Theo thang bảng đo chỉ số tia cực tím, từ 3-5 là trung bình, từ 6-7 là cao, từ 8-10 là rất cao, gây bỏng trong thời gian 25 phút và từ 11 trở lên là cực kỳ cao, rất nguy hiểm, nguy cơ làm tổn thương da, mắt bị bỏng nếu tiếp xúc ánh nắng mặt trời trong khoảng 15 phút nếu không được bảo vệ.
Cụ thể các tỉnh thuộc Bắc Bộ và Trung Bộ có chỉ số UV đều ở ngưỡng nguy cơ gây hại cao, các tỉnh thuộc Nam Bộ chỉ số UV ở ngưỡng nguy cơ gây hại cao đến rất cao như: Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ. Trong ba ngày tới (từ 14-16/1), chỉ số UV các khu vực Hạ Long (Quảng Ninh), Hải Phòng, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng có dao động nhẹ.
Hai ngày đầu, chỉ số này ở ngưỡng nguy cơ gây hại cao sau đó giảm xuống ở ngưỡng nguy cơ gây hại trung bình vào ngày thứ ba. Các khu vực Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Cà Mau, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, trong 3 ngày tới chỉ số UV đều ở ngưỡng nguy cơ gây hại cao.
Theo các chuyên gia, việc tiếp xúc quá lâu với tia cực tím sẽ gây tổn thương và có nguy cơ dẫn đến ung thư da, gây ra ức chế hệ thống miễn dịch. Việc cháy nắng có thể làm thay đổi sự phân bố và chức năng của các tế bào bạch cầu trong vòng 24 giờ sau khi tiếp xúc với ánh nắng. Nếu tình trạng này lặp đi lặp lại lâu dài sẽ gây hại nhiều hơn đến hệ thống miễn dịch của con người.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân cần phòng tránh tác hại của tia UV bằng cách mặc quần áo dài tay tối màu, có khả năng chống nắng, đội mũ rộng vành để che mặt, cổ và tai, đeo kính râm có tròng kính chống nắng để bảo vệ mắt, bổ sung hoa quả tươi giàu vitamin C, sử dụng kem chống nắng đều đặn mỗi khi ra ngoài, ngay cả khi trời nhiều mây.