Mạnh tay với công trình, dự án chậm tiến độ

Tại Kỳ họp thứ 6, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết 74/2022/QH15 về giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó có vấn đề xử lý dự án, công trình chậm tiến độ.

Trong số hơn 1.000 dự án chậm tiến độ được Bộ trưởng Bộ Tài chính điểm tên, có 880 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng; 51 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công và các nguồn vốn khác không hiệu quả hoặc lãng phí; 19 dự án chậm triển khai do vướng mắc về thủ tục, để đất đai hoang hóa, lãng phí…  

Thực tế này không chỉ lãng phí nguồn lực đất đai, gây bức xúc trong dư luận xã hội, mà còn phát sinh những hệ lụy xấu về công tác thu hút đầu tư, trở thành rào cản, điểm nghẽn đối với sự phát triển của các địa phương, làm giảm niềm tin của người dân vào tính hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước.

Không khó để nhận biết công trình, dự án chậm tiến độ tại các địa phương. Đơn cử tại Hà Nội, rất nhiều dự án lớn bị chậm tiến độ kéo dài nhiều năm, tăng tổng mức đầu tư, chưa thể xác định thời hạn hoàn thành. Điển hình là các dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, có tổng đầu tư 32.910 tỷ đồng, thực hiện 2008-2022; dự án đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo điều chỉnh tổng mức đầu tư từ hơn 19.550 lên 35.670 tỷ đồng; dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, Hà Nội, có tổng đầu tư 16.290 tỷ đồng.

Đáng chú ý, dự án vành đai 2,5 được UBND TP Hà Nội phê duyệt quy hoạch từ năm 2002, quyết định giải phóng mặt bằng từ năm 2010, nhưng đến nay, dự án vẫn "dậm chân tại chỗ". Một hàng rào bằng bê tông dài 400 m, cao hơn 2 m được dựng làm dải phân cách khiến nhiều tuyến đường khu vực UBND phường Định Công (quận Hoàng Mai) liên tục bị ùn tắc, gây ô nhiễm môi trường,  ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều hộ dân. Trước kiến nghị của UBND quận Hoàng Mai và chỉ đạo từ UBND thành phố, đầu tháng 11/2023, chủ đầu tư dự án là liên danh Công ty Cổ phần Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội và Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Hà mới chịu tháo dỡ hàng rào nói trên. 

Từ thực trạng trên, mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục tập trung kiểm tra, xử lý 700 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn. Đây không phải là lần đầu tiên Hà Nội quyết tâm xử lý các dự án chậm tiến độ, nhưng đến nay, kết quả của sự quyết tâm đó cũng chỉ là những con số hết sức khiêm tốn. 

Không riêng Hà Nội, tình trạng dự án "treo", dự án “đắp chiếu" cũng diễn ra tại nhiều địa phương trong cả nước, gây rất nhiều hệ lụy, thiệt hại khó có thể đo đếm. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, có 5 nhóm dự án trọng điểm của thành phố bị chậm tiến độ kéo dài. Trong danh mục các dự án giao thông chậm tiến độ được thành phố quyết định đầu tư, có 115 dự án sử dụng vốn ngân sách, 67 dự án vướng giải phóng mặt bằng, 8 dự án vướng thủ tục đầu tư. Dự án được kỳ vọng nhất là tuyến đường Cộng Hoà - Trần Quốc Hoàn, dài 4 km, có vốn đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng, nhưng chưa thực hiện do vướng khâu giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, tuyến  Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) có tổng vốn đầu tư gần 47.900 tỷ đồng, cũng phải lùi kế hoạch khởi công đến năm 2025, chậm hơn 10 năm so với kế hoạch ban đầu do hàng loạt trở ngại liên quan vốn, thủ tục…

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, các dự án chậm tiến độ hiện nay là hệ quả của việc thiếu chính sách, cũng như trình tự cụ thể về lựa chọn chủ đầu tư. Bên cạnh đó, do chưa quy định rõ trường hợp nào cần phải đấu thầu, trường hợp nào được chọn chủ đầu tư…. Không ít dự án “đắp chiếu” do chủ đầu tư không đủ tiềm lực nhưng vẫn trúng thầu, dẫn đến đội vốn, tạo sự phản cảm, khiến bộ mặt đô thị nhếch nhác và sâu xa hơn, đó còn là mầm mống của hàng loạt hệ lụy khác. Không những thế, mặc dù đã có giám sát, có kết luận rõ ràng đối với các dự án chậm triển khai, nhưng việc thu hồi hết sức khó khăn, vì không có cơ chế, chính sách cụ thể để đền bù những hạng mục mà chủ đầu tư, doanh nghiệp đã triển khai.

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, đã đến lúc không thể khoan nhượng, cần phải có biện pháp kiên quyết, kịp thời với các công trình, dự án chậm tiến độ. Các bộ, ngành, địa phương cần chủ động rà soát, phân loại, làm rõ trách nhiệm đối với tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan để từ đó có chế tài xử lý hiệu quả. Nếu tiếp tục duy trì kiểu “quy lỗi tập thể” thì những dự án “rùa bò”, gây thiệt hại về kinh tế sẽ còn lặp lại và dần trở thành điều bình thường.

Một số đại biểu Quốc hội đề nghị, để tránh đi vào “vết xe đổ” chậm tiến độ, đối với những dự án, công trình đầu tư mới, cần tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch và xác định rõ trách nhiệm ngay từ đầu, với từng khâu cụ thể. Khi đó, sai ở công đoạn nào, mức độ sai như thế nào, thiệt hại bao nhiêu sẽ dễ dàng quy trách nhiệm; đồng thời răn đe không lặp lại tình trạng tương tự, từ đó thúc đẩy hiệu quả nguồn vốn đầu tư. Bên cạnh đó, với những dự án có quy mô lớn, cần thành lập ngay hội đồng đánh giá một cách độc lập, để nhìn nhận rõ vướng mắc khó khăn, sai phạm và chỉ ra những giải pháp khắc phục triệt để. Cũng cần phải công khai từng dự án, chủ đầu tư, để người dân biết được dự án đó chậm ở khâu nào, do nguyên nhân chủ quan hay khách quan? Chỉ bằng cách đó mới có thể truy đến cùng trách nhiệm của từng cơ quan và cá nhân cụ thể. 

Yến Nhi
Bộ GTVT nêu nguyên nhân cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 chậm tiến độ
Bộ GTVT nêu nguyên nhân cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 chậm tiến độ

Các dự án đường bộ Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn 2) đang bị chậm tiến độ, nếu không có giải pháp sớm tháo gỡ vướng mắc và khó khăn, công trình này sẽ khó có thể về đích theo kế hoạch. Đây là những nội dung chính vừa được Bộ Giao thông vận tải báo cáo Ủy ban Kinh tế Quốc hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN