Pha Xanh methylen vào cồn để tránh ngộ độc rượu methanol

Để góp phần ngăn chặn tình trạng ngộ độc rượu chứa methanol vượt ngưỡng cho phép, đại diện Bộ Công Thương đã đưa ra đề xuất thêm chất chỉ thị màu Xanh methylen vào cồn không đạt tiêu chuẩn sử dụng làm thực phẩm.

Dù đã quyết liệt ra quân truy tìm rượu chứa methanol, nhưng tuần qua, Hà Nội vẫn ghi nhận thêm 2 nạn nhân thập tử nhất sinh vì  rượu độc. Ảnh: BVBM

Giúp người dân dễ nhận biết rượu độc


Tại Hội thảo Tác hại của việc lạm dụng rượu bia, xử lý và điều trị ngộ độc có methanol cao do Bộ Y tế tổ chức ngày 10/4, tại Hà Nội, TS Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ, Bộ Công Thương, cho biết, để góp phần ngăn chặn tình trạng ngộ độc rượu chứa methanol, Bộ Công Thương đã đề xuất giải pháp pha thêm chất chỉ thị màu Xanh methylen vào cồn không đạt tiêu chuẩn sử dụng làm thực phẩm để tạo màu, giúp phân biệt rượu chứa methanol dễ dàng hơn.


“Chúng tôi rất mong muốn sớm triển khai giải pháp này. Tuy nhiên, cần thời gian để đánh giá về chi phí sản xuất, những tác động đến doanh nghiệp, thêm chất chỉ thị màu đòi hỏi thay đổi quy trình sản xuất, cùng các vấn đề khác về quản lý”, TS Nguyễn Phú Cường cho biết.


Rất đồng tình với giải pháp nêu trên, BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng: Việc pha chỉ thị màu Xanh methylen là một giải pháp rất khả thi, góp phần giải quyết tận gốc vấn đề, giúp người dân dễ dàng nhận biết được rượu có pha cồn công nghiệp. Từ đó, không sử dụng loại rượu độc dễ gây tử vong hoặc gây nhiều biến chứng mắt, thần kinh cho người sử dụng.


Như hiện nay, việc hướng dẫn người dân phân biệt rượu pha cồn chứa methanol  là rất khó vì màu sắc, mùi vị tương tự nhau, thậm chí cồn còn đang được đựng trong những chiếc lọ có hình dáng giống hệt nước muối sinh lý. Tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, từng tiếp nhận những nạn nhân ngộ độc thập tử nhất sinh vì uống nhầm lọ cồn.


Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cũng cho biết, trước đây, Việt Nam cũng đã áp dụng phương pháp pha chất chỉ thị màu vào cồn công nghiệp nhưng sau đó lại bãi bỏ. Do vậy, việc áp dụng lại phương pháp này để giúp phân biệt, phòng tránh ngộ độc rượu methanol là hoàn toàn khả thi.


Cần sự vào cuộc ráo riết của các địa phương


Tại Hội thảo, ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, cho biết: Từ năm 2007 - 3/2017, toàn quốc ghi nhận 382 người mắc, 98 người chết vì sử dụng rượu không an toàn. Trong đó, có tới 45 người chết vì ngộ độc rượu có hàm lượng methanol cao (từ đầu năm 2017 tới nay là 10 người).


Tuy nhiên, theo tổng hợp riêng của phóng viên báo Tin Tức, số ca ngộ độc và tử vong do rượu không an toàn, nhất là rượu có hàm lượng methanol vượt ngưỡng nhiều lần chắc chắn cao hơn rất nhiều so với số liệu thống kê của Bộ Y tế. Riêng vụ ngộ độc ngày 13/2/2017 tại xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu làm 126 người ngộ độc, trong đó 9 người tử vong. Tại Hà Nội, từ ngày 22/2 đến nay đã có 27 bệnh nhân bị ngộ độc methanol; trong đó, 3 bệnh nhân tử vong và 2 bệnh nhân khác đang trong tình trạng rất nguy kịch…


Theo ông Nguyễn Hùng Long, thực ra ngộ độc rượu, nhất là ngộ độc rượu có hàm lượng methanol cao vẫn xảy ra, chủ yếu xảy ra ở các địa phương ở khu vực miền núi phía Bắc, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, tập trung nhiều vào tháng 3 và tháng 9 hàng năm. Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ ngành, địa phương để thanh, kiểm tra, ban hành phác đồ điều trị, tăng cường tuyên truyền cho cộng đồng...


Khẳng định trách nhiệm trong quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản đến kinh doanh rượu là thuộc Bộ Công thương, TS Nguyễn Phú Cường chia sẻ hiện còn  nhiều khó khăn trong công tác kiểm soát rượu không an toàn, nhất là rượu chứa methanol.


Từ đầu năm đến nay, ngành công thương đã triển khai rất nhiều cuộc thanh, kiểm tra nhằm truy tìm rượu độc. Đơn cử, từ 17/3 - 15/4, 689 đoàn kiêm tra của sở công thương Hà Nội đã và sẽ đồng loạt ra quân kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh rượu trên địa bàn. Tại Bắc Ninh, Sơn La… cũng triển khai nhiều hoạt động tương tự… Tuy nhiên, hiệu quả kiểm soát rượu không đảm bảo vẫn chưa như mong đợi.


Chỉ ra nguyên nhân vấn đề, TS Cường cho biết hiện có quá nhiều cơ sở sản xuất rươu thủ công nhỏ lẻ, tự nấu tự tiêu thụ, lên men sản xuất trôi nổi, khó kiểm soát, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.


Trong khi đó, chính quyền một số địa pương chưa thực sự vào cuộc quyết liệt, chưa quan tâm đầy đủ đủ về nhân lực và ưu tiên bố trí nguồn lực cho công tác này.


“Nếu địa phương không vào cuộc, đến 10 Bộ Y tế, 10 Bộ Công Thương cũng khó kiểm soát được tình trạng sản xuất, kinh doanh rượu chứa methanol. Bởi liệu Bộ Y tế và Công Thương có được bao nhiêu nghìn cán bộ để có thể kiểm tra được tất cả các cơ sở sản xuất rượu nhỏ lẻ trên toàn quốc”, TS Nguyễn Phú Cường khẳng định.


Cũng theo TS Cường, Việt Nam chưa tự sản xuất được nên vẫn phải nhập methanol về với giá thành cao để sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, có thể gây tử vong ngay cả với người pha chế. Do đó, loại rượu chứa methanol gây tử vong cho nhiều người thời gian qua là loại được pha chế từ cồn không đạt quy chuẩn sử dụng làm thực phẩm (lẫn nhiều tạp chất, trong đó có methanol).


Bởi vậy, các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục tăng cường kiểm tra các hoạt động sản xuất rượu do dân tự nấu, tự chế biến, pha chế, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ; đặc biệt là việc sử dụng cồn công nghiệp, methanol và các hóa chất có nguy cơ lạm dụng trong pha chế rượu.


Phương Liên (Báo Tin Tức)
Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý sau hàng loạt vụ ngộ độc rượu
Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý sau hàng loạt vụ ngộ độc rượu

Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm rượu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN