Tây Ninh: Vẫn còn khoảng 30% công chức 'sáng cắp ô đi, chiều cắp về'

Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Tây Ninh, Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, qua khảo sát đánh giá của khối hành chính nhà nước tại Tây Ninh, có 47,72% công chức của các sở, ngành và 36% ở cấp huyện có khối lượng công việc ít hơn mức bình quân. Điều này thể hiện trong bộ máy nhà nước có khoảng 30% công chức đi làm theo hình thức “sáng cắp ô đi, chiều cắp về”.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Ngọc Diệp/dantri.com.vn

Khảo sát cũng cho thấy, có công chức một tuần làm việc chỉ thực hiện có 3 công việc và công việc là đơn giản. Một số công chức một tuần làm 5 việc và cho rằng có áp lực công việc lớn. Có những công chức một tuần làm trên 20 việc và mức độ khó là trên 10 việc. "Như vậy công chức làm tốt thì càng bị giao việc, công việc thì ngày càng tăng; công chức không làm được việc thì được giao ít việc, từ đó càng làm tăng lên áp lực cho công chức còn lại, đây là gánh nặng của bộ máy", Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Tây Ninh, Nguyễn Thị Thu Hiền nhấn mạnh.

Để củng cố nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực công, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, cải thiện tính năng động, trách nhiệm của chính quyền các cấp, Sở Nội vụ tỉnh đề ra nhiều giải pháp như: Nâng cao vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong việc quản lý, sử dụng, tạo nguồn, đánh giá cán bộ công chức, viên chức; rà soát kiện toàn sắp xếp lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức bảo đảm bố trí đúng người, đúng việc và sử dụng đúng từng vị trí năng lực.

Tỉnh đề xuất xây dựng bản mô tả công việc cụ thể với từng vị trí để tuyển dụng người tài và xây dựng chương trình kế hoạch công tác cụ thể, phù hợp, tối ưu hiệu suất làm việc, có phân công đánh giá rõ ràng, phân công rõ trách nhiệm và nhiệm vụ theo nguyên tắc rõ người, rõ việc, rõ thời gian và rõ kết quả; minh bạch khách quan trong đánh giá cán bộ để sắp xếp bố trí cán bộ đúng với trình độ năng lực, nâng cao hiệu quả giải quyết công việc; kiên quyết thay thế, điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ sợ rủi ro, sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy công việc gây trì trệ ách tắc công việc.

Ngoài đề xuất tham mưu bố trí cán bộ trẻ về xã, phường, thị trấn để rèn luyện thử thách, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn để trưởng thành, tỉnh tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ công chức, nhất là cán bộ trực tiếp làm công tác tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính; xây dựng văn hóa công vụ trong giao tiếp “văn hóa xin lỗi”, chuyển từ hành chính sang chế độ phục vụ và định kỳ chuyển đổi vị trí công tác giữa các khâu trong quá trình xử lý công việc để hạn chế tiêu cực. Cụ thể, kết quả điều tra xã hội học về chỉ số hài lòng của người dân ở Tây Ninh hiện nay có 16,35% người dân phản ánh số công chức còn có biểu hiện nhũng nhiễu và tiêu cực.

Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Tây Ninh, Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, theo khảo sát nhóm tư vấn về đánh giá năng lực của đội ngũ cán bộ kinh tế, đầu tư, tài nguyên môi trường nhóm chuyên môn kỹ thuật cấp cao của tỉnh chỉ có trên 5%, do đó cần tập trung đào tạo về chuyên môn sâu hơn. Hiện, tỉnh đã phối hợp với Trường Đại học Nông Lâm chuẩn bị mở một lớp đào tạo thạc sĩ chất lượng cao về các chuyên ngành nông nghiệp; đã chọn cử được 8 công chức, viên chức, lãnh đạo quản lý tham gia lớp điều hành cao cấp chính sách công liên kết vùng, do Trường Đại học Kinh tế đào tạo cho 6 tỉnh miền Đông Nam Bộ, nhằm tạo ra nguồn nhân lực hoạch định được chính sách cho cả vùng.

Từ nay đến năm 2030, Tây Ninh tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trên các ngành, lĩnh vực còn thiếu nhân sự, với cơ chế riêng của tỉnh như: Thu hút giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa cấp I, bác sĩ chuyên khoa cấp II về công tác và được hỗ trợ tiền mặt từ 100 triệu đồng đến 600 triệu đồng; mời chuyên gia có uy tín, kinh nghiệm chuyên môn sâu hỗ trợ, tư vấn cho địa phương trong một số lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch, tài nguyên-môi trường, nông nghiệp.

Đồng thời, địa phương hoàn thành nhập dữ liệu, kết nối, chia sẻ dữ liệu đồng bộ với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức. Đã có 100% cơ quan, đơn vị với 20.950 hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện đồng bộ với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức. Tây Ninh là một trong 5 tỉnh, thành phố trên cả nước hoàn thiện sớm việc nhập dữ liệu, kết nối, chia sẻ dữ liệu đồng bộ với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức.

Thanh Tân (TTXVN)
Đề nghị đẩy nhanh cải cách chế độ tiền lương cho đội ngũ cán bộ, công chức
Đề nghị đẩy nhanh cải cách chế độ tiền lương cho đội ngũ cán bộ, công chức

Sáng 7/9, Công đoàn Viên chức Việt Nam tổ chức Hội nghị xin ý kiến tham gia vào văn kiện Đại hội Công đoàn Viên chức Việt Nam thứ VI, văn kiện Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN