Theo đó, nghiêm cấm vận chuyển, buôn bán giết mổ, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, kể cả hình thức cho, tặng gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới.
Đồng thời, tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến từng cư dân biên giới, chính quyền cấp xã, cấp huyện và các tổ chức đoàn thể tại khu vực biên giới về sự nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm, các dấu hiệu nhận biết gia cầm nghi mắc bệnh cúm; hướng dẫn, tổ chức giám sát cụ thể về các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm một cách có hiệu quả. Đặc biệt, cần tuyên truyền để nhân dân giám sát phát hiện, đấu tranh, không tiếp tay cho các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu vào trong nước tiêu thụ.
Bên cạnh đó, vận động người chăn nuôi chỉ mua giống gia cầm từ các cơ sở có uy tín trong nước, có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch thú y; tuyên truyền cho người tiêu dùng chỉ mua gia cầm, sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm soát thú y để sử dụng làm thực phẩm.
Phun thuốc khử trùng tiêu độc tại khu dân cư. Ảnh: Thu Hoài/TTXVN |
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp để tổ chức triển khai phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng như Công an, Hải quan, y tế… nhằm ứng phó kịp thời khi có dịch cúm gia cầm xảy ra, không để dịch lây lan sang người.
Đồng thời, triển khai các hoạt động giám sát lưu hành, phát hiện kịp thời sự xâm nhiễm của chủng vi rút A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm khác trên đàn gia cầm trong nước, gia cầm nhập lậu qua biên giới để làm cơ sở phòng, chống dịch; tổ chức lấy mẫu gia cầm sống để giết mổ, thịt gia cầm nhập lậu qua biên giới để xét nghiệm các chỉ tiêu vệ sinh an toàn thực phẩm, nhằm cảnh báo cho người tiêu dùng về nguy hiểm, tác hại của gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới…
Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, trong tháng 1/2017, tại Trung Quốc đã ghi nhận 109 trường hợp bị nhiễm vi rút cúm gia cầm A/H7N9 và từ cuối tháng 2/2013 (phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm vi rút cúm A/H7N9) cho đến nay đã có 1.174 người bị nhiễm vi rút cúm gia cầm A/H7N9; trong đó, có 417 ca tử vong.
Theo thông báo của Tổ chức Nông nghiệp – Lương thực – Liên Hiệp quốc, kết quả giám sát trong tháng 1/2017 do Bộ Nông nghiệp Trung Quốc công bố: có 26 mẫu gia cầm và môi trường dương tính với vi rút cúm gia cầm A/H7N9, có 33 mẫu huyết thanh gia cầm dương tính với cúm gia cầm H7.
Theo thông báo của Tổ chức Thú y thế giới, trong tháng 1/2017 đã xảy ra nhiều ổ dịch cúm gia cầm động lực cao như cúm gia cầm A/H5N2, A/H5N8, A/H5N6 tại Trung Quốc.
Như vậy, nguy cơ vi rút cúm gia cầm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm động lực cao khác chưa có ở Việt Nam có nguy cơ xâm nhiễm vào nước ta là rất cao, thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác có tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu.