Lao đao vì dịch
Ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án 7 (BQLDA 7-Bộ GTVT) cho biết, tỉnh Bình Thuận đang triển khai thi công dự án thành phần cao tốc Bắc Nam đoạn Vĩnh Hảo-Phan Thiết thì dịch COVID-19 bùng phát với những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Điều này gây xáo trộn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình triển khai thi công dự án. Tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/TTg, trong đó có không ít người lao động, công nhân của dự án phải thực hiện cách ly.
Trong tháng 7/2021, dự án đã có 2 hai cán bộ của Công ty CP Đạt Phương thuộc liên danh nhà thầu thi công gói thầu XL01 của dự án đi công tác từ TP Hồ Chí Minh, mặc dù đã chủ động xét nghiệm cho kết quả “âm tính” và khai báo y tế khi trở lại hiện trường, nhưng do chủ quan, không thực hiện đúng chỉ dẫn tự cách ly, dẫn đến hệ quả có hai ca F0, nhiều ca F1, F2 phải cách ly tập trung và cách ly tại chỗ… Điều này đã gây ảnh hưởng lớn đến công tác thi công tại gói thầu...
Để khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh trên công trường dự án, BQLDA 7 đã yêu cầu các nhà thầu, đơn vị vừa thi công vừa tăng cường kiểm tra, giám sát việc các quy định phòng chống dịch, tiến độ và kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công. Ban cũng đã yêu cầu các nhà thầu chủ động giao ban, giải quyết công việc trực tuyến, tổng hợp báo cáo hồ sơ tài liệu và trả kết quả thực hiện qua mạng, thư điện tử… để hạn chế tiếp xúc trực tiếp.
Tương tự, tại dự án thành phần cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây qua 2 tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai cũng đang gặp khó khăn trong triển khai thi công do dự án phát hiện các ca F0 trong quá trình vận chuyển nguyên vật liệu phục vụ công trường.
Theo ông Nguyễn Văn Huấn, Phó giám đốc BQLDA Thăng Long, tỉnh Đồng Nai cũng đang thực hiện giãn cách xã hội, mặc dù đã thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, tổ chức xét nghiệm cho người lao động, nhưng trong quá trình tập kết vật liệu, nhân lực thi công tại gói thầu XL03 mới đây đã phát hiện một công nhân thuộc Công ty xây dựng Trung Chính bị lây nhiễm COVID-19, khiến 29 công nhân diện F1, F2 liên quan và vẫn đang phải cách lý tại chỗ theo dõi sức khỏe... Để đảm bảo tiến độ, các nhà thầu tại dự án đang bố trí thi công ngày đêm và yêu cầu kỹ sư, công nhân tuân thủ nghiêm quy định "3 tại chỗ" để đảm bảo nhu cầu về nhân lực.
Về vấn đề này, ông Lê Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) khẳng định, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại các địa phương đang khiến công tác huy động nhân lực, thiết bị, tổ chức thi công tại hiện trường hầu hết các dự án của các nhà thầu gặp nhiều khó khăn, nhất là tại các dự án cao tốc Bắc Nam ở các tỉnh phía Nam. Vì vậy, các dự án cần sớm có phương án ứng phó, đề xuất với Bộ tháo gỡ để đảm bảo tiến độ các công trình theo mục tiêu đề ra.
Không lơ là phòng chống dịch, sẵn sàng phương án dự phòng
Bộ GTVT vừa có văn bản gửi và yêu cầu các BQLDA, chủ đầu tư, sở GTVT và các doanh nghiệp dự án thực hiện nghiêm các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 trong quá trình thi công xây dựng các công trình của ngành GTVT.
Cụ thể, để triển khai các dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng giao thông do Bộ GTVT quản lý, đáp ứng tiến độ, thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ về mục tiêu vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế xã hội, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, các quy định, quy chế phòng chống dịch của Bộ Y tế và chính quyền địa phương nơi dự án đi qua.
Văn bản nêu rõ, các chủ đầu tư, BQLDA, sở GTVT, doanh nghiệp dự án tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định, chỉ đạo về phòng chống dịch trên công trường.
Bộ GTVT cũng yêu cầu các đơn vị báo cáo việc huy động nhân lực, thiết bị, vận chuyển vật liệu, tổ chức công trường, công tác phòng chống dịch COVID-19, tiêm chủng, các ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đến quá trình triển khai dự án; đồng thời, đề xuất các giải pháp ứng phó để đáp ứng chất lượng, tiến độ; báo cáo gửi về Bộ GTVT để chỉ đạo, điều hành hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Triển khai chỉ đạo của Bộ GTVT, đại diện Công ty Cổ phần BOT Trung Lương-Mỹ Thuận, doanh nghiệp đang triển khai dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận cho hay, công ty đã sẵn sàng nhiều phương án dự phòng sau khi dự án phát hiện 2 ca dương tính với SAR-CoV-2 là nhân viên làm việc tại phòng điều hành dự án. Dự án có 76 người được đưa đi cách ly tập trung và 163 người cách ly tại chỗ. Vì vậy, công ty đã điều phối một tổ cán bộ, công nhân, người lao động từ các vùng dự án không bị ảnh hưởng bởi dịch ngay lập tức trám vào các vị trí đang phải cách ly, để tiếp tục điều hành dự án, đảm bảo mọi hoạt động không bị ngưng trệ; đồng thời, chỉ đạo các nhà thầu thi công, tư vấn giám sát khoanh vùng dịch, bố trí nhân sự phù hợp, tăng cường máy móc thiết bị thi công đủ 3 ca/ngày.
Còn tại dự án cầu Mỹ Thuận 2 đang vào guồng tiến độ, sau khi phát hiện người nhiễm COVID-19 tại dự án, chủ đầu tư đã yêu cầu các gói thầu cách ly các F2 tại nhà, còn trên công trường vẫn thi công các gói thầu bình thường nhưng được tăng cường kiểm soát nghiêm ngặt. Các công nhân, cán bộ kỹ thuật chỉ làm việc bên trong, không được ra ngoài. Các đơn vị cung cấp vật liệu đến công trường phải khai báo y tế, kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ từ nguồn...
Các BQLDA giao thông, chủ đầu tư đều kiến nghị ưu tiên tiêm vaccine cho cán bộ, công nhân, người lao động các dự án, đặc biệt là đối với những dự án trọng điểm quốc gia đang triển khai ở khu vực phía Nam, tiến độ được kiểm soát chặt chẽ theo từng tuần. Vì chỉ cần có một ca lây nhiễm xảy ra tại công trường sẽ ảnh hưởng đến tâm lý người lao động và tiến độ tổng thể chung của các dự án.