Thâm canh để hạn chế thoái hóa đất

Tỉnh Đắk Lắk, Điện Biên đã hướng dẫn bà con nông dân các dân tộc thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật, áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh, nhằm hạn chế tình trạng thoái hóa, bạc màu đất.

Chú thích ảnh
Chuyển đổi cây công nghiệp không phù hợp với vùng đất sang trồng sắn. Ảnh: Tuấn Anh

 Đắk Lắk: Chuyển đổi sang trồng sắn

Thực tế trong nhiều năm qua, sắn là cây trồng dễ tính, thích nghi trên nhiều vùng đất ở tỉnh Đắk Lắk, vốn đầu tư ít, nhưng cho thu nhập khá,  nên thu hút nhiều đồng bào các dân tộc thiểu số mở rộng diện tích trồng cây sắn. Tuy nhiên, phần lớn đồng bào chủ yếu trồng sắn theo hình thức quảng canh, độc canh, không chú trọng đến chế độ đầu tư phân bón… nên càng làm cho đất ngày càng nghèo dinh dưỡng, bạc màu, thoái hóa, năng suất sắn thấp dần.

Cụ thể, huyện M’Đ’rắk, một trong những địa phương có diện tích lớn cây sắn (hơn 5.000 ha), nhiều vùng đồng bào các dân tộc chỉ độc canh cây sắn liên tục trong nhiều năm liền nên năng suất cây sắn từ chỗ 25- 30 tấn/ha nay chỉ còn 10 tấn củ/ha. 

Để từng bước khắc phục tình trạng này, những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp các địa phương tăng cường hướng dẫn bà con hạn chế mở rộng diện tích cây sắn, nhất là nghiêm cấm phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép để trồng sắn, không được chuyển diện tích đất đỏ bazan sang trồng cây sắn. Tỉnh cũng tiến hành quy hoạch các vùng đất không thích hợp với các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su, hồ tiêu… để chuyển sang trồng cây sắn.

Trên diện tích đất trồng sắn, ngành nông nghiệp tỉnh tổ chức hướng dẫn bà con kỹ thuật cày xới đất, bón lót phân chuồng ủ hoai mục, sử dụng các giống sắn mới như KM 419, KM 444, KM 140, KM 98-5, KM 98-7…vào trồng đại trà thay cho các giống sắn cũ đã thoái hóa, nhiễm bệnh, đồng thời, bón thúc phân NPK cân đối, hợp lý, phòng trừ sâu bệnh, tránh tình trạng trồng chay gây hại cho đất.

Nhiều địa phương của các huyện Krông Pắk, Ea H’leo, Krông Năng còn hướng dẫn đồng bào trồng xen cây lạc, đậu nành trong diện tích cây sắn để không những tăng thêm thu nhập trên từng đơn vị diện tích mà còn giúp chống xói mòn, bạc màu đất trồng sắn.

Cải tạo đất, giảm thoái hóa, nâng giá trị sử dụng

Điện Biên có độc dốc cao, khí hậu khắc nghiệt, nắng hạn và mưa lũ… Cùng với đó là việc chặt phá rừng làm nương của người dân. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến đất ngày càng bị thoái hóa. Để giảm thiểu được tình trạng thoái hóa đất Điện Biên đã đề ra một số giải pháp khắc phục tình trạng trên.

Theo đánh giá của  tỉnh Điện Biên, nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng thoái hóa đất là do tác động của tự nhiên. Bên cạnh đó còn có các hoạt động của con người trong quá trình sử dụng, canh tác đát chưa hợp lý, sản xuất công nghiệp, giao thông, xây dựng cơ bản... gây suy giảm độ phì nhiêu và xói mòn đất. Trong các nguyên nhân đó, có nguyên nhân chính làm đất bị thoái hóa nhanh hơn cả, đó là tình trạng đồng bào các dân tộc thiểu số phá rừng làm nương. Mất rừng, mất cân bằng sinh thái, mất độ che phủ rừng, đất mất độ ẩm. Cùng với đó, mưa lũ cuốn trôi các lớp mùn tơi xốp, làm trai đất dẫn đến hoang hóa đất trồng dần dần dẫn đến tình trạng thoái hóa đất. 

Theo kết quả điều tra, rà soát thoái hóa đất kỳ đầu tỉnh Điện Biên năm 2015, tổng diện tích đất được rà soát khoảng 930.000 ha. Trong đó, gần 350.000ha đất bị thoái hóa nặng, tập trung chủ yếu ở các huyện: Mường Chà, Điện Biên Đông, Nậm Pồ và Nậm Pồ (có độ dốc cao, liên kết đất yếu và tỷ lệ che phủ rừng thấp). Những diện tích bị thoái hóa nặng này đều có chung biểu hiện bị xói mòn, rửa trôi, kết vón và suy giảm độ phì nhiêu. Ngoài ra, diện tích đất nông nghiệp bị thoái hóa cũng được xác định chiếm khoảng 87% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của toàn tỉnh.

Đại diện UBND tỉnh Điện Biên, cho biết: Để giảm thiểu tình trạng này, tỉnh Điện Biên tập trung thực hiện 6 nhóm giải pháp, trong đó chủ yếu là trồng rừng tăng độ che phủ rừng để giữ độ ẩm cho đất; phân vùng sản xuất, bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý, nhằm giảm thiểu thoái hóa đất.

Các huyện, thị, thành phố thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Bên cạnh đó, chú trọng công tác khuyến nông, khuyến lâm giúp người dân tiếp cận các kỹ thuật mới về phân bón, bảo vệ đất, áp dụng các biện pháp tổng hợp để đầu tư thâm canh, sử dụng đất theo chiều sâu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bố trí mùa vụ thích hợp, tránh thiên tai nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao, hạn chế quá trình thoái hóa đất và cải thiện độ phì của đất.

Đồng thời, khuyến khích người dân khai hoang, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, đẩy nhanh tiến độ trồng rừng. Đưa đất chưa sử dụng vào trồng rừng và khoanh nuôi, bảo vệ phục hồi rừng.

Đối với đất phi nông nghiệp, cần phát triển công nghiệp, đô thị, du lịch và cho các mục đích khác với tiêu chí tận dụng tối đa lợi thế theo khu vực đặc thù, hạn chế mức thấp nhất khai thác từ đất không bị thoái hóa, tập trung khai thác những vùng đất bị thoái hóa nặng; đảm bảo phát triển một số ngành hỗ trợ cho sản xuất nông lâm nghiệp.

Phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ đa mục tiêu, bảo vệ tài nguyên đất và nước, chú trọng xây dựng hoàn chỉnh hệ thống tưới, tiêu chủ động.

Đối với đất chưa sử dụng, nên đưa vào khai thác sử dụng theo hướng phù hợp với điều kiện trồng, khoanh nuôi, tái sinh rừng; phục hồi rừng phòng hộ, hoặc sản xuất phù hợp với sản xuất nông nghiệp: ưu tiên khai thác theo mô hình nông lâm kết hợp hoặc cây hàng năm, cây lâu năm kết hợp đảm bảo khai thác hiệu quả kinh tế từ đất nhưng vẫn phục hồi và bảo vệ đất..

 

Báo Tin tức/TTXVN
Tiền Giang áp dụng khoa học công nghệ thâm canh rau màu vụ Đông Xuân
Tiền Giang áp dụng khoa học công nghệ thâm canh rau màu vụ Đông Xuân

Hiện nay, nông dân Tiền Giang đang khẩn trương xuống giống vụ rau màu Đông Xuân đáp ứng nhu cầu thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN