Video Nhếch nhác rác thải, lấn chiếm hành lang đường sắt trước ga Giáp Bát:
Một trong những vấn đề "nhức nhối" tồn tại nhiều năm nay trên tuyến đường sắt Bắc Nam là vấn nạn vi phạm hành lang an toàn giao thông. Mặc dù các ngành chức năng đã tích cực xử lý, nhưng tình trạng này vẫn tái diễn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn chạy tàu.
Trên đoạn đường sắt qua Hà Nội chỉ dài khoảng 2 km từ ngã tư đường Trường Chinh - Giải Phóng đến ngã ba phố Định Công - Giải Phóng, trước khi vào ga Giáp Bát, tình trạng vi phạm hành lang an toàn của không ít hộ dân, hộ kinh doanh tại đây đang diễn ra ngang nhiên, đặt ra yêu cầu với các cấp chính quyền địa phương, lực lượng chức năng và ngành Đường sắt sớm có các biện pháp giải tỏa, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật để răn đe, hạn chế tai nạn không đáng có.
Lâu nay, nhiều hộ dân sinh sống gần hành lang an toàn đường sắt trên địa bàn Hà Nội nói chung, khu vực này nói riêng, cuộc sống, mưu sinh đã gắn liền với đường ray đường sắt. Mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, buôn bán, đi lại trên đường ray trong khu vực hành lang an toàn đường sắt diễn ra hàng ngày, bất chấp mọi nguy hiểm. Khu vực này đã thành nơi sản xuất kinh doanh, buôn bán, chứa vật liệu xây dựng, phế thải, thậm chí trồng rau, hoa màu, làm nơi sinh hoạt hộ gia đình... vô tội vạ. Chưa kể, có hàng chục lối mở tự phát chủ yếu do các hộ dân sinh sống dọc tuyến đường sắt tự mở để tiện di chuyển tắt ra đường bộ, không phải đi ra đường gom, đường ngang có cảnh báo, gác chắn của ngành Đường sắt.
Theo quy định tại Nghị định 56/CP, Hành lang an toàn giao thông đường sắt là phạm vi được xác định bởi khoảng không, vùng đất, vùng nước xung quanh liền kề với phạm vi bảo vệ công trình đường sắt để bảo đảm an toàn giao thông đường sắt, phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết và bảo đảm tầm nhìn cho người tham gia giao thông.
Cũng theo quy định này, phạm vi bảo vệ hai bên hành lang đường sắt theo phương ngang đối với đường sắt xác định khoảng cách an toàn 5 mét tính từ chân nền đường sắt đi ngoài đô thị và khoảng cách 3 m tính từ chân nền đường sắt đi trong đô thị có công trình phòng hộ.
Điều này đã khiến nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra liên quan đến việc vi phạm hành lang an toàn đường sắt và trở thành nỗi ám ảnh với lái tàu mỗi khi qua khu vực dân cư.
Theo rà soát của Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ GTVT), có tới 70% số vụ tai nạn đường sắt xảy ra hiện nay tại các vị trí lối mở qua đường sắt, trong đó đáng quan ngại là các vi phạm hành lang an toàn đường sắt làm che khuất tầm nhìn lái tàu. Thực tế, đường sắt ít xảy ra tai nạn giao thông, nhưng mỗi khi tai nạn xảy ra đều để lại hậu quả nghiêm trọng. Do đó, để ngăn chặn tai nạn, vi phạm hành lang an toàn đường sắt, công tác phối hợp giữa ngành Đường sắt, Sở GTVT và các cấp chính quyền cơ sở, nhằm tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn giao thông dọc tuyến đường sắt hiện nay là vấn đề cấp thiết.
Theo ông Nguyễn Văn Bá, Phó Trưởng ban An ninh An toàn giao thông đường sắt (Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam - VNR), VNR thường xuyên phối hợp với các địa phương nơi có đường sắt đi qua xóa bỏ các lối đi tự mở, xây dựng đường gom, hàng rào phân cách và xử lý vi phạm hành lang an toàn đường sắt; đồng thời, thường xuyên trao đổi thông tin hai chiều giữa các đơn vị đường sắt với các cấp chính quyền địa phương để chủ động giải quyết dứt điểm vi phạm.
Tuy nhiên, không ít người dân thiếu ý thức tự giác, bất chấp nguy hiểm, cố tình vi phạm, tạo ra nguy cơ mất an toàn cho chính bản thân và ngành Đường sắt. Do đó, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, xử lý, chống tái lấn chiếm, vi phạm, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần có biện pháp về lâu dài như xây dựng hệ thống đường gom và hàng rào ngăn cách đường sắt với khu dân cư để ngăn chặn tuyệt đối vi phạm.
Nghị định 56/CP và Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định rõ mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt: Phạt tiền từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 - 6.000.000 đồng đối với tổ chức để phương tiện, thiết bị, vật liệu, hàng hóa, chất phế thải hoặc các vật phẩm khác trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, hành lang an toàn giao thông đường sắt hoặc trong khu vực ga, đề-pô, nhà ga đường sắt...
Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt nêu trên, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, buộc đưa phương tiện, thiết bị, vật liệu, hàng hóa, chất phế thải, các vật phẩm khác (để trái phép) ra khỏi phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, hành lang an toàn giao thông đường sắt.
Thiết nghĩ, để công tác quản lý hành lang an toàn đường sắt hiệu quả, cùng với việc làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành an toàn giao thông của người dân, cần sự vào cuộc quyết liệt và triệt để hơn nữa của cơ quan chức năng trong việc phối hợp liên ngành giải tỏa hành lang an toàn đường sắt; tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm vi phạm... để giảm đến mức thấp nhất những tai nạn không đáng có.