Quảng Ngãi quyết liệt ngăn chặn sản phẩm nhựa dùng một lần khó phân hủy

“Kể từ ngày 01/01/2020, xem xét việc không thanh toán các khoản chi cho các loại nước uống đóng chai có thể tích từ 500ml trở xuống sử dụng trong cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp”. Đây được xem là động thái quyết liệt của UBND tỉnh Quảng Ngãi trong phong trào “Chống rác thải nhựa” mà Trung ương phát động.

Nhằm thực hiện có hiệu quả Phong trào “Chống rác thải nhựa”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tăng Bính đã ký ban hành kế hoạch số 85/KH-UBND, ngày 29/5/2019 về việc Thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. 

Theo kế hoạch này, từ nay đến cuối năm 2019, UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu lãnh đạo đạo các cơ quan tăng cường phổ biến trong nội bộ cơ quan, đơn vị về việc hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần khó phân hủy. Kể từ ngày 01/01/2020, xem xét việc không thanh toán các khoản chi cho các loại nước uống đóng chai có thể tích từ 500ml trở xuống sử dụng trong cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp.

Các cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp phát động phong trào và xây dựng mô hình điểm không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần khó phân hủy như ống hút, chai nước khoáng, hộp xốp, hộp nhựa đựng cơm, thức ăn, chén, đĩa nhựa… trong các hoạt động của cơ quan, đơn vị. Thay vào đó, sử dụng các bình nước có thể tích lớn hoặc nước tự đun nấu; các loại cốc thủy tinh, cốc sứ, phích hoặc bình đựng nước dùng nhiều lần khi hội họp, tiếp khách hoặc dùng trong phòng làm việc. Hạn chế đến mức tối đa và tích cực tái sử dụng các loại bì nhựa, hộp nhựa đựng tài liệu.

Các địa phương cần rà soát, thống kê khối lượng, đánh giá tình hình sản xuất, sử dụng, đặc biệt là tình hình phát sinh chất thải nhựa và túi ni lông khó phân hủy phát sinh (tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ dân sinh, trong ngành nông nghiệp) trên địa bàn tỉnh; tình hình sản xuất, thu gom và tái sử dụng lượng chất thải túi ni lông khó phân hủy phát sinh trên địa bàn các huyện, thành phố hàng năm. Từ đó, đề xuất các giải pháp cụ thể để đạt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra đến năm 2025.

Trước mắt, trong tháng 6/2019, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho các cấp, các ngành, đoàn thể, các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể để phong trào này đi vào đời sống, đăng ký tham gia thực hiện phong trào, đề ra các giải pháp cụ thể, trong đó nêu rõ lộ trình giảm thiểu các sản phẩm nhựa, túi ni lông trong các cơ quan, đơn vị để tham gia hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” đạt hiệu quả và chất lượng cao.

Bên cạnh đó, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại rác thải nhựa, túi ni lông khó phân hủy đối với môi trường và sức khỏe con người; tổ chức các đợt ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom phân loại rác thải nhựa. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, chuyển giao công nghệ sản xuất các sản phẩm bao bì, túi xách thân thiện với môi trường; chuyển giao công nghệ tái chế chất thải đồ nhựa và túi ni lông khó phân hủy thành các sản phẩm hữu ích, thân thiện với môi trường.

Sỹ Thắng (TTXVN)
Rác thải nhựa có thể được xử lý như thế nào?
Rác thải nhựa có thể được xử lý như thế nào?

Rác thải nhựa có thể tái chế thành đồ mới hoặc dùng làm nguyên liệu sản xuất năng lượng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN