Quản lý và xử lý chất thải rắn - Bài cuối: Cần thống nhất về quản lý nhà nước

Theo quy định hiện hành, công tác quản lý nhà nước về chất thải rắn không được giao thống nhất cho một cơ quan, mà được phân công cho nhiều bộ, ngành cùng tham gia quản lý, bao gồm Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thực tế này tạo ra sự giao thoa, chồng chéo về chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực chất thải rắn.

Chồng chéo quản lý

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, về quản lý chất thải rắn hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

Đối với chất thải rắn sinh hoạt, Bộ có trách nhiệm xây dựng hướng dẫn kỹ thuật, quy trình quản lý trong việc phân loại, lưu giữ, tập kết, trung chuyển, vận chuyển, sơ chế, tái sử dụng, tái chế, xử lý và thu hồi năng lượng từ chất thải rắn sinh hoạt; tổ chức quản lý, kiểm tra các hoạt động bảo vệ môi trường về quản lý chất thải rắn sinh hoạt.

Chú thích ảnh
 Một bãi thu gom rác thải nhựa để tái chế tại Lào Cai. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN

Bộ Xây dựng có trách nhiệm hướng dẫn quản lý đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy hoạch được phê duyệt; phương pháp lập, quản lý chi phí và phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; công bố định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý; suất vốn đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Ngoài ra, Chính phủ đang giao trách nhiệm cho Bộ Xây dựng tổ chức lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn các vùng kinh tế trọng điểm, quy hoạch chất thải rắn các lưu vực sông và quy hoạch quản lý chất thải rắn vùng liên tỉnh; các địa phương chịu trách nhiệm tổ chức lập và phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn theo thẩm quyền.

Theo quy định của Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4 /2019 của Chính phủ, về quản lý chất thải và phế liệu, Bộ Khoa học và Công nghệ được giao chủ trì đánh giá, thẩm định công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt mới được nghiên cứu và áp dụng lần đầu ở Việt Nam.

Tuy vậy, Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành liên quan ban hành tiêu chí cụ thể; thẩm định, đánh giá, công bố công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt. 

Còn UBND cấp tỉnh ban hành các quy định cụ thể về quản lý chất thải rắn cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; lập và tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch xử lý chất thải rắn; lập kế hoạch hàng năm cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và bố trí kinh phí thực hiện phù hợp.

Kết quả điều tra, đánh giá cho thấy, hiện nay chưa có sự thống nhất về cơ quan chuyên môn giúp việc UBND cấp tỉnh đối với công tác quản lý chất thải rắn dẫn đến hiệu lực, hiệu quả quản lý trong thời gian vừa qua chưa cao.

Theo quy định trong lĩnh vực quản lý chất thải, Bộ Tài nguyên và Môi trường có thẩm quyền ban hành các quy chuẩn kỹ thuật về chất thải (hàm lượng tối đa của các chất gây ô nhiễm có trong chất thải bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường).

Các bộ chuyên ngành có thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về các công trình, hoạt động trong phạm vi quản lý ngành, trong đó có các tiêu chuẩn, quy chuẩn về quản lý chất thải rắn phát sinh từ hoạt động của ngành, lĩnh vực. Đối với chất thải rắn sinh hoạt, việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan đang được giao cho Bộ Xây dựng.

Thực hiện các Quyết định nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành các văn bản như Luật Bảo vệ môi trường, các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật, các quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất thải.

Nhưng bên cạnh đó, các bộ, ngành liên quan cũng đã xây dựng, trình ban hành, ban hành các văn bản liên quan. Đặc biệt, Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều quy hoạch về quản lý chất thải rắn. Bộ Xây dựng còn ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng hạ tầng liên quan đến các công trình xử lý chất thải.

Tại địa phương, theo quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ, về quản lý chất thải và phế liệu, được sửa đổi tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành các quy định cụ thể về quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Theo đó, trên cả nước đã có 60 tỉnh, thành phố ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương, còn 3 tỉnh (Cao Bằng, Tuyên Quang, Bình Thuận) chưa ban hành các quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương.

Các văn bản về quản lý chất thải rắn bao gồm mức giá tối đa đối với giá dịch vụ thu gom, vận chuyển sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, các quy định quản lý chất thải rắn nói chung, quy định về thu gom, vận chuyển và xây dựng các cơ sở xử lý chất thải...

Về tổ chức bộ máy quản lý: Hiện có 35 tỉnh, thành phố giao cho Sở Xây dựng là cơ quan chuyên môn tham mưu, giúp việc UBND cấp tỉnh trong vấn đề quản lý chất thải rắn, bao gồm chất thải rắn sinh hoạt; có 20 tỉnh, thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chuyên môn tham mưu, giúp việc UBND trong vấn đề quản lý chất thải rắn; 8 tỉnh, thành phố giao cho cả  hai đơn vị trong việc tham mưu giúp việc UBND tỉnh về quản lý chất thải rắn sinh hoạt.

Sau khi Chính phủ có Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 3/2/2019 về việc giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn, một số địa phương đã bắt đầu định hướng giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chuyên môn giúp việc.

Nhưng các địa phương đều đề nghị để thực hiện tốt việc này cần sửa đổi chức năng, nhiệm vụ của các Bộ và sửa đổi Nghị định quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ngoài ra, các Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương đều phản ánh việc thiếu nhân lực trong trường hợp được giao là cơ quan chuyên môn duy nhất giúp việc cho UBND tỉnh trong vấn đề quản lý chất thải rắn.

Trên cơ sở phân tích nêu trên, có thể thấy việc giao thoa, chồng chéo về chức năng quản lý nhà nước tại Trung ương; việc không thống nhất giữa các cơ quan chuyên môn giúp việc UBND cấp tỉnh trong lĩnh vực quản lý chất thải ở địa phương, cũng làm cho công tác quản lý chất thải rắn không thống nhất, bất cập.

Hạn chế trong quy hoạch, tài chính

Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ, trên cả nước hiện có 63 tỉnh, thành phố đã có quy hoạch quản lý chất thải rắn, không còn tỉnh, thành phố nào chưa có quy hoạch (hoặc đang lập quy hoạch). Bên cạnh các quy hoạch chất thải rắn của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn có các quy hoạch quản lý chất thải rắn cấp vùng như quy hoạch quản lý chất thải rắn vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2030, được phê duyệt tại Quyết định số 1979/QĐ-TTg ngày 14/10/2016…

Theo các quy hoạch về quản lý chất thải rắn, cả nước chỉ có một số khu xử lý cấp vùng, còn lại là các khu xử lý cấp tỉnh, huyện, xã. Trên thực tế, hầu hết chất thải rắn sinh hoạt được xử lý theo quy mô từng tỉnh, không có khu xử lý vùng. Chỉ riêng Thành phố Hồ Chí Minh hiện phối hợp với tỉnh Long An thực hiện dự án Khu Công nghệ Môi trường xanh (1.760 ha) tại huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, để xử lý chất thải rắn của vùng nhưng chưa đưa vào thực hiện.

Theo các quy hoạch, các phương pháp xử lý được quy hoạch gồm chôn lấp hợp vệ sinh, thiêu hủy bằng lò đốt, sản xuất phân vi sinh hoặc các phương pháp khác. Nội dung chính của các quy hoạch quản lý chất thải rắn chủ yếu liên quan đến địa điểm, phương pháp xử lý mà ít tập trung đến các vấn đề như phân loại tại nguồn, thu gom, vận chuyển hoặc nguồn kinh phí, thể chế để thực hiện.

Hạn chế trong công tác lập và triển khai quy hoạch là chất lượng của công tác quy hoạch chưa cao; việc xác định vị trí, địa điểm xây dựng cơ sở xử lý chất thải gặp khó khăn do người dân phản đối (điều này diễn ra phổ biến ở các địa phương); quy hoạch thiếu yếu tố liên kết vùng; việc tổ chức triển khai quy hoạch quản lý chất thải rắn đã phê duyệt tại các địa phương còn chậm, thiếu nguồn lực để thực hiện quy hoạch...

Đặc biệt, hầu hết kinh phí cho công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt được lấy từ ngân sách địa phương. Theo đó, ngân sách nhà nước được phân bổ theo từng cấp tỉnh, huyện, xã căn cứ trên nhu cầu của các cấp. Sở Tài chính tổng hợp, tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố trong việc phân bổ, cấp ngân sách nhà nước hàng năm cho các địa phương trong tỉnh.

Các địa phương khi ban hành giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn đều chia ra các đối tượng khác nhau, thu theo hộ gia đình không sản xuất, kinh doanh (không tính số thành viên trong gia đình), hộ gia đình sản xuất kinh doanh, trụ sở làm việc của các đơn vị hành chính, sự nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh,  dịch vụ.

Đối với các hộ gia đình, mức giá tối đa được ấn định không tính đến số thành viên trong các hộ gia đình. Còn các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, mức giá được quy định căn cứ vào doanh thu của doanh nghiệp hoặc căn cứ vào khối lượng chất thải rắn sinh hoạt thực tế phát sinh để thu.

Kinh phí thu được từ các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ đối với chất thải rắn sinh hoạt chỉ bù đắp một phần chi phí thu gom hoặc vận chuyển. Đơn cử như tại tỉnh Bắc Ninh, tổng thu giá dịch vụ thu gom chất thải rắn từ các hộ gia đình và các hộ sản xuất kinh doanh năm  2018 là 62 tỷ đồng, chỉ gần đủ để phục vụ công tác thu gom (67 tỷ đồng), còn lại toàn bộ chi phí vận chuyển và xử lý được ngân sách địa phương chi trả.

Đối với việc vận chuyển, các địa phương ban hành đơn giá căn cứ vào khoảng cách nên giá dịch vụ vận chuyển không khác nhau nhiều tại các địa phương (tùy điều kiện vận chuyển). Việc tính khối lượng được dựa vào số liệu trạm cân tại cơ sở xử lý, nhưng cần kiểm soát chặt chẽ lượng chất thải được thu gom, xử lý để tránh thất thoát ngân sách nhà nước do việc khai báo khống khối lượng chất thải thu gom, xử lý.

Hiện nay, các địa phương đang áp dụng các giá xử lý khác nhau cho các phương pháp xử lý khác nhau. Thực tế tồn tại là cùng một phương pháp xử lý nhưng đơn giá áp dụng tại từng địa phương là khác nhau. Chẳng hạn như đơn giá xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng phương pháp đốt tại Thành phố Hồ Chí Minh là 510.234 đồng/tấn. Trong khi cùng với công nghệ đó, đơn giá được áp dụng tại Hải Dương là 230.000 đồng/tấn.

Thậm chí trong cùng một địa phương và cùng một công nghệ, nhưng giá xử lý chất thải lại được áp dụng khác nhau (Thành phố Hồ Chí Minh trả cho cùng công nghệ chôn lấp đối với CITENCO là 369.706 đồng/tấn, còn đối với VWS là 22.098 USD/tấn tương đương hơn 480.000 đồng/tấn). Hay tỉnh Bắc Ninh áp dụng đơn giá xử lý bằng phương pháp đốt tại 2 huyện Thuận Thành và Quế Võ khác nhau, với giá xử lý tương ứng là 451.000 đồng/tấn và 396.000 đồng/tấn. Đây là một bất cập cần được giải quyết để thúc đẩy công tác xã hội hóa, tránh tình trạng các nhà đầu tư chỉ mong muốn đầu tư tại các tỉnh, thành phố có mức giá xử lý cao.

Đứng trước thực tế đó, đòi hỏi cấp thiết là phải nhanh chóng có những vai trò đòn bẩy và tập trung nguồn lực của nhà nước, doanh nghiệp và xã hội trong việc đẩy mạnh quản lý, xử lý chất thải rắn thời gian tới, nhằm thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Văn Hào (TTXVN)
Quản lý và xử lý chất thải rắn- Bài 2: Ưu và nhược điểm của các công nghệ xử lý
Quản lý và xử lý chất thải rắn- Bài 2: Ưu và nhược điểm của các công nghệ xử lý

Theo kết quả kiểm tra, đánh giá của Tổng cục Môi trường, hiện trên cả nước có 381 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, 37 dây chuyền sản xuất phân compost, 904 bãi chôn lấp, riêng tổng diện tích các bãi chôn lấp rác thải tại các khu đô thị đã lên tới 4.900 ha, trong đó có không ít bãi chôn lấp không hợp vệ sinh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN