Theo ông Bùi Chính Nghĩa, kiểm lâm cũng không thể làm hết mọi việc. Việc quan trọng là phải xác định được trách nhiệm các bên liên quan, đặc biệt là trách nhiệm của những người chủ rừng. Đó là những người dân, những hộ gia đình, cộng đồng dân cư, các ban quản lý rừng và sự quan tâm của chính quyền địa phương. Khi có được sự phối kết hợp tốt giữa các bên liên quan thì quản lý, bảo vệ rừng thời gian tới sẽ tốt hơn.
Với hơn 14 triệu ha rừng cần được quản lý, bảo vệ và phát triển và đảm bảo tỷ lệ che phủ của rừng ổn định ở mức 42%, phát triển lực lượng kiểm lâm cần có những giải pháp đồng bộ phù hợp với quy định của Luật Lâm nghiệp và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành cũng như xu hướng phát triển trong tương lai.
Đứng trước yêu cầu đổi mới, nhất là giai đoạn hiện nay khi khoa học công nghệ tiên tiến, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo ngày càng phát triển đòi hỏi lực lượng kiểm lâm cần có sự đổi mới về tư duy, phương pháp quản lý, ứng dụng công nghệ tiên tiến phục vụ công việc hiệu quả hơn. Điều này đòi hỏi ngành phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lực lượng kiểm lâm.
Cùng với đó, ông Lê Công Trường, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắc Nông cho rằng, cần có chính sách thỏa đáng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang thực hiện bảo vệ rừng tự nhiên, bảo đảm có nguồn lực thực tế để họ yên tâm bảo vệ rừng.
Tỉnh Đắk Nông đã khoanh vùng người dân di cư đến sinh sống và chuyển giao về cho địa phương. Qua đó, địa phương có chế độ chính sách để người dân yên tâm tổ chức sản xuất. Đồng thời, tỉnh lồng ghép với các đề án nông lâm kêu gọi người dân tham gia cùng hỗ trợ với nhau và chia sẻ trách nhiệm và lợi ích trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Xã hội hóa trong bảo vệ rừng, ngành nông nghiệp đã tổ chức giao 11.407.431 ha rừng cho các chủ rừng để quản lý, bảo vệ rừng; phân công 5.183 công chức kiểm lâm về phụ trách địa bàn xã; đã có 612 chủ rừng thành lập được lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách với 12.823 người.
Thời gian qua, kiểm lâm đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bảo vệ rừng như: hệ thống thông tin cảnh báo sớm cháy rừng; ứng dụng công nghệ GIS trong theo dõi diễn biến tài nguyên rừng; ứng dụng công nghệ viễn thám phát hiện nhanh các điểm có nguy cơ giảm diện tích rừng. Ngành đã xây dựng hệ thống phần mềm theo dõi, cập nhật thông tin, cung cấp số liệu về diễn biến tài nguyên rừng; ứng dụng phần mềm SMART trong tuần tra, bảo vệ rừng; quản lý hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Qua đó đã góp phần giảm thiểu số vụ vi phạm và diện tích bị thiệt hại trong bảo vệ và phát triển rừng. Số vụ cháy rừng giảm 1.236 vụ (-39%), diện tích diện tích bị ảnh hưởng giảm 4.358 ha (-34%) trong giai đoạn 2017-2022.
Thành lập ngày 21/5/1973, qua 50 năm thành lập và phát triển, lực lượng kiểm lâm Việt Nam khẳng định được vai trò, vị trí trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Lực lượng kiểm lâm đã thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó với phương châm “bám dân, bám rừng”. Đồng thời, kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng; thực hiện ngày càng có hiệu quả chủ trương xã hội hoá quản lý, bảo vệ rừng…
Cùng với Cục Kiểm lâm, hiện có 4 Chi cục Kiểm lâm vùng, Hạt Kiểm lâm 6 Vườn Quốc gia. Cấp địa phương có 59 Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh; 455 Hạt Kiểm lâm cấp huyện.