Cuộc họp khẩn trực tuyến gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình,Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam. Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Thắng chủ trì cuộc họp.
Dự báo đường đi của bão số 2. Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương |
Bão số 2 có khả năng đổ bộ trực tiếp vào đất liền các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh vào đêm 16/7 và sáng sớm ngày 17/7, sẽ gây mưa lớn trên diện rộng ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão số 2, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Thắng đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố, bộ, ngành liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để triển khai việc thông báo kêu gọi tàu thuyền tìm nơi tránh trú an toàn hoặc thoát ra khỏi vòng nguy hiểm. Các địa phương, đơn vị hoàn thành các công việc trên trước 17 giờ ngày 16/7; chủ động cấm biển để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.
Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh (vùng tâm bão dự báo đi qua) quyết liệt triển khai sơ tán dân trên các phương tiện, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thuỷ sản, vùng thấp trũng ven biển đến nơi an toàn tuyệt đối người dân; đồng thời chỉ đạo việc chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây và triển khai phương án đảm bảo an toàn các hầm lò, bến cảng, khu du lịch, hoàn thành trước 17 giờ ngày 16/7.
Các ngành, địa phương tăng cường công tác thông tin cảnh báo và sẵn sàng các phương tiện đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều hạ du các hồ khi có lệnh xả lũ, đặc biệt khu vực hạ lưu thủy điện Hòa Bình sau nhiều năm chưa vận hành xả lũ; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ cứu nạn để xử lý các tình huống có thể xảy ra, đặc biệt đối với các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thời lượng phát sóng, đưa tin về diễn biến của bão và phổ biến các kỹ năng ứng phó với bão và mưa lũ theo tài liệu cung cấp từ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai...
Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, UBND tỉnh Thanh Hóa đang chỉ đạo các đơn vị chức năng theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, nghiêm túc trực 24/24 giờ; đồng thời phối hợp với Bộ đội biên phòng thông tin, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển; sẵn sàng chủ động ứng phó với những tình huống có thể xảy ra. Tỉnh cũng chú trọng triển khai dự án an toàn hồ đập trong tỉnh để đảm bảo an toàn trước thiên tai.
Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Thực hiện nghiêm các Công điện số 18, ngày 14/7, số 19 ngày 15/7 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, tỉnh Hà Tĩnh cũng đã rà soát kế hoạch sơ tán dân, di dời dân; thành lập các đoàn, phân công lãnh đạo xuống các địa bàn kiểm tra công tác ứng phó với bão tại các khu vực, trong đó đặc biệt đối với các trọng điểm đê điều, hồ chứa xung yếu và các khu vực dân cư ven sông, ven biển, thấp trũng...
Theo Đại tá Trần Dương Kiên, Trưởng phòng cứu hộ cứu nạn, Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Tư lệnh Biên phòng, tính đến thời điểm này, Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa tổ chức bắn pháo hiệu báo bão tại 37 điểm theo quy định của Chính phủ. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hoà đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 66.755 phương tiện/263.503 người và 2.938 lồng bè, lều, chòi nuôi trồng thuỷ sản/4.841 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão số 2 để chủ động di chuyển vòng tránh hoặc thoát ra khỏi vòng nguy hiểm. Các phương tiện và chủ lồng bè, lều chòi nuôi trồng thuỷ sản đã nắm được thông tin về cơn bão số 2 và đang chủ động di chuyển thoát khỏi khu vực nguy hiểm.
Theo báo cáo của Vụ Quản lý công trình Thủy lợi và An toàn đập, hầu hết các hồ chứa thủy lợi đang ở mức thấp, trong đó trung bình các hồ ở khu vực Bắc Bộ đạt 45-55% dung tích thiết kế, khu vực Bắc Trung Bộ ở mức 55-65% (riêng tại Thanh Hóa các hồ đạt trung bình 35%), ở khu vực Tây Nguyên trung bình ở mức 60-70% và Đông Nam Bộ trung bình ở mức 45-55%.
Hiện các hồ chứa vừa và lớn do Công ty Kiểm tra công trình thuỷ lợi quản lý đang vận hành theo đúng quy trình; các hồ chứa nhỏ do các địa phương quản lý bố trí trực 24/24h, thường xuyên theo dõi diễn biến mực nước và hiện trạng công trình. Hiện tại các hồ chứa đều đảm bảo an toàn.
Hồ Núi Cốc vận hành xả với lưu lượng 100 m3/s; hồ Núi Cốc vận hành xả với lưu lượng 100 m3/s (từ 13 giờ, ngày 14/7).
Theo báo cáo của Vụ Quản lý Đê điều, trong khu vực ảnh hưởng của bão có 27 điểm trọng điểm trên các tuyến đê biển, đê cửa sông: Đê biển Hà Nam (Quảng Ninh 4), Đê biển II (Hải Phòng 1), Đê biển 5 (Thái Bình 13), Đê biển Nghĩa Hưng, Hải Hậu (Nam Định 7), Đê biển Bình Minh II, Bình Minh III (Ninh Bình 2). Các địa phương đã xây dựng và sẵn sàng phương án bảo vệ các điểm trọng điểm xung yếu. Hiện ở các địa phương có 21 công trình đê đang được thi công (Hải Phòng 1, Thái Bình 12, Nam Định 7, Thanh Hoá 1). Các địa phương đã yêu cầu chủ đầu tư của các công trình đang thi công chuẩn bị và sẵn sàng phương án xử lý khi có tình huống có thể gây mất an toàn đê.