Ngoài ra, gió giật mạnh kèm theo mưa lớn, sóng cao khiến nhiều tàu, thuyền bị chìm, hư hỏng. Đây cũng là địa phương có thiệt hại nhiều nhất của tỉnh Phú Yên. Chính quyền địa phương đang thống kê thiệt hại và khẩn trương giúp nhân dân khắc phục hậu quả.
Tại khu vực đầm Cù Mông thuộc thị xã Sông Cầu, đìa nuôi thủy sản bị sóng đánh vỡ, nhiều vật dụng bị gió cuốn, sóng đánh tơi tả. Sóng lớn đã đánh vỡ và nhấn chìm 33 thuyền (đa số thuyền có công suất từ 20CV trở xuống), hàng chục tàu thuyền bị gió bão đẩy lên bờ.
Đồn Biên phòng Xuân Hòa (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên) đã huy động hơn 40 cán bộ, chiến sỹ xuống địa bàn kết hợp lực lượng tại chỗ giúp nhân dân khắc phục hậu quả.
Ông Lê Tấn Dũng ở xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu cho biết, tàu cá của gia đình ông neo đậu trong đầm Cù Mông, cách các đìa nuôi thủy sản hơn 1km. Tuy nhiên, gió mạnh làm dây neo đứt, tàu cá bị gió hất lên bờ đìa. Gia đình ông đã thuê người, cùng với sự giúp đỡ của Bộ đội Biên phòng kéo tàu cá ra khỏi khu vực mắc cạn.
Ông Lê Văn Thừa ở thôn Hòa Hiệp, xã Xuân Thịnh chia sẻ, nhờ bà con xung quanh và Bộ đội Biên phòng mà gia đình đã đưa tàu cá đến khu vực thôn Hòa Hội để neo đậu an toàn. Trước đó, nghe tin bão, gia đình đã dùng nhiều dây để neo tàu nhưng đều bị đứt, gió và sóng đã hất con tàu lên bờ. Do bờ đìa nuôi tôm xếp bằng đá, tàu va chạm mạnh nên bị vỡ nhiều đoạn.
Ngoài khu vực trên, tại thị xã Sông Cầu, hàng nghìn m2 đìa nuôi thủy sản bị ngập nước; 5 bè nuôi thủy sản bị gió bão đánh vỡ, thủy sản nuôi thoát ra ngoài. Cơ quan chức năng chưa thống kê được số lượng tôm hùm chết và giá trị thiệt hại.
Ông Lương Công Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Sông Cầu cho biết, chính quyền các xã, phường đang thống kê mức độ thiệt hại cụ thể. Đối với 13 nhà sập hoàn toàn, các hộ sẽ được hướng dẫn và hỗ trợ ngay chỗ ở tạm trước khi có chính sách xây dựng mới. Các lực lượng như: Bộ đội, Dân quân tự vệ, Công an... đã được huy động tối đa để giúp nhân dân lai dắt tàu thuyền bị chìm, dọn dẹp nhà cửa, cây xanh.
Phương châm của chính quyền thị xã là sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ, những điểm nào cần thiết sẽ tăng cường thêm người. Riêng tôm hùm, loại thủy sản nuôi trồng có giá trị cao, người dân chưa dám đưa lồng lên mặt nước vì sợ bị ngọt hóa ảnh hưởng đến tôm. Ủy ban nhân dân thị xã Sông Cầu sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn để hướng dẫn người nuôi kỹ thuật xử lý tôm nuôi nhằm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất.