Dự án Hồ chứa nước Đồng Dọng, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh được phê duyệt chủ trương đầu tư cuối năm 2015. Nhà đầu tư thứ nhất là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng hồ trên núi 389. Tuy nhiên, sau khoảng 7 năm được phê duyệt, đơn vị này mới chỉ dựng được... biển tên công ty ở khu vực dự án. Đến năm 2021, một doanh nghiệp khác là nhà đầu tư được lựa chọn thay thế triển khai dự án. Nhưng sau khi tiếp nhận, nhà đầu tư thứ 2 vẫn để dự án dang dở. Công tác giải phóng mặt bằng chưa hoàn thiện, người dân tiến thoái lưỡng nan.
Chủ đầu tư chưa bố trí được kinh phí
Dự án Hồ chứa nước Đồng Dọng có tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng, được thực hiện tại xã Vạn Yên và xã Bình Dân, huyện Vân Đồn. Theo phê duyệt, tổng diện tích của dự án trên 690 ha để xây dựng hồ chứa nước, nhà máy xử lý nước 7,06ha, tuyến đường ống dẫn nước 0,47ha, ảnh hưởng đến 110 hộ dân và 1 tổ chức. Dự án nhằm xây dựng đập ngăn, tạo nguồn nước ngọt cho nhà máy nước để cấp cho đô thị Đoàn Kết - Bình Dân, khu đô thị Cái Rồng, các khu du lịch và khu cảng Vạn Hoa.
Sau khi nhà đầu tư thứ nhất không đảm bảo được tiến độ, ngày 22/3/2021, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 863/QĐ-UBND về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.
Đến tháng 7/2021, Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn ký hợp đồng thực hiện với chủ đầu mới. Thời gian thực hiện hợp đồng là 30 tháng (hết hạn ngày 15/1/2024). Hợp đồng có thống nhất thời gian thực hiện giải phóng mặt bằng trong 6 tháng; thời gian thực hiện đầu tư dự án 24 tháng. Tuy nhiên, qua kiểm tra, rà soát, đến nay chủ đầu tư chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, chưa thực hiện đầu tư xây dựng dự án.
Trước việc chậm trễ trong triển khai dự án, UBND huyện Vân Đồn có văn bản số 1099/UBND-KTHT ngày 9/4/2024 gửi Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh, trong đó có nội dung về “Rà soát kết quả thực hiện dự án Hồ chứa nước Đồng Dọng tại xã Bình Dân và xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn”.
Văn bản nêu rõ, thời hạn của dự án đã hết, trong khi công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa hoàn thành do chủ đầu tư chưa hoàn thiện trích lục thửa đất, chưa chuyển kinh phí để chi trả cho người dân cũng như cam kết kinh phí để thực hiện giải phóng mặt bằng dự án... Chủ đầu tư cũng chưa chủ động triển khai lập, trình các cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt các hồ sơ, hạng mục theo cam kết tại Hồ sơ dự thầu của chủ đầu tư và theo các điều khoản tại hợp đồng đã ký kết.
Người dân tiến thoái lưỡng nan
Trong khi dự án “treo”, hàng chục hộ dân nằm trong vùng dự án nhưng chưa được đền bù nên gặp nhiều khó khăn về sinh hoạt, sản xuất…
Anh Lý Văn Toàn, người dân thôn 10/10, xã Vạn Yên chia sẻ, trước đây, mỗi năm gia đình cấy được 2 vụ lúa, cho thu hoạch từ 2,5-3 tạ/sào/vụ. Việc dự án dang dở gây ra nhiều khó khăn cho gia đình anh, thiếu thốn nhiều thứ nhưng không được hỗ trợ, không được sản xuất nông nghiệp. Chưa nhận được đền bù, trong khi đã phải di dời nên gia đình anh phải đi ở nhờ. Anh mong muốn các bên liên quan có phương án để nhân dân ổn định cuộc sống.
Hiện nay, bên cạnh diện tích rừng keo đã được kiểm đếm, vẫn còn diện tích chưa được kiểm đếm nhưng nằm trong vùng dự án. Do đó, người dân lo lắng bởi đã xuất hiện tình trạng chặt trộm cây, thậm chí có khu vực bị cháy. Chị Đào Thị Thủy, thôn Cái Bầu, xã Vạn Yên cho biết, gia đình chị có 5ha rừng keo, đã được kiểm đếm năm 2016. Do vậy gia đình chị và nhiều hộ khác được yêu cầu không được tác động vào rừng để chờ bồi thường.
Năm 2022 việc kiểm đếm tiếp tục nhưng vẫn chưa thấy hỗ trợ, bồi thường. Sau một thời gian, rừng nhà chị hai lần bị đối tượng lạ vào đốn hạ khoảng 70 gốc keo. Hậu quả "thiệt đơn thiệt kép", chị Thủy đề xuất, nếu được, khẩn trương triển khai dự án, đồng thời xem xét hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại trong thời gian dự án treo, không thể sản xuất trên diện tích đất của mình.
Chị Lê Thị Bảy, Bí thư Chi bộ, trưởng thôn 10/10 xã Vạn Yên cho biết: Dự án Hồ chứa nước Đồng Dọng có quyết định kiểm đếm từ năm 2007, nhưng thực tế đến tận năm 2016, tức 9 năm sau, mới được kiểm đếm để đền bù. Đi không được, ở không xong là thực tế mà các hộ dân đang gặp phải khi dự án Hồ chứa nước Đồng Dọng dở dang. Một số hộ dân có nhà, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được di dời. Một số hộ không được sản xuất ở mảnh đất đó vì đã có quyết định thu hồi nhưng chưa nhận được tiền, nên chưa có điều kiện để di dời.
Bà Bảy kiến nghị phía triển khai dự án sớm đền bù cho người dân, hoặc phải khẩn trương có phương án để cho người dân khai thác cây keo đã trồng hơn 10 năm nay. Đến thời điểm thu hoạch mà không được thu hoạch nên nhiều diện tích keo đã bị khô, mục, không có năng suất, hiệu quả kinh tế không cao.
Đại diện UBND huyện Vân Đồn thông tin, những tồn tại trong thực hiện dự án đã làm ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai, xây dựng và phát sinh nhiều đơn thư trên địa bàn. Do vậy, UBND huyện đề nghị Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu đầu tư, triển khai dự án đầu tư quy định tại Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, cũng như việc thực hiện các điều khoản cam kết theo hợp đồng đã ký kết đối với dự án trên; đề xuất với UBND tỉnh xử lý dự án theo quy định. UBND huyện Vân Đồn cũng kiến nghị tỉnh thu hồi dự án vì đã quá thời hạn triển khai.