Cảnh ngập úng trên đường Nguyễn Hữu Cảnh sau hai trận mưa lớn chiều 7/5/2018. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN |
Với việc nhiều công trình chống ngập nước chậm tiến độ, mùa mưa năm 2018 tình trạng ngập nước sẽ tiếp tục xảy ra ở nhiều nơi trên địa bàn thành phố.
Theo nhận định của đại diện các sở, ngành liên quan, công tác xử lý các trường hợp lấn chiếm hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố vẫn còn tương đối chậm, làm tăng áp lực thoát nước lên hệ thống thoát nước vốn chưa đáp ứng nhu cầu thoát nước của toàn thành phố. Hiện trên địa bàn thành phố còn 22 vị trí ảnh hưởng nặng nề trước mưa lớn do thi công dự án, 62 vị trí kênh rạch bị lấn chiếm, 84 tuyến cống bị lấn chiếm, 76 vị trí lấn chiếm hầm ga và 50 vị trí lấn chiếm cửa xả. Điều này sẽ làm cho tình trạng ngập nước trong mùa mưa trở nên trầm trọng hơn.
Bên cạnh đó, các dự án chống ngập thực hiện chậm tiến độ cũng góp phần làm gia tăng tình trạng ngập nước trong mùa mưa. Dự án xây dựng cầu Tân Kỳ - Tân Quý (quận Tân Phú) nhằm thay thế cầu cũ nhưng vì nhiều lý do cầu mới vẫn chưa hoàn thành. Dự án này chậm tiến độ đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc thoát nước quanh khu vực mỗi khi mưa lớn. Tương tự, dự án cải tạo, nâng cấp tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát kéo dài nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa xong việc giải phóng mặt bằng. Dự án này có tổng nguồn vốn lên tới 8.000 tỷ đồng, giải quyết ngập úng nhiều tuyến đường tại khu vực Quận 12, Tân Phú, Gò Vấp…
Ngoài ra, dự án "Giải quyết ngập do triều khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu" (giai đoạn 1) với tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng nhằm giải quyết tình trạng ngập do triều cường cũng đã tạm ngừng thi công do kinh phí. Theo kế hoạch, dự án hoàn thành trong năm 2018 nhưng việc ngừng thi công sẽ góp phần làm cho tình trạng ngập nước trong mùa mưa càng trở nên nghiêm trọng ở các khu vực trũng thấp.
Theo Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước Thành phố Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 40 tuyến đường bị ngập nước, trong đó có 14 tuyến đường thường xuyên bị ngập khi mưa lớn và có nhiều khu vực bị ngập do triều cường, trong đó có đường Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn, Lê Văn Lương (Quận 7), đường Trần Não (Quận 2), đường Trần Văn Giàu (quận Bình Tân), Quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh). Nếu có mưa lớn kết hợp với triều cường, tình trạng ngập nước sẽ diễn ra phức tạp và nghiêm trọng.
Siêu máy bơm đang được Tập đoàn Quang Trung lắp đặt tại những khu vực chống ngập dọc sông Sài Gòn. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN |
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Lê Huy Bá, để giải quết vấn đề ngập nước theo hướng lâu dài, Thành phố Hồ Chí Minh cần tích cực quy hoạch và xây dựng những hồ điều tiết nước tự nhiên tại chỗ và ở khu vực gần nội đô để chứa nước khi nước triều dâng cao cũng như xây dựng các hồ điều tiết ở ngoại ô để chứa nước trong mùa mưa, sử dụng cho tưới tiêu trong mùa khô. Đồng thời thành phố cần tiếp tục xây dựng hệ thống cống ngăn triều ở các kênh thoát nước chưa có hệ thống cống ngăn triều nhằm đảm bảo giảm ngập bền vững trên địa bàn thành phố.
Nhằm giải quyết tình trạng ngập nước trong mùa mưa 2018, Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành duy tu, sửa chữa, nạo vét hệ thống thoát nước có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các vị trí thường xuyên bị ngập, đến nay đã nạo vét được hơn 300 km lòng cống thoát nước, duy tu nạo vét 10 tuyến kênh, rạch và cửa xả, sửa chữa 886 hầm ga, thay 368 cống bị xuống cấp. Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh đang nghiên cứu thực hiện kế hoạch ký kết hợp đồng thuê dịch vụ vận hành máy bơm có công suất từ 27.000 m3/giờ đến 96.000 m3/giờ của Công ty Quang Trung để giải quyết vấn đề ngập nước do mưa tại đường Nguyễn Hữu Cảnh.