Phát hiện hai cơ sở sản xuất giò chả vi phạm an toàn thực phẩm tại TP Hồ Chí Minh

Ngày 8/5, đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm do bà Nguyễn Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục Thú y – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dẫn đầu đã kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đoàn kiểm tra đã phát hiện hai cơ sở sản xuất giò chả có dấu hiệu vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đoàn kiểm tra kiểm tra cơ sở sản xuất giò chả Hiền Khánh (quận Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh).

Tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại chả giò Hiền Khánh (số 35, đường số 17, khu phố 3, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức) đoàn kiểm tra liên ngành đã ghi nhận số lượng lớn sản phẩm giò chả sắp được đưa ra thị trường tiêu thụ. Theo chủ cơ sở, mỗi ngày cơ sở đưa ra thị trường từ 500-700 kg giò chả thành phẩm. Khi đoàn kiểm tra yêu cầu chứng minh nguồn gốc nguyên liệu gồm thịt, bột mỳ, bột năng, các loại gia vị… chủ cơ sở không đưa ra được các hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, chỉ khai báo là mua ở chợ đầu mối. Bên cạnh đó các dụng cụ dùng để chế biến giò chả như máy xay, khay, dao, nĩa…bày la liệt, cáu bẩn.

Còn tại cơ sở sản xuất và chế biến thực phẩm Hoàng Thanh (địa chỉ 571 đường Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) do ông Phạm Hoàng Thọ làm chủ, đoàn công tác cũng ghi nhận nhiều sản phẩm giò chả được đóng trong bao bì chuẩn bị đưa đi tiêu thụ nhưng không có nhãn mác. Tiếp tục kiểm tra các giấy tờ kiểm nghiệm và chứng nhận an toàn thực phẩm, cơ sở này đưa ra chứng nhận kiểm định an toàn thực phẩm đã hết hạn sử dụng. Lý giải về việc sản phẩm không gắn nhãn mác, ông Phạm Hoàng Thọ cho hay, do lo sợ lộ bí mật công thức và thành phần của giò chả nên không dán nhãn mác cho sản phẩm (?). Mỗi ngày cơ sở này bán ra thị trường từ 40 - 50 kg giò chả và pa- tê các loại.

Đoàn kiểm tra đã yêu cầu Ban quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh lập biên bản vi phạm và có hình thức xử lý đối với hai cơ sở này; đồng thời yêu cầu chủ cơ sở bổ sung các giấy tờ chứng nhận kiểm nghiệm an toàn thực phẩm cũng như tham gia các lớp tập huấn về an toàn thực phẩm do Ban quản lý An toàn thực phẩm Thành phố tổ chức.

Bà Nguyễn Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục Thú y cho biết: Qua kiểm tra 2 cơ sở sản xuất thực phẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh, công tác tuyên truyền thông tin về an toàn thực phẩm đến người sản xuất, kinh doanh thực phẩm vẫn chưa thật sự tốt. Bằng chứng là các cơ sở vẫn chưa được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cũng như chưa nhận được các thông tin tuyên truyền từ cơ quan chức năng.

Do đó, Ban quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh và các quận, huyện, phường, xã cần thông tin, tuyên truyền sâu rộng, thiết thực hơn nhằm nâng cao nhận thức của người dân, nhất là những người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.

Tin, ảnh: Đinh Hằng (TTXVN)
Trên 31.000 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm những tháng đầu năm 2018
Trên 31.000 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm những tháng đầu năm 2018

Chiều 24/4, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong cho biết: Từ đầu năm 2018 đến nay, cả nước có gần 159.000 cơ sở trên toàn quốc đã được thanh, kiểm tra; trong đó, trên 31.000 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, đình chỉ hoạt động 72 cơ sở, đình chỉ lưu hành 228 loại thực phẩm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN