Thảo luận những vấn đề quan trọng về 40 năm Đổi mới và tầm nhìn 2045 của Việt Nam

Ngày 21/3, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức Hội thảo "Việt Nam: 40 năm Đổi Mới và tầm nhìn 2045" với sự tham gia của 200 đại biểu.

Video GS. TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo:

Hội thảo là một phần quan trọng trong chuỗi nghiên cứu phục vụ việc tổng kết 40 năm đổi mới của Việt Nam mà Trung tâm Việt – Úc (VAC) hỗ trợ, nhằm phân tích và đưa ra khuyến nghị chính sách về các vấn đề phát triển quan trọng của đất nước, góp phần hiện thực hoá tầm nhìn phát triển của Việt Nam tới năm 2045. Các kết quả nghiên cứu dự kiến sẽ là đầu vào phục vụ cho việc xây dựng dự thảo báo cáo tổng kết 40 năm đổi mới và dự thảo các Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.  

Các tham luận tại Hội thảo Hội thảo tập trung vào 6 chủ đề được xác định là trọng tâm trong quá trình phát triển của Việt Nam, bao gồm: Các xu hướng lớn trên toàn cầu; Cải cách hệ thống quản trị công; Vượt bẫy thu nhập trung bình; Cải cách lĩnh vực tài chính ở Việt Nam; Đô thị hóa; Phát triển bền vững.  

Phần thảo luận với các học giả Australia từ Đại học Curtin, Đại học RMIT và Đại học Adelaide cùng các diễn giả đến từ Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tổ chức Oxfam tại Việt Nam... cũng rất được chú ý.

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định tầm quan trọng của chuỗi nghiên cứu phục vụ tổng kết 40 năm đổi mới của Việt Nam và việc hợp tác nghiên cứu khoa học giữa các chuyên gia Australia và Việt Nam. Điều này thể hiện sự tin cậy chính trị và cam kết chia sẻ tri thức giữa hai quốc gia.  

GS. TS Nguyễn Xuân Thắng đánh giá cao hội thảo đã xác định và tập trung trao đổi, thảo luận xoay quanh 6 chủ đề quan trọng. Trong đó có những vấn đề phức tạp, khó dự báo trong sự biến động bất ổn của tình hình quốc tế; những vấn đề lớn, dài hạn như phát triển bền vững; những vấn đề “nóng” như cải cách hệ thống quản trị công và hệ thống tài chính; những vấn đề có thể mang tính đột phá như vấn đề đô thị hóa chuyển đổi số; gắn liền với 6 nghiên cứu góp phần phục vụ việc tổng kết 40 năm đổi mới của Việt Nam.  

Chú thích ảnh
Đại biểu trong nước và quốc tế trao đổi bên lề hội thảo. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Theo GS. TS Nguyễn Xuân Thắng: Trải qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; cùng với tư duy tiếp cận cách làm sáng tạo nổi bật, riêng có của Việt Nam, do người Việt Nam thực hiện; Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, như lời của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Từ một nước nông nghiệp, lạc hậu, nghèo nàn, quy mô nền kinh tế nhỏ bé, với GDP chỉ 26,3 tỷ USD trong những năm đầu đổi mới, Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008; quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD, đứng thứ 35 trong top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới… Vào năm 2023, GDP bình quân đầu ngườ iddajt mức 4.300 USD, tăng gần 58 lần so với những năm đầu đổi mới…  

Từ một nền kinh tế đóng cửa, khép kín, Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 toàn cầu. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 700 tỷ USD; thu hút đầu tư nước ngoài đạt 23 tỷ USD, là mức cao nhất từ trước đến nay, ngay cả các thị trường lớn bị thu hẹp và chuỗi cung cứng toàn cầu còn nhiều đứt gãy…

GS. TS Nguyễn Xuân Thắng mong muốn các chuyên gia chia sẻ những kinh nghiệm sinh động, phong phú của thế giới, nhất là kinh nghiệm các quốc gia có trình độ tương đồng, gần với thực tiễn Việt Nam, giúp Việt Nam nhanh chóng tìm ra những giải pháp khả thi để giải quyết những khó khăn, thách thức, những hạn chế, bất cập trong tiến trình đổi mới, hội nhập và phát triển.

 Đại sứ Australia tại Việt Nam, ngài Andrew Goledzinowski, chia sẻ: “Chúng tôi đang nỗ lực hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa tầm nhìn 2045. Mối quan hệ của hai quốc gia chưa bao giờ bền chặt như thời điểm này và chúng ta sẽ tiếp tục hợp tác trong các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm, dựa trên niềm tin như đã nêu trong tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ Australia và Việt Nam lên Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện”.  

Trung tâm Việt - Úc (VAC) là một sáng kiến chung giữa Autralia và Việt Nam nhằm hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực của các cán bộ lãnh đạo, quản lý và tăng cường sự hợp tác giữa hai nước trong việc giải quyết các vấn đề và thách thức chung của khu vực. Các đối tác thành lập của Trung tâm gồm: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ và Ban Đối ngoại Trung ương Đảng. Kể từ năm 2022, Trung tâm Việt - Úc đã hỗ trợ hơn 3.000 cán bộ lãnh đạo, quản lý của Việt Nam tham gia nhiều hoạt động phát triển chuyên môn và trao đổi tri thức.

Lê Vân/Báo Tin tức
Lý luận và thực tiễn qua 40 năm đổi mới, những vấn đề đặt ra trong giai đoạn mới
Lý luận và thực tiễn qua 40 năm đổi mới, những vấn đề đặt ra trong giai đoạn mới

Sáng 24/11, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Lý luận và thực tiễn qua 40 năm đổi mới và những vấn đề đặt ra trong giai đoạn mới", có sự tham dự đông đảo của các chuyên gia, nhà khoa học.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN