Quỹ bảo hiểm y tế năm 2017 bội chi 8.648 tỷ đồng

Theo báo cáo của Chính phủ, Quỹ bảo hiểm y tế năm 2017 bội chi là 8.648 tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Người dân Nghệ An thăm khám bệnh theo BHYT. Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN

Tiếp tục Phiên họp toàn thể lần thứ 11, chiều 11/10, tại thành phố Đà Nẵng, Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội tiến hành thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2017.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, đến hết năm 2017, số người tham gia bảo hiểm y tế là 81,2 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 86,9% dân số. Đây là kết quả của nhiều giải pháp quan trọng do Chính phủ, các bộ, ngành, UBND các cấp đã thực hiện, như: huy động nguồn lực hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế, tăng cường truyền thông, quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế hiệu quả, đặc biệt là chất dịch vụ y tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe và sự hài lòng của người bệnh.

Tuy nhiên, một số nhóm đối tượng vẫn chưa tham gia đầy đủ. Đơn cử, nhóm người lao động còn khoảng 5%; nhóm ngân sách nhà nước hỗ trợ còn khoảng 6,5% và nhóm tham gia theo hộ gia đình còn khoảng 41,4%. Tình trạng trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm y tế của một bộ phân doanh nghiệp vẫn còn; nhận thức về chính sách bảo hiểm y tế còn hạn chế, còn tình trạng khi ốm đau mới tham gia bảo hiểm y tế.

Theo báo cáo của Chính phủ, Quỹ bảo hiểm y tế năm 2017 bội chi là 8.648 tỷ đồng, nhưng tính đến hết năm, quỹ dự phòng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đã bù đắp và số dư còn hơn 39.977 tỷ đồng.

Phân tích nguyên nhân gia tăng chi Quỹ bảo hiểm y tế, Chính phủ cho rằng do mức bảo hiểm y tế không thay đổi từ năm 2009 đến nay là 4,5% tiền lương, tiền hưu, trợ cấp, mức lương cơ sở, trong khi đã có một số yếu tố làm tăng chi phí như: mức hưởng, phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế, thông tuyến và điều chỉnh bổ sung tiền lương vào giá dịch vụ y tế từ ngày 1/3/2016. Cùng với đó là việc thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế; phát triển dịch vụ kỹ thuật; chi phí thuốc, chính sách thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Đáng chú ý là tình trạng lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế; trong đó có tình trạng chỉ định sử dụng thuốc bổ trợ, dịch vụ kỹ thuật nhiều hơn so với yêu cầu chuyên môn; cho người bệnh nhập viện khi tình trạng bệnh chưa thực sự cần thiết. Ngoài ra, còn có tình trạng người bệnh đi khám bảo hiểm nhiều lần trong thời gian ngắn mà không thực sự vì mục đích khám chữa bệnh.

Tại phiên họp, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh Đỗ Thị Lan cho biết, mặc dù, tỉnh đã tập trung triển khai các giải pháp để quản lý, sử dụng, cân đối Quỹ bảo hiểm y tế, tuy nhiên, đến hết năm 2017, Quỹ bảo hiểm y tế của tỉnh bội chi khoảng 670 tỷ đồng. Do đó, Chính phủ, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các tỉnh, thành cần có những giải pháp để quản lý, sử dụng, cân đối quỹ bảo hiểm y tế.

Theo đề xuất của Chính phủ, để quản lý, sử dụng, cân đối quỹ bảo hiểm y tế, các bộ ngành liên quan cần thực hiện nghiêm chế tài xử phạt với các trường hợp nợ, trốn đóng bảo hiểm y tế; tiếp tục đảm bảo kinh phí hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng; đổi mới toàn diện hoạt động của tuyến y tế cơ sở; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý cung ứng dịch vụ và giám định, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh, ngăn chặn lạm dụng, trục lợi bảo hiểm y tế; tăng tỷ lệ sử dụng thuốc generic, giảm tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc; quản lý chặt chẽ thuốc dược đã hết bản quyền theo hướng thực hiện đàm phán giá hoặc đưa vào các nhóm thuốc phù hợp để đấu thầu.

Cùng với đó, các bộ, ngành thực hiện nghiêm việc đấu thầu, thẩm định và kiểm soát chặt chẽ giá kế hoạch của gói thầu; thí điểm, tiến tới nhân rộng đấu thầu tập trung vật tư y tế, tập trung vào các vật tư y tế có số lượng sử dụng lớn, nhiều chủng loại, nhiều mức giá...

Đinh Văn Nhiều (TTXVN)
Bài toán giảm bội chi quỹ bảo hiểm y tế
Bài toán giảm bội chi quỹ bảo hiểm y tế

Trong bối cảnh nhu cầu khám chữa bệnh (KCB) của người dân ngày càng tăng cả về số lượng cũng như chất lượng, quỹ BHYT đang đứng trước thách thức về khả năng mất cân bằng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN