Nhằm phát huy lợi thế cửa ngõ miền Tây Nam bộ, phục vụ chương trình đưa Nghị quyết của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân (gọi tắt là Tam nông) đi vào cuộc sống, tỉnh Tiền Giang đang dần hình thành trục kinh tế quan trọng với 3 trung tâm lớn gồm thị xã Gò Công, thành phố Mỹ Tho và thị xã Cai Lậy.
Đưa hàng Việt về nông thôn là những việc làm thiết thực của Tiền Giang phục vụ cho chương trình "Tam nông". Ảnh: Internet |
Xung quanh và trên trục chính đó là mạng lưới các chợ nông thôn, chợ đầu mối, hệ thống hạ tầng giao thông hoàn thiện, thúc đẩy phát triển thương mại nội địa mà chủ lực là buôn bán tiêu thụ nông sản. Nhờ đó, tỉnh có thể đưa hàng hóa chủ lực của tỉnh đến các thị trường lớn trong nước, ngoài nước, đồng thời cũng đưa hàng hóa thiết yếu, sản phẩm sản xuất tại Việt Nam và hàng hóa khác đến kịp thời hơn với người dân vùng sâu, vùng xa.
Tiền Giang hiện có nhiều chính sách ưu đãi đầu tư xây dựng chợ trên địa bàn, đặc biệt là chợ nông thôn. Đây là một trong những bước đi cụ thể trong nỗ lực phát triển mạnh mạng lưới bán buôn, bán lẻ thời kỳ “hậu gia nhập WTO” của tỉnh Tiền Giang, thiết thực đưa hàng Việt về nông thôn, giúp tiêu thụ tốt nguồn nông sản hàng hóa của nông dân các vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, đây là bước đi thể hiện vai trò ngày càng quan trọng của mạng lưới chợ nông thôn trong việc thúc đẩy thương mại nội địa phát triển xứng tầm, đóng góp vào công cuộc đổi mới đất nước nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng.
Việc đầu tư kiện toàn mạng lưới chợ nông thôn được tỉnh hết sức quan tâm, gắn liền với mục tiêu cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết “Tam nông”. Địa phương coi trọng huy động nhiều nguồn lực để xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các chợ nông thôn, như dành nhiều ưu đãi về tín dụng, đất đai, chính sách... cho các nhà đầu tư, nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng và kiện toàn mạng lưới chợ nông thôn.
Trong 7 tháng đầu năm 2011, tỉnh đầu tư gần 18 tỷ đồng, trong đó có 10,9 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa để xây dựng và đưa vào sử dụng hàng loạt ngôi chợ mới khang trang. Trong 5 chợ mới hoàn thành có hai chợ nông thôn được đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa: chợ Đạo Thạnh (Phường 10, thành phố Mỹ Tho) do Công ty Cổ phần Lợi Nhân làm chủ đầu tư với vốn khoảng 6,9 tỷ đồng và chợ An Cư (Cái Bè) do ông Nguyễn Quốc Tiến làm chủ đầu tư có vốn khoảng 4 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh cũng đang tiến hành các thủ tục để triển khai đầu tư tiếp các chợ và trung tâm thương mại khác trên địa bàn.
Thực tế, 80% lượng hàng hóa lưu thông tại khu vực nông thôn Tiền Giang chủ yếu qua mạng lưới các chợ dân sinh. Mạng lưới này giúp người tiêu dùng sử dụng các tiện ích của hệ thống phân phối hiện đại, hàng hóa phong phú, đồng thời tạo cơ hội cho hàng hóa chủ lực của tỉnh nhưchiếm lĩnh thị trường nội địa và xuất khẩu.
Trong Đề án Phát triển thương mại nông thôn đến năm 2020, tỉnh xác định cần ưu tiên đầu tư nâng cấp hệ thống chợ gắn với các chính sách khuyến khích phát triển thương mại nông thôn, phát triển những mô hình quản lý mới và hiệu quả, phù hợp. Trong đó, năm 2015, tỉnh phấn đấu có 10% số chợ chuyển giao hợp tác xã hoặc tư nhân quản lý khai thác hiệu quả và đến 2020 là 50% số chợ.
Cụ thể, toàn tỉnh có 19 chợ nông thôn chuyển sang mô hình công ty hoặc hợp tác xã quản lý, khai thác vào năm 2015 và đến năm 2020 lên 106 chợ, tăng trên 5 lần. Giai đoạn 2011 – 2015, Tiền Giang tập trung khoảng 701,6 tỷ đồng vốn đầu tư để mở rộng 31 ngôi chợ và xây mới 52 ngôi chợ tại các vùng nông thôn. Giai đoạn 2016 – 2020 huy động tiếp 375,1 tỷ đồng đầu tư cho mạng lưới chợ nông thôn, trong đó có mở rộng 10 chợ và xây dựng mới 34 chợ.
Đáng chú ý, từ khi Tiền Giang tập trung kiện toàn mạng lưới chợ nông thôn, thương mại nông thôn của tỉnh ngày một khởi sắc, không chỉ cơ bản đáp ứng được nhu cầu vật tư sản xuất, hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống mà còn thiết thực mở ra kênh quan trọng đưa hàng Việt về nông thôn, thúc đẩy kinh tế - xã hội nông thôn phát triển nhanh theo hướng CNH-HĐH. Vốn là vựa lúa gạo xuất khẩu của đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, tỉnh cũng dần định hình nền nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao.
Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh giai đoạn 2001 – 2005 tăng 11,84%, giai đoạn 2006 – 2009 vượt lên 18,67% trong đó riêng khu vực nông thôn giai đoạn 2001 – 2005 chỉ tăng bình quân ở mức 11,73% thì sang giai đoạn 2006 – 2009 tăng vọt lên 19,05%. Riêng từ đầu năm đến nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn tỉnh đạt trên 14.647 tỷ đồng, tăng 25,47% so với cùng kỳ năm 2010. Đó là dấu hiệu đáng mừng cho thấy hoạt động thương mại nội địa tại Tiền Giang đang khởi sắc, mở ra giai đoạn mới cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn./.
Minh Trí