Những vết cưa còn lại của việc xẻ thớt. Ảnh: Xuân Tư/TTXVN |
Sau phản ánh của TTXVN về tình trạng khai thác gỗ nghiến trái phép trên địa bàn tỉnh Điện Biên, đã có nhiều nguồn thông tin đề nghị làm rõ địa giới quản lý và trách nhiệm của cơ quan chức năng liên quan. Trong khi Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên đã thành lập đoàn kiểm tra và xác minh có tình trạng khai thác gỗ nghiến trái phép trên địa bàn huyện Tủa Chùa (Điện Biên) thì lãnh đạo UBND huyện Tủa Chùa vẫn phủ nhận điều này.
Một điểm khai thác gỗ nghiến của lâm tặc. Ảnh: Xuân Tư/TTXVN |
Văn bản số 382/BC-UBND do Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa Lê Thanh Bình ký đã đề nghị TTXVN cải chính thông tin có nêu: "Vị trí khai thác rừng trái phép mới thuộc địa bàn quản lý của xã Phình Sáng, huyện Tuần Giáo, không thuộc địa bàn xã Mường Đun, huyện Tủa Chùa như báo chí đã nêu". Theo đó, ông Bình khẳng định trên địa bàn huyện Tủa Chùa "chỉ có 1 cây gỗ có đường kính 70cm, chiều dài 5m bị gãy đổ từ năm 2009, hiện nay đã mục hết phần võ, rỗng ruột, cây gỗ này đã bị lấy xẻ đi một phần thân cây gỗ, phần còn lại không sử dụng được nên đối tượng để lại tại hiện trường".
Thân gỗ nghiến có đường kính lớn bị cưa xẻ. Ảnh: Xuân Tư/TTXVN |
Thế nhưng, khi phóng viên TTXVN trở lại cánh rừng xã Mường Đun, huyện Tủa Chùa với chiếc máy định vị GPS, chỉ trong vòng bán kính gần 10 ha, phóng viên đã bắt gặp hàng chục cây gỗ nghiến cổ thụ bị đốn hạ, xẻ thớt. Tại hiện trường, những vết cắt, mùn cưa vẫn còn mới toanh, cho thấy các đối tượng chỉ vừa mới xẻ gỗ, đẽo thớt từ 1 đến 2 ngày trước. Những gốc cây vẫn còn nguyên dấu vết bị đốn hạ bằng những lát cưa máy, không phải là do gió bão làm đổ như ông Lò Văn Sân, Quyền Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tủa Chùa khẳng định.
Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã cung cấp những tọa độ đo được tại khu vực rừng này với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên. Ngay sau đó, ông Phạm Văn Khiên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên đã cử cán bộ lên rừng kiểm tra, xác minh các tọa độ mà phóng viên cung cấp. Ông Khiên cho biết: “Chúng tôi đã cho cán bộ lên kiểm tra các tọa độ của phóng viên cung cấp. Kết quả xác minh có tình trạng khai thác rừng trái phép như phóng viên phản ánh. Những điểm khai thác này đều thuộc địa phận xã Mường Đun, huyện Tủa Chùa”. Cũng theo ông Khiên thì chính quyền huyện Tủa Chùa nên thừa nhận có xảy ra tình trạng khai thác rừng trái phép trên địa bàn chứ không nên đánh giá chủ quan.
Về vai trò, trách nhiệm của cán bộ kiểm lâm trong việc để xảy ra tình trạng khai thác rừng trái phép, ông Phạm Văn Khiên thừa nhận, trong việc hướng dẫn chủ rừng tức là cộng đồng dân cư thôn, bản tuần tra bảo vệ rừng, cán bộ kiểm lâm chưa làm hết vai trò, trách nhiệm của mình, do vậy chưa phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi khai thác rừng trái pháp luật xảy ra trên địa bàn huyện Tủa Chùa.
Một điểm khai thác gỗ nghiến của lâm tặc. Ảnh: Xuân Tư/TTXVN |
Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên cũng cho biết thêm, Chi cục đã cử đội kiểm lâm cơ động vào khu vực rừng xã Mường Đun, huyện Tủa Chùa để kiểm tra, đánh giá toàn diện tình trạng khai thác rừng trái phép đang xảy ra tại đây. Đối với những cây gỗ đã bị đốn hạ từ trước hay do gió bão làm gãy đổ trong rừng, đều thuộc thẩm quyền của Nhà nước, nếu người dân vào rừng khai thác những cây gỗ này cũng là vi phạm pháp luật. Từ việc kiểm tra và đánh giá toàn diện, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên sẽ có biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời những đối tượng khai thác rừng trái phép trên địa bàn.
Trước đó, TTXVN đã có bài “Rừng Điện Biên trước nguy cơ cạn kiệt cây gỗ nghiến”, phản ánh tình trạng khai thác gỗ nghiến trái phép đang diễn ra tại khu vực giáp ranh giữa địa bàn xã Mường Đun (huyện Tủa Chùa) với xã Phình Sáng (huyện Tuần Giáo). Trong khi Hạt Kiểm lâm Tuần Giáo thừa nhận có tình trạng khai thác rừng trái phép thì Hạt Kiểm lâm và chính quyền huyện Tủa Chùa lại phủ nhận vụ việc trên.