Theo ông Đỗ Văn Dũng, năm 2013 – 2014 là năm đầu tiên Công ty VN Pharma tham gia đấu thầu cung cấp thuốc tại Thành phố Hồ Chí Minh và trúng thầu khoảng 146 mặt hàng, trị giá hơn 460 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi có thông tin thuốc không đạt yêu cầu từ Cục Quản lý Dược, ngày 9/10/2014, Sở Y tế Thành phố đã hủy kết quả thầu ba mặt hàng của VN Pharma đã trúng thầu trước đó bao gồm: thuốc H-Capita 500mg, thuốc Bipando; thuốc PEPTAN 40mg dạng tiêm truyền. Trong đó, thuốc H-Capita 500mg dùng để điều trị ung thư, hai loại thuốc còn lại dùng để điều trị dạ dày, đầy hơi.
“Toàn bộ số thuốc bị hủy kết quả thầu không vào bệnh viện nào ở Thành phố Hồ Chí Minh và tất nhiên là chưa có bác sỹ nào kê đơn, cũng như chưa có bệnh nhân nào uống các thuốc này. 7 loại thuốc kháng sinh bị Cục Quản lý Dược rút giấy phép lưu hành cũng chưa vào bệnh viện nào của Thành phố”, ông Dũng khẳng định.
Ông Dũng cho biết, do mức giá mà Công ty VN Pharma đưa ra khá thấp nên đã trúng thầu khá nhiều mặt hàng tại đợt đấu thầu tập trung năm 2013-2014. Trừ ba loại thuốc bị hủy, 143 loại thuốc trúng thầu còn lại của Công ty VN Pharma chủ yếu là thuốc sản xuất trong nước và đều đạt chất lượng an toàn.
Cũng theo ông Đỗ Văn Dũng, hiện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có 1.145 công ty sản xuất, kinh doanh thuốc và khoảng 6.500 nhà thuốc. Do địa bàn lớn cùng với quá nhiều đơn vị sản xuất, phân phối, Sở Y tế thành phố gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý. Đặc biệt, thách thức lớn nhất hiện nay là việc sản xuất thuốc giả ngày càng tinh vi, mẫu mã bao bì đẹp, rất khó phát hiện bằng cảm quan. Chủ yếu việc phát hiện thuốc giả lâu nay vẫn do các công ty sản xuất thuốc, người tiêu dùng và bác sỹ phát hiện trong quá trình sử dụng thuốc và phản ánh, Sở Y tế mới tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm. Do việc kiểm tra, phát hiện, kiểm nghiệm thuốc giả, thuốc kém chất lượng khá phức tạp nên không chỉ ngành Y tế mà phải có sự kết hợp liên ngành giữa ngành Y tế, công an và lực lượng quản lý thị trường trong công tác này.