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh điều động lực lượng chiến sỹ đặc công, ô tô, xe lội nước, ca nô, cuốc xẻng phối hợp với dân quân xã Phong Xuân tiếp cận hiện trường. Tuy nhiên, do đường lên nhà máy thủy điện có nhiều đèo dốc bị sạt lở nghiêm trọng, trời tối và mưa lớn nên lực lượng công binh, quân sự cơ động chưa vào được hiện trường.
Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 thuộc xã Phong Xuân, huyện Phong Điền có công suất lắp máy 11MW với tổng nguồn vốn đầu tư 290,8 tỷ đồng. Diện tích đất dự kiến sử dụng là 11,1 ha, trong đó diện tích khu vực lòng hồ là 8,8 ha, còn lại là khu vực nhà máy, tuyến áp lực, tuyến năng lượng và công trình phụ trợ.