Phố chợ cây cảnh Hoàng Hoa Thám lại 'mất' vỉa hè dịp giáp Tết

Mặc dù báo Tin tức đã nhiều lần phản ánh tình trạng lấn chiếm vỉa hè lòng đường để kinh doanh buôn bán trên nhiều tuyến phố Hà Nội, nhất là dịp giáp Tết Nguyên đán, nhưng đến hẹn lại lên, phố chợ hoa cây cảnh Hoàng Hoa Thám vẫn tái diễn tình trạng lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, không chỉ gây ùn tắc giao thông, mà còn mất mỹ quan đô thị, mất an ninh trật tự, khiến dư luận bức xúc.

Video Phố chợ cây cảnh Hoàng Hoa Thám không còn vỉa hè:

Theo ghi nhận của phóng viên, đoạn tuyến phố bắt đầu từ dốc Tam Đa đi dọc đường Hoàng Hoa Thám đến dốc Bưởi (quận Tây Hồ) dài hơn 1 km, những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đang diễn ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh.

Vỉa hè đoạn tuyến phố này được các hộ tiểu thương có nhà mặt tiền chiếm dụng hoàn toàn để bày bán đủ loại hoa cây cảnh, chậu cây, phụ kiện trồng cây...

Chú thích ảnh
Từ phía dốc Tam Đa đi dọc đường Hoàng Hoa Thám, nhiều hộ dân ngang nhiên lấn chiếm vỉa hè, thậm chí cả lòng đường để kinh doanh hoa cây cảnh, gỗ lũa, chậu cây... 
Chú thích ảnh
Còn phía đầu dốc Bưởi - Hoàng Hoa Thám, cả rừng hoa cây cảnh được các tiểu thương bày bán trên vỉa hè, dưới lòng đường, thu hẹp bề rộng mặt đường...
Chú thích ảnh
Ngay đầu ngõ 718 đường Hoàng Hoa Thám, các hộ tiểu thương bày bán các loại phụ kiện trồng hoa cây cảnh kín vỉa hè, tràn xuống lòng đường, biến vỉa hè thành "siêu thị" riêng.
Chú thích ảnh
Nhiều hộ tiểu thương chiếm dụng vỉa hè kinh doanh hoa cây cảnh che hết luôn biển báo hiệu giao thông.
Chú thích ảnh
Người đi bộ muốn mua hoa, cây cảnh đều phải đi dưới lòng đường...

Đáng nói, tuyến đường Hoàng Hoa Thám có lòng đường hẹp, hai chiều xe chạy, nhưng do vỉa hè đã bị chiếm dụng hết, không còn chỗ để xe, nên các tiểu thương đẩy xe gắn máy các loại của nhà mình và người đi bộ xuống lòng đường, chỉ cần gặp một chiếc xe ô tô lưu thông chậm một chút, ngay lập tức đoạn tuyến phố xảy ra ùn ứ, ùn tắc. Vào giờ cao điểm, tan tầm hàng ngày hiện nay, người và xe tham gia giao thông tại đây đều ngán ngẩm, bức xúc trước tình trạng lấn chiếm vỉa hè của các tiểu thương để bày bán cây cảnh. Có thể nói đây là một trong những nguyên nhân chính khiến tình hình giao thông lộn xộn, nhốn nháo... 

Luật Giao thông đường bộ quy định rõ vỉa hè dành cho người đi bộ tham gia giao thông, không thuộc quyền sở hữu của riêng cá nhân, tổ chức nào, nhưng tình trạng lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh trên đoạn tuyến phố này đang diễn ra tràn lan, phức tạp, ngang nhiên, nhưng chưa được các cấp chính quyền địa phương xử lý rốt ráo. Các chuyên gia giao thông cho rằng, tình trạng lấn chiếm vỉa hè diễn ra tràn lan hiện nay, một phần do ý thức của không ít hộ dân có nhà mặt tiền không chấp hành luật pháp, một phần xuất phát từ sự "bỏ ngỏ" quản lý của địa phương. 

Chú thích ảnh
Người đi bộ phải đi xuống lòng đường vì vỉa hè đã bị chiếm dụng hết. 
Chú thích ảnh
Hộ kinh doanh chậu cây cảnh này biến vỉa hè thành của riêng.
Chú thích ảnh
Đoạn đường hoa cây cảnh Hoàng Hoa Thám này thường xuyên xảy ra ùn tắc...
Chú thích ảnh
... vì đường hẹp, xe chạy 2 chiều, lộn xộn người mua bán hoa cây cảnh.
Chú thích ảnh
Điểm chờ xe buýt trên tuyến đường cũng bị bủa vây bởi hoa cây cảnh bày bán tràn lan.
Chú thích ảnh
Nhức mắt cảnh vỉa hè tuyến đường bị chiếm dụng để kinh doanh như thế này...

Nhiều năm nay, mặc dù các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền cơ sở đã nhiều lần ra quân "dẹp loạn" tình trạng lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh; song, do việc kiểm tra, xử lý chỉ như "bắt cóc bỏ đĩa", bỏ ngỏ quản lý sau các "chiến dịch", nên tình trạng lấn chiếm vỉa hè tại đây vẫn diễn ra hàng ngày.

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, khi nhu cầu người dân mua hoa cây cảnh về trưng bày tăng cao, tình trạng lấn chiếm vỉa hè càng diễn ra ngang nhiên, cho thấy sự coi thường pháp luật và cần có biện pháp mạnh tay để răn đe, trả lại không gian cho người đi bộ.

Qua tìm hiểu, trong các đề xuất, kiến nghị, kế hoạch xử lý của Ban Đô thị TP Hà Nội và các Đoàn kiểm tra liên ngành của các quận, huyện đều yêu cầu các lực lượng chức năng ở cơ sở phải thực hiện nghiêm, địa phương nào để xảy ra vi phạm nhiều, người đứng đầu địa bàn phải chịu trách nhiệm, nhưng dường như các giải pháp này chỉ nằm trên giấy, chưa phát huy hiệu lực.

Chú thích ảnh
Vỉa hè bị chiếm dụng để bày bán hoa cây cảnh, xe tải chở hàng thì đỗ ngược chiều... trên tuyến đường, đây là những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông.
Chú thích ảnh
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhu cầu người dân mua hoa cây cảnh tăng cao, tình trạng lấn chiếm vỉa hè tại đây càng diễn ra ngang nhiên.
Chú thích ảnh
Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt từ 100.000 đồng đến 40 triệu đồng tùy mức độ vi phạm của hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh. 
Chú thích ảnh
Chỉ có số ít hộ không kinh doanh hoa cây cảnh, không chiếm dụng vỉa hè trên tuyến đường.
Chú thích ảnh
Việc xây dựng hình ảnh văn minh đô thị tại địa phương cần đi đôi với xử lý nghiêm các vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. 

Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và Luật Giao thông đường bộ đã quy định rõ, vỉa hè, lòng đường chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông, nghiêm cấm các hành vi lấn chiếm hoặc sử dụng trái phép làm nơi buôn bán, kinh doanh. Tổ chức, cá nhân có hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, có thể bị xử phạt từ 100.000 đồng đến 40 triệu đồng và buộc phải dỡ bỏ, thu dọn vật tư, vật liệu, hàng hóa, máy móc, khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm gây ra.

Hà Nội đang ngày càng phát triển, diện mạo đô thị văn minh, hiện đại hơn. Tuy nhiên, diện tích vỉa hè nói riêng, giao thông công cộng nói chung đang dần "biến mất", gây áp lực lên hạ tầng đô thị và hệ lụy trở thành bài toán khó giải của các cấp chính quyền thành phố, nếu không có những giải pháp cần làm ngay. Vẫn biết, lợi nhuận từ việc lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh khiến không ít tổ chức, cá nhân đang giành giật nhau từng mét đường, kể cả những tuyến phố văn minh đô thị cũng bị “chia năm xẻ bảy” để phục vụ lợi ích riêng ở Thủ đô “tấc đất, tấc vàng”, nhưng quyết tâm trả lại vỉa hè cho người đi bộ là chủ trương cấp thiết, cần thiết hiện nay của thành phố trong việc thiết lập và chỉnh trang đô thị.

Bài, ảnh, video: Vân Sơn/Báo Tin tức
Công an quận Cầu Giấy phản hồi thông tin trên báo Tin tức về lấn chiếm vỉa hè, lòng đường
Công an quận Cầu Giấy phản hồi thông tin trên báo Tin tức về lấn chiếm vỉa hè, lòng đường

Công an quận Cầu Giấy (Công an TP Hà Nội) vừa có công văn số 1003/CACG-TH trả lời thông tin phản ánh của báo Tin tức về tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN