Ngày 15/11, tại Hà Nội, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác thực hiện thí điểm phương án ứng dụng công nghệ thông tin trong chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua bưu điện.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng khẳng định: “Việc thí điểm đã đạt nhiều kết quả, thực hiện được cơ bản những mục tiêu đề ra, mang lại lợi ích thiết thực cho Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và cả người dân, dù rằng lúc đầu vẫn còn một số người có tâm lý e ngại, không thấy được sự tiện lợi”.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng mong muốn Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam tiếp tục mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội để góp phần cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử.
Từ tháng 5/2017, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam thực hiện thí điểm phương án ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng bằng tiền mặt tại huyện Thanh Trì (Hà Nội) và huyện Bình Giang (Hải Dương).
Theo đó, người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội sử dụng thẻ chi trả không cần xuất trình phiếu lĩnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tuỳ thân có ảnh. Thẻ do Bưu điện Việt Nam đã phát hành miễn phí cho mỗi người. Thẻ có 1 mã thẻ riêng gồm 16 số. Trên thẻ có toàn bộ thông tin và hình ảnh người hưởng. Thông tin này được cập nhật, lưu giữ trên thẻ chi trả lương hưu và trợ cấp xã hội, được quản lý tập trung toàn quốc trên hệ thống công nghệ thông tin.
Tính đến tháng 10/2017, bưu điện 2 huyện Thanh Trì (Hà Nội) và huyện Bình Giang (Hải Dương) đã thực hiện chi trả bằng tiền mặt cho 19.272 người (trong đó có 16.022 người ở huyện Thanh Trì, Hà Nội). 19.086 thẻ chi trả đã được phát hành (15.964 thẻ ở Thanh Trì).Tổng số người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội hàng tháng bằng tiền mặt đạt 99,03%. Đã có 15.578 thẻ ở Thanh Trì có giao dịch với tổng số tiền 55.168.457.000 đồng; 2.851 thẻ ở Bình Giang có giao dịch với tổng số 10.780.000.000 đồng. Tổng số điểm chi trả trên địa bàn 2 huyện là 73 điểm trong đó số điểm chi trả dùng công cụ chi trả trực tuyến (online) là 70 điểm.
Bà Chu Thị Lan Hương, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cho biết: Mặc dù còn một số khó khăn xong việc thí điểm phương án ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội hàng tháng bằng tiền mặt đã mang lại hiệu quả rõ nét trong thực hiện cải cách hành chính. Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã tạo điều kiện thuận lợi cho người hưởng, linh hoạt về thời gian, địa điểm nhận tiền chế độ.
Sau thời gian áp dụng, tính đến thời điểm này, đa số người hưởng lợi đều đồng tình cho rằng việc sử dụng thẻ để chi trả bảo hiểm xã hội thuận tiện, nhanh chóng, giảm bớt thời gian chờ đợi. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam Đỗ Ngọc Bình cho rằng, hiện vẫn chưa phát huy hết công năng của thẻ chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cũng như hạ tầng công nghệ. Ông Bình cũng bày tỏ mong muốn Bảo hiểm xã hội sẽ phối hợp để đưa thẻ này thành công cụ thanh toán cho người thụ hưởng.
Nhấn mạnh mục tiêu giúp cho việc chi trả cho người thụ hưởng được đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng và an toàn, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết: Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ủng hộ những cải tiến trong công tác chi trả của Bưu điện Việt Nam và đề nghị Bưu điện Việt Nam khảo sát, lấy ý kiến của người dân để tiếp tục mở rộng phương án thí điểm.
Xác định lấy sự hài lòng của người dân làm mục tiêu phục vụ, bà Nguyễn Thị Minh cũng kiến nghị cần chú trọng việc tuyên truyền để người dân hiểu về dịch vụ này và tăng cường trang bị kiến thức về bảo hiểm xã hội cho mỗi cán bộ, nhân viên bưu điện để chính họ trở thành tuyên truyền viên khi thực hiện nhiệm vụ.