Video tái diễn tình trạng vứt rác thải "cồng kềnh", khó xử lý ra môi trường:
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay nhu cầu xử lý rác thải cồng kềnh như: Giường tủ, sopha, bàn ghế, đệm mút cũ hỏng hay phế thải xây dựng... của các hộ gia đình mỗi khi sửa sang, xây mới lại nhà cửa hoặc mua sắm đồ mới khá lớn. Tuy nhiên, việc vứt bỏ đồ cũ hỏng không dễ.
Chị Cao Thùy Anh, ở Thượng Thanh, quận Long Biên chia sẻ, một lần nhà có tủ đồ bị hỏng, muốn vứt bỏ, nhưng khi gọi điện đến đường dây nóng các đơn vị thu gom rác của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco) hoặc không có ai nhấc máy hoặc có người nhấc máy nhưng không nhận thu gom, vận chuyển. Cực chẳng đã, gia đình đã phải phá tủ, chia nhỏ để vứt dần chung với rác thải sinh hoạt hàng ngày...
Nhiều trường hợp các hộ gia đình khác khi muốn vứt bỏ đồ dùng cồng kềnh, không có cách nào khác là thuê luôn những người buôn bán ve chai, đồng nát, hoặc thuê lao động khuân vác, lái xe 3 bánh thương binh đi vứt hộ, với giá thuê từ 200.000 - 500.000 đồng tùy loại. Chỉ cần rác thải cồng kềnh được "tiễn" ra khỏi nhà, nhiều gia đình không quan tâm chúng đi đâu, về đâu và những người được thuê vứt đổ trộm chỗ nào chỉ có "trời mới biết"... Đây là lý do hàng loạt bãi rác thải cồng kềnh không đúng quy định mọc lên như nấm bất cứ đâu trên đường phố Hà Nội, chất đầy rác khó xử lý "hết đát".
Đáng quan ngại là tình trạng này tái diễn hàng ngày, lực lượng công nhân môi trường đô thị vừa vất vả thu gom, xử lý xong các bãi rác thải cồng kềnh tồn đọng từ đêm hôm trước đến sáng sớm hôm sau, ngay lập tức tại vị trí cũ sau 1 đêm lại bừa bãi các loại rác thải cồng kềnh khác, thậm chí, các loại rác thải này còn được nhiều người coi thường pháp luật, đổ trộm ngay trước biển cấm, có camera giám sát... Hành vi này không chỉ đáng lên án vì sự thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh đô thị, mà còn gây bức xúc dư luận, cần được xử lý nghiêm để răn đe.
Những hình ảnh phóng viên ghi nhận các điểm tập kết rác thải cồng kềnh ngoài tuyến đường Bưởi, đường ven sông Tô Lịch dưới chân đường Vành đai 2 (quận Cầu Giấy), còn hàng loạt các điểm tập kết khác không đếm xuể như: Vỉa hè phố Trần Nhật Duật, Nguyễn Hữu Huân (quận Hoàn Kiếm), gầm cầu đường sắt Cát Linh - Hà Đông trên phố Hoàng Cầu (quận Đống Đa), vỉa hè phố Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình), đường Yên Phụ (quận Tây Hồ)...
Người tham gia giao thông qua các tuyến này không khỏi bức xúc trước cảnh nhếch nhác, gây mất mỹ quan đô thị và cho rằng, các cơ quan chức năng cần tăng cường lắp đặt các camera giám sát tại các điểm tập kết rác thải trên đường phố, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm để răn đe, nhất là trong bối cảnh rác thải gây ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, ngành Tài nguyên và Môi trường vận động toàn dân tự giác nâng cao ý thức phân loại rác thải tại nguồn.
Thực tế, hàng ngày TP Hà Nội phát sinh khối lượng lớn rác thải cồng kềnh, khó thu gom vận chuyển, cuốn ép, chôn lấp, phân hủy theo quy định... Tuy nhiên, thay vì được phân loại, xử lý riêng, những loại rác thải này được xử lý lẫn với rác thải sinh hoạt hoặc xử lý bằng phương pháp thủ công, gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống. Nhiều trường hợp, do không được thu gom, xử lý ngay, nên các loại rác thải cồng kềnh tồn đọng trên đường phố từ ngày này sang ngày khác, gây mất vệ sinh môi trường.
Qua tìm hiểu, hiện nay, TP Hà Nội đã ban hành định mức, đơn giá xử lý rác thải y tế, rác thải sinh hoạt… nhưng chưa có định mức, đơn giá xử lý rác thải cồng kềnh, khiến công tác thu gom, xử lý của các đơn vị duy trì vệ sinh môi trường các quận, huyện của Hà Nội gặp nhiều khó khăn. Theo đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco), do chưa có đơn giá, nên đối với lượng rác thải cồng kềnh phát sinh, đơn vị sẽ dùng xe tải nhỏ thu gom, nghiền nhỏ và chuyển lên bãi rác Nam Sơn để chôn lấp cùng với rác thải sinh hoạt.
TP Hà Nội hiện có 26 đơn vị thu gom, xử lý rác thải. Trong đó, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) phụ trách duy trì đảm bảo vệ sinh môi trường của 7/30 quận, huyện, gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Nam Từ Liêm, Thanh Oai, Mỹ Đức. Trong quá trình thu gom, nhân viên môi trường đã tuyên truyền, vận động người dân bỏ rác đúng giờ, đúng quy định. Song, ý thức của không ít người dân hạn chế và đáng lên án.
Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái, việc xây dựng đơn giá thu gom, xử lý rác thải cồng kềnh đang được Sở Xây dựng thực hiện, khi hoàn thiện, việc quản lý sẽ được Sở Xây dựng bàn giao Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai trong năm 2023. Song, để cải tiến hay hoàn thiện quy trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt cần có giải pháp tổng thể từ chính sách pháp luật, quản lý tổng hợp đến giải pháp kỹ thuật, công nghệ.
Nghị định 55/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Hành vi vứt rác bừa bãi nơi công cộng sẽ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 500.000 - 4.000.000 đồng, tùy mức độ vi phạm nặng nhẹ mà hình phạt sẽ được áp dụng tương ứng.
Rác thải không phân loại, rác thải cồng kềnh vứt bừa bãi trên đường phố Hà Nội hiện nay là chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" và sẽ không có hồi kết, nếu ý thức tự giác quản lý rác thải tại nguồn của người dân không được nâng cao. Bài toán sẽ có lời giải, khi có sự chung tay của người dân, đơn vị thu gom xử lý rác thải và cơ quan quản lý.